Việt Nam “chạy” nhanh hơn các nước phát triển về già hóa dân số

Cập nhật 01/10/2018, 21:10:08

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Thời gian để chuyển sang giai đoạn cơ cấu dân số già sẽ ngắn hơn các nước phát triển.

Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm: “Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổ chức hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HelpAge) tổ chức chiều nay (1/10).

viet nam chay nhanh hon cac nuoc phat trien ve gia hoa dan so hinh 1
Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số nhanh. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: “Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi”.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng,Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự đoán ở Việt Nam chỉ khoảng 17 đến 20 năm. Do vậy, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược chuẩn bị cho “già hóa dân số” một cách phù hợp trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi qua từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả giai đoạn khó khăn nhất.

Nhiều chính sách cho người cao tuổi được cụ thể hóa bằng các luật, nghị định, quyết định, thông tư, Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Tháng Hành động về người cao tuổi…

Thông tin về tình hình già hóa dân số trên thế giới, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, năm 2017, số người cao tuổi nước ta chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050. Dự báo, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 15 – 24 tuổi.

Tuy nhiên, bà Astrid Bant cho rằng, già hóa dân số là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nên thông điệp “Không ai bị bỏ lại phía sau” có nghĩa là phải tạo cơ hội cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội.

Quyền của người cao tuổi cần được thúc đẩy hơn nữa và đảm bảo người cao tuổi được tham gia một cách đầy đủ để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh: “Thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế.

Nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, thích ứng với già hoá dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.

Vấn đề người cao tuổi liên quan chặt chẽ tới 15/17 mục tiêu phát triển bền vững, do đó cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hoá dân số cho giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng Giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số…/.

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời