Vì sao hành vi phản cảm tại lễ hội vẫn còn “đất sống”?

Cập nhật 22/2/2019, 09:02:53

Tốt nhất là nên trả lễ hội về đúng không gian truyền thống của nó, với cộng đồng làng xã nơi sản sinh ra lễ hội.

Nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa mỗi khi đến đình, chùa, lễ hội, nhưng lại mang sẵn tâm lý rất giống nhau là hội đông, hội to thì sẽ thiêng. Đây là sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tâm lý chạy theo đám đông, rập khuôn bắt chước.

Nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa hiệu quả

Sau một tuần đầu của mùa lễ hội 2019, những đổi mới trong việc tổ chức lễ hội như tại hội Gióng (Sóc Sơn), hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) không tổ chức tán lộc nên những hiện tượng phảm cảm, giẫm đạp, xô xát, đổ máu khi tranh cướp lộc… đã không diễn ra.

Tuy nhiên, tại một số lễ hội như lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) ngày 12 – 13 tháng Giêng (16 – 17/2), hay lễ hội đền Trần (Nam Định) ngày 14 – 15 tháng Giêng (18 – 19/2), những hình ảnh phản cảm, hỗn loạn, mất kiểm soát lại tái diễn, bất chấp sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các biện pháp an ninh.

Cụ thể, tại lễ hội phết Hiền Quan, mặc dù năm nay, Ban tổ chức đã có đề án đổi mới so với các năm trước như: hạn chế số lượng người cướp phết; tổ chức người tham gia cướp phết thành các đội, mặc đồng phục và thi cướp phết trong không gian được rào chắn riêng; đưa ra các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho những người đến dự cướp phết; đưa ra những nguyên tắc, chỉ đạo, thông điệp để những người đến lễ hội mà không thuộc những thành phần được cấp phép thì không xuống sân để cướp phết; tăng cường lực lượng an ninh, trật tự để hoạt động cướp phết được diễn ra an toàn nhất trong mùa lễ hội 2019…

vi sao hanh vi phan cam tai le hoi van con "dat song"? hinh 1
Hình ảnh phản cảm tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh: Vnexpress.

Dù có nhiều biện pháp mới, nhưng phần hội (phần cướp phết) đã “vỡ trận” chỉ sau vài phút đầu tiên trong ngày khai hội bởi hàng nghìn người dân đã vượt rào chắn xông vào cướp phết, đẩy những đội cướp phết chính thức ra ngoài trước sự bất lực của lực lượng chức năng. Hậu quả là hội cướp phết đã bị dừng lại vào ngày hôm sau (ngày chính hội) và nguy cơ sẽ bị dừng tiếp trong những năm tiếp theo.

Còn tại lễ hội đền Trần, dù Ban tổ chức đã bố trí hơn 2.000 nhân viên an ninh, với hàng rào bảo vệ nhiều lớp nhưng vẫn không thể cản được người dân ném tiền lên kiệu thánh, ném tiền vào hậu cung, tranh cướp lộc trên ban thờ. Điều đáng nói, tham gia tranh cướp, ném tiền rất phản cảm ấy có cả những người đeo thẻ đại biểu. Và dù Ban tổ chức đã thông báo sẽ phát ấn vào 5h00 sáng ngày 15 tháng Giêng (19/2) nhưng tại thời điểm khai ấn lúc nửa đêm vẫn không thể ngăn cản hàng ngàn người dân chen lấn, xô đẩy, trèo rào vào khu vực phát ấn, gây nên cảnh nhốn nháo, hỗn loạn trong lễ hội.

Tâm lý a dua, khó quản

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm trên cả nước diễn ra hơn 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh, lễ hội dân gian vốn có không gian riêng và chỉ có giá trị văn hóa, tâm linh đối với cộng đồng người sống trong không gian ấy. Nếu soi chiếu các lễ hội dân gian bằng nhãn quan không thuộc không gian truyền thống của lễ hội thì lễ hội sẽ mất đi giá trị, thậm chí sai lạc, phản cảm, biến tướng…

vi sao hanh vi phan cam tai le hoi van con "dat song"? hinh 2
Cảnh chen chúc tại lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định) vừa qua.

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh có những người không phải người xã Hiền Quan nhưng lại nghĩ rằng, sờ được vào quả phết, quả chúi thì sẽ được may mắn cả năm nên cũng xông vào cướp; người này thấy người kia xông vào thì cũng a dua theo mà không biết rằng, giá trị tâm linh ấy vốn chỉ có trong cộng đồng người dân xã Hiền Quan.

Ngày nay, mỗi lễ hội dân gian có hàng nghìn người từ khắp nơi về trẩy hội, không ai biết ai nên người ta cứ tha hồ tranh cướp, chen lấn, xô đẩy… Họ không biết đình, chùa, thờ ai, lễ hội có ý nghĩa gì, nhưng lại mang sẵn tâm lý rất giống nhau là hội đông, hội to ắt sẽ thiêng. Đây là sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tâm lý chạy theo đám đông, rập khuôn bắt chước.

Với tâm lý a dua, thấy người này, người kia ném tiền, cướp lộc thì mình cũng ném, cướp, gây ra hình ảnh phản cảm, hỗn loạn như tại lễ hội đền Trần thì không có cơ quan, lực lượng chức năng nào có thể quản nổi.

Hãy trả lễ hội về đúng không gian truyền thống của nó

Những năm trở lại đây, những lễ hội dân gian đã vượt ra ngoài không gian truyền thống của nó. Trước hết, bởi tâm lý ganh đua của người dân “hội làng mình phải to hơn, hoành tráng hơn hội làng bên”, cộng thêm sự tác động của việc thương mại hóa, xã hội hóa lễ hội và cả những lợi ích kinh tế, cùng sức mạnh lan tỏa trong một thế giới phẳng của xã hội hiện đại với các hình thức truyền thông đa dạng đã khiến cho các lễ hội ngày càng phình to, vượt ra ngoài không gian truyền thống của lễ hội. Cũng bởi vậy số người đến tham dự lễ hội ngày một đông, những giá trị văn hóa, tâm linh của lễ hội ngày càng mất kiểm soát.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) trả lời trên Tuoitre.vn: Hội cướp phết Hiền Quang không còn của những người trong làng này, không còn thuộc giá trị làng xã như trước nữa, mà có yếu tố mở rộng, nguy cơ gây mất trật tự an ninh cho người dân ở vùng miền đó, bởi không ai mong muốn để tồn tại phần hội có hành vi mang tính chất phản cảm, có việc đánh nhau, có việc tranh cướp, thậm chí ẩu đả. Cho dừng phần cướp phết không nhằm cấm hoàn toàn mà là một biện pháp tạm thời để cùng với người dân, chính quyền địa phương tìm ra một giải pháp phù hợp sao cho những mùa lễ hội tiếp theo có giá trị văn hóa đúng bản chất.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, lễ hội chính là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội. Khi xã hội thiếu niềm tin nhưng lại thừa lòng tham, người dân sẽ nương tựa vào những yếu tố tâm linh để mong cầu những điều có lợi cho mình. Bởi vậy, cứ nghe nói ở đâu linh thiêng thì đến cầu cúng, xin lộc, xin tài, xin may mắn… làm cho các lễ hội ngày một phát triển to hơn, đông hơn và khó quản lý hơn. Tốt nhất là nên trả lễ hội về đúng không gian truyền thống của nó, với cộng đồng làng xã nơi sản sinh ra lễ hội.

Ngay tại lễ hội phết Hiền Quan, sau khi phần cướp phết bị dừng lại vào ngày chính hội, chỉ có những người dân địa phương chịu ảnh hưởng bởi những giá trị văn hóa, tâm linh của họ không được thỏa mãn. Bởi vậy, họ đã có hành động phản đối quyết định này của Ban tổ chức và các cơ quan chức năng trong suốt nhiều giờ sau đó. Còn với nhiều du khách trẩy hội từ các địa phương khác thì chỉ đơn giản là: lỡ 1 cuộc vui.

Hành vi mang tính chất bạo lực, phản cảm tại một số lễ hội truyền thống đã bị phê bình, lên án, bởi nó đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, nhân cách của con người. Biết rằng, lễ hội truyền thống là nét đẹp văn hóa mà cha ông ta để lại, cần phát huy và giữ gìn. Tuy nhiên, những lễ hội phản cảm, đặc biệt là những lễ hội mang tính bạo lực, không phù hợp với xu hướng thời đại thì cần thiết phải loại bỏ.

Năm 2019, Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về chức năng và nhiệm vụ của các địa phương. Đã đến lúc những hành vi phản cảm, tranh cướp, bạo lực…, không phù hợp với cuộc sống văn minh cần được quản lý chặt, thậm chí loại bỏ./.

Theo VOV


Lượt xem: 14

Trả lời