Vụ cháy chợ Phố Hiến: Hệ thống chữa cháy chỉ làm cảnh?

Cập nhật 24/3/2014, 05:03:47

Bình cứu hỏa, trụ cứu hỏa có cũng như không. Khi phát hiện mùi khét, Ban quản lý chợ mãi mới đến mở cửa.

Chợ Phố Hiến bị thiêu trụi tan hoang, thẫn thờ nhìn tài sản bạc tỷ hóa thành tro, hàng trăm tiểu thương và người dân thành phố Hưng Yên nuốt nước mắt, nặng trĩu một nỗi buồn: "Cứ cháy là mất sạch, có cứu cũng không được". Trớ trêu thay, vụ cháy lớn này xảy ra đúng vào Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ.

Hệ thống phòng chữa cháy hiện đại để làm cảnh?

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hưng Yên, công trình chợ Phố Hiến có hồ sơ thiết kế phòng chống cháy nổ đã thẩm duyệt và nghiệm thu với hệ thống được lắp đặt đầy đủ và hiện đại gồm: hệ thống cấp nước có 2 máy bơm dùng điện và xăng, 2 trụ nước, 14 họng nước bố trí cả bên trong và bên ngoài tòa nhà chợ 2 tầng; hệ thống báo cháy tự động có 1 tủ trung tâm 8 kênh, 82 đầu báo cháy nhiệt và khói; thiết bị chữa cháy cầm tay có 72 bình chữa cháy bột loại MFZ4 và 36 bình chữa cháy bằng khí CO2.

 

Hiện trường vụ cháy chợ Phố Hiến (ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, các tiểu thương chợ Phố Hiến cho biết: khi xảy ra cháy, hệ thống chữa cháy tại chỗ của chợ Phố Hiến gần như không hoạt động, có bình cứu hỏa, trụ cứu hỏa nhưng chỉ để "làm cảnh". Ông Đặng Văn Thiện bức xúc: Lúc phát cháy ông vội vàng chạy vào trong chợ, giật 2 bình cứu hỏa để xịt vào đám cháy nhưng không có tác dụng, chạy đến vòi cứu hỏa để vặn nước cũng không có giọt nào. Xe cứu hỏa đến không có nước tại chỗ phải đi cách xa khoảng 500m để lấy nước.

Tiểu thương chợ Phố Hiến cũng khẳng định, cùng với hệ thống cứu hỏa tại chỗ không hoạt động, lực lượng bảo vệ ở đây cũng không chu đáo bởi khi chợ cháy bảo vệ không phát hiện sớm để báo động. Theo những người dân sống gần chợ, từ trước 20h đã ngửi thấy có mùi khét, sau đó phát hiện đám cháy bùng phát phía góc chợ, nhiều người tá hỏa chạy đến, yêu cầu bảo vệ chợ mở cửa để dập lửa, được trả lời là không giữ chìa khóa mà giao cho Ban quản lý chợ. Rất lâu sau, khi đám cháy bùng phát dữ dội, người của Ban quản lý chợ mới đến mở cửa.

Trong khi người dân cho biết, đám cháy có thể đã xảy ra trước 20h và bảo vệ chợ tắc trách. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hoàng Phát lại cho biết: khoảng 21h, Ban quản lý chợ và tổ bảo vệ phát hiện có chuông báo cháy, đã dùng hệ thống chữa cháy tại chỗ để cứu chữa, đồng thời gọi cứu hỏa, nhưng do đám cháy quá lớn, số lượng hàng hóa tại chợ nhiều nên thiệt hại nặng.

Nhiều tiểu thương chợ Phố Hiến xót xa đặt câu hỏi: tại sao có chuông báo cháy cùng với hệ thống tại chỗ hiện đại như vậy lại không dập tắt được lửa ngay từ khi mới cháy nhỏ? Nếu phát hiện kịp thời từ ban đầu mà sao lửa lại bốc cháy dữ dội, sự việc lại trở nên trầm trọng đến như vậy?

Tiểu thương Nguyễn Thị Hà và nhiều bà con khu phố Điện Biên 2 ngán ngẩm: chợ cũ trước đây dù xuống cấp nhưng hoạt động suốt hơn 20 năm không hề xảy ra cháy. Nay chợ mới vừa xây xong, được thiết kế hiện đại, mới đưa vào sử dụng được vài tháng đã gặp hỏa hoạn lớn.?

Cháy sạch thành tro: lỗi tại hàng hóa?

Theo lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hưng Yên, nhận được tin báo cháy lúc 21h 25, chỉ 4 phút sau đã có 6 xe chữa cháy đến tiếp cận hiện trường, tiếp đó 30 phút đến 1 tiếng sau có thêm 12 xe từ các tỉnh Hà Nam, Hải Dương và thành phố Hà Nội đến ứng cứu. Các lực lượng tham gia chữa cháy đã chia thành 4 hướng tấn công vào các mặt của tòa nhà, nhằm cô lập khoanh vùng, khống chế ngăn chặn lửa lây lan, tổ chức tốt công tác tiếp nước theo đội hình truyền nước con thoi, làm tốt các bước hậu cần chữa cháy.

Công an tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, lực lượng cứu hỏa đã dũng cảm chữa cháy trong nhiều giờ liền. Đến 1 giờ sáng, đám cháy cơ bản được khống chế và đến khoảng 3h, lửa bị dập tắt. Tuy nhiên, do lửa cháy dữ dội và quá lớn, dù huy động tối đa nhân lực chữa cháy cũng chỉ đủ để dập lửa, chứ không kịp cứu tài sản hàng hóa trong chợ.

Theo báo cáo của Công ty Hoàng Phát, tổ bảo vệ khi phát hiện có chuông báo cháy đã mở cửa chợ và dùng hệ thống chữa cháy để cứu chữa đồng thời gọi cứu hỏa. Nhưng do hàng hóa kinh doanh tại chợ chủ yếu là quần áo, vải sợi, hàng khô, hàng mã cùng nhiều đồ dễ cháy nên lửa bùng phát quá nhanh, các lực lượng và phương tiện chữa cháy đã nhanh chóng đến cứu chữa, song do đám cháy quá lớn nên số lượng hàng hóa tại chợ bị thiệt hại nặng. Theo đánh giá ban đầu của thành phố Hưng Yên, thiệt hại của vụ cháy khoảng 50 tỷ đồng, tại chợ có hơn 300 hộ kinh doanh.

Chứng kiến vụ cháy suốt đêm 19/3, bà Nguyễn Thị Tình và nhiều người dân thành phố Hưng Yên cho biết: ban đầu, một số xe cứu hỏa được điều tới nhưng do không có nước phải quay đầu đi lấy nước cách xa 500m mất rất lâu mới trở lại, rồi bị vướng hàng rào sắt trước cửa chợ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận đám cháy. Sau đó, một máy xúc tới phá hàng rào xe mới vào được. Tuy nhiên, xe cứu hỏa lại không có thang, máy bơm nước yếu và chỉ đứng từ ngoài xịt vào, trong khi các cửa cuốn, cửa kính đóng kín nên nước bơm đến đâu lại bật trào ra ngoài đến đó. Mãi đến khi một số cửa bị nóng tự vỡ bung ra và xe cứu hỏa từ Hà Nội đến phá các cửa còn lại, nước mới phun được vào trong. Nhưng đến lúc này, lửa đã lan ra khắp tầng 1 và bốc lên tầng 2.

Bà Nguyễn Thị Yến và nhiều tiểu thương ngậm ngùi: khoảng 23h khi lửa đang chỉ cháy ở tầng 1, lực lượng cứu hỏa có đến cả chục xe với hàng trăm người mà lửa vẫn không bị dập tắt, để sau đó lửa vẫn tiếp tục leo lên cả tầng 2 và bốc ngùn ngụt, cả khu chợ chìm trong biển lửa. Cuối cùng, khi mọi thứ đã cháy trụi hết, lửa cơ bản được…khống chế!Đứng bên đống tro tàn, các tiểu thương càng thêm chua xót khi nghe chủ đầu tư chợ Phố Hiến khẳng định: "do hàng hóa kinh doanh là đồ dễ cháy và khối lượng quá lớn"!

Dư luận nhân dân thành phố Hưng Yên cũng đánh giá cao công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường trong lúc chữa cháy để tránh thiệt hại về người của các lực lượng chức năng. Song bà con vẫn thở dài tiếc nuối: hệ thống phòng chữa cháy tại chợ được trang bị hiện đại, lực lượng cứu hỏa được huy động tối đa đã trắng đêm vật lộn với đám cháy trong nhiều thời gian, tốn nhiều công sức. Vậy mà mọi thứ vẫn bị lửa thiêu và…cháy sạch! Phải chăng tất cả là do "lỗi" của "hàng hóa quá nhiều và dễ cháy", nên bùng phát nhanh, nên không thể cứu được, nên người dân đành chịu…mất hết?./

Theo VOV


Lượt xem: 27

Trả lời