Xã hội yêu thương và chia sẻ, trách nhiệm của mỗi người

Cập nhật 20/3/2014, 08:03:44

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2013 là ngày của những hành động để tạo dựng hạnh phúc cho con người.

Tháng 6/2012, tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon chính thức công bố lấy 20/3 hàng năm làm ngày Quốc tế Hạnh phúc. Từ đó đến nay  đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cam kết ủng hộ ngày này.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho con người trên trái đất.

Sở dĩ Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 hàng năm làm ngày Quốc tế Hạnh phúc là do ngày này có độ dài ban ngày và ban đêm bằng nhau – mang ý nghĩa của sự cân bằng. Theo đó mỗi người trên trái đất nên chọn cho mình một quan niệm về hạnh phúc, bởi mỗi người dù ở quốc gia nào, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ đều mưu cầu hạnh phúc.

Hạnh phúc không phụ thuộc vào vật chất, bạn là tỷ phú, hay sống ở quốc gia giàu có. Bhutan – Vương quốc là một trong những nước có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới dù họ không phải quốc gia giàu có. Diện tích nhỏ bé chỉ vỏn vẹn bằng bang Indiana và dân số tương đương bang Alaska của Mỹ, được bao bọc bởi dãy Himalaya, nhưng Bhutan được ví  như thiên đường hạ giới.

 

Việt Nam lấy chủ đề "Yêu thương và chia sẻ" cho Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2014

Cũng theo công thức hạnh phúc của Liên Hợp Quốc đưa ra, Bhutan lấy việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm trụ cột. Bên cạnh đó, sự phát triển các giá trị vật chất luôn được tính toán để hài hòa với các yếu tố tinh thần.

Mỗi quốc gia, khu vực, vùng, miền có những khái niệm khác nhau về hạnh phúc và nó được biến đổi theo thời gian, hoàn cảnh môi trường. Ở Việt Nam cũng vậy và nó được khái quát lên cao hơn khi hạnh phúc của cá nhân hòa chung vào với hạnh phúc của cộng đồng.  

Với ý nghĩa đó, Việt Nam lấy chủ đề "Yêu thương và chia sẻ" cho Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2014. Với thông điệp đó, con người sẽ trở nên bao dung hơn, hành động có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội.

Dựa trên tiêu chí đánh giá về đời sống và sự hài lòng của người dân với cuộc sống hiện tại, Việt Nam xếp thứ 63 trong bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc của các quốc gia trên thế giới (năm 2013). Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế, tiếp đến là Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan và Thụy Điển.

Tuy chưa phải là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhưng Việt Nam đang nỗ lực để làm sao cho mỗi người dân cảm thấy hạnh phúc, tự hào mình là người Việt Nam.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên được thế giới tổ chức vào ngày 20/3/2013. Hàng loạt các hoạt động hạnh phúc đã diễn ra tại các nước thành viên. Người ta không thể quên bữa trưa hạnh phúc ở thủ đô Brussels-Bỉ, thông  điệp mong muốn có một nền kinh tế hạnh phúc ở Australia. Những chiếc ôm miễn phí được trao ở thủ đô Washington, Mỹ, làm cho con người cảm thấy gần gũi tràn đầy yêu thương hơn bao giờ hết. Hàng triệu thông điệp được gửi đi bằng bưu thiếp, gắn kết trái tim với trái tim, con người hình như không có khoảng cách.

Mưu cầu hạnh phúc là hạt nhân của loài người. Một cuộc sống hài hòa với tự nhiên, không khủng bố, không sợ hãi, được sống với chính mình là ước mong của mọi người trên toàn thế giới.

Thế nhưng đối với những người sống trong cảnh bần hàn, thì một chút vật chất thôi cũng làm cho người ta hạnh phúc. Nhưng lại có người tuy đã giàu có nhưng lại lo sợ bởi khủng hoảng xã hội, bạo lực, tội phạm và sự tàn phá của môi trường, sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Vậy là, sự cân bằng sẽ làm cho người ta hạnh phúc.

Không phải ngẫu nhiên Liên Hợp Quốc cho rằng một quốc gia hạnh phúc là một quốc gia cân bằng được bởi 3 trụ cột phát triển đó là: duy trì tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.   

Nhưng quan trọng hơn đó là ngoài việc phát triển con người bền vững cần phải nâng cao ý thức giúp đỡ đồng loại. Khi chúng ta xả thân vì lợi ích chung, chúng ta cảm thấy tâm hồn giàu có hơn rất nhiều.

Chúng ta ai cũng biết, người phụ nữ nổi tiếng nhất của thế kỷ XX là một nữ tu có tên là Agnes Gonxha Bojaxhiu, được cả thế giới xưng danh Mẹ Teresa. 

Mẹ Teresa được đã cống hiến cả cuộc đời của mình vào hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo. Chính vì vậy, Bà đã được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1979. 

Mẹ Teresa không vì giải thưởng Nobel kia mà đơn giản bởi muốn làm những điều dù nhỏ để người khác cảm thấy hạnh phúc. Và những người nghèo khổ, khốn cùng kia tìm thấy hạnh phúc từ Bà. Mẹ Teresa chính là “Vị thánh của những người khốn cùng”.

Hy vọng rằng chúng ta sẽ chung tay tạo dựng một thế giới khỏe mạnh và chia sẻ lẫn nhau./.

Theo VOV


Lượt xem: 14

Trả lời