Tuyển sinh đại học, cao đằng 2022: Thêm cơ hội, thêm áp lực

Cập nhật 17/1/2022, 13:01:44

Nhiều ngành đào tạo mới, đa dạng phương thức xét tuyển đem lại cho học sinh nhiều lựa chọn nhưng chắc chắn sẽ có những thách thức mới khi lần đầu áp dụng.

Đại học mở ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội

Cuộc đua tuyển sinh đại học 2022 đã bắt nóng lên. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Do đó, việc các trường đại học mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2022 là điều có thể dự đoán.

Trước sức ép cạnh tranh, năm nay, trường khối kỹ thuật cũng tuyển sinh ngành kinh tế. Như Đại học Thủy lợi mở thêm 6 ngành đào tạo về kinh tế tài chính và công nghệ thông tin gồm An ninh mạng, Tài chính – Ngân hàng, Kiểm toán, Kinh tế số, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh. Chỉ tiêu cũng tăng lên đáng kể so với năm 2021.

Trong khi đó, các trường có thế mạnh trong khối kinh tế lại phân bổ chỉ tiêu cho các chương trình mới đào tạo chất lượng cao, tuyển giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cùng với đó, nhiều trường cũng phát triển thêm các ngành học Thương mại điện tử, Marketing số, Truyền thông đa phương tiện… thích ứng với bối cảnh nền kinh tế số.

Tuyển sinh đại học, cao đằng 2022: Thêm cơ hội, thêm áp lực - Ảnh 1.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những dự báo nguồn nhân lực uy tín, để giúp hoạch định các chính sách sát với tình hình cung cầu nguồn lao động và giúp các trường đại học có hướng đi thích hợp.

Việc các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi theo chuyên gia nhận định, đây là xu hướng tất yếu khi cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm nhất chính là khâu quản lý, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra.

Đa dạng phương thực tuyển sinh: Thêm cơ hội, thêm áp lực

Cùng với việc mở thêm nhiều ngành mới, thì mùa tuyển sinh năm nay trên tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước. Mở rộng thêm các phương thức xét tuyển, nên giảm chỉ tiêu ở phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu trong mùa tuyển sinh năm nay.

Điển hình, ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10%-15% chỉ tiêu, cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, số chỉ tiêu áp dụng với phương thức này dự kiến khoảng 10%-20% tổng chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo. Trong khi đó, năm 2021 phương thức này thường chiếm 60% chỉ tiêu của các trường.

Tuyển sinh đại học, cao đằng 2022: Thêm cơ hội, thêm áp lực - Ảnh 2.

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy hiện là lựa chọn của nhiều học sinh lớp 12. Bởi thực tế, nhiều trường đại học tốp đầu sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển thay vì điểm thi tốt nghiệp. Trước đó, để giảm tải cho học sinh ở nhiều tình thành khi phải học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nội dung kiến thức được giảm tải chỉ còn ở mức “cốt lõi”. Vậy học theo giảm tải có đủ kiến thức, để thi đánh giá năng lực và tư duy? Đó là băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh lớp 12 lúc này.

Cùng lúc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đại học nên song song với việc ôn thi tốt nghiệp THPT, Như Quỳnh cũng phải chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực. Khó khăn nhân đôi, lo lắng cũng nhân đôi bởi đề thi tốt nghiệp thì bám sát chương trình đã giảm tải trong khi phạm vi kiến thức của các đề thi riêng lại không có giới hạn hay chưa được công bố.

Ngoài lo lắng về độ phủ kiến thức thì trước phương thức thi mới đa phần học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc.

Học trò khó thì tìm đến thầy, tuy nhiên, việc xuất hiện các kỳ thi riêng cũng đang là thách thức trong việc đồng hành với các em. Nếu như trước đây, các giáo viên, nhà trường chỉ tập trung ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp có kết quả cao làm căn cứ xét tuyển đai học thì năm nay phải nghiên cứu thêm phương án tuyển sinh, bộ đề mẫu của các trường tổ chức thi riêng.

Khẳng định mức độ đề thi đánh giá năng lực sẽ vẫn có độ phủ rộng hơn và khó hơn sơ với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, để gỡ khó cho thí sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến từ nay đến hết tháng 8/2022 sẽ tổ chức 16 kỳ thi đánh giá năng lực.

Thêm phương thức là thêm cơ hội, tuy nhiên, trong điều kiện không được đến trường lại phải vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa lo cho các kỳ thi riêng sẽ là thách thức không nhỏ của các sĩ tử năm nay. Cân nhắc và nghiên cứu kỹ phương án của trường mà mình định lựa chọn để có định hướng ôn tập đúng và trúng sẽ là giải pháp quan trọng giúp các em vượt qua thách thức này.

Xu hướng lựa chọn cao đẳng, thực nghề thực nghiệp

Cùng với các trường đại học là hệ thống các trường cao đẳng. Với đặc thù được phép tổ chức nhiều đợt tuyển sinh quanh năm, năm mới 2022 cũng là thời điểm để cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu một mùa tuyển sinh mới.

Bỏ qua tâm lý bằng cấp, nhiều bạn trẻ quyết tâm theo đuổi con đường học nghề để lập thân lập nghiệp. Do đó, những tiêu chí đào tạo thực tế, kết nối doanh nghiệp, cơ hội việc làm là những vấn đề được học sinh cuối cấp quan tâm hàng đầu, để lựa chọn môi trường học tập.

Tuyển sinh đại học, cao đằng 2022: Thêm cơ hội, thêm áp lực - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học 2022 – 2023 là quyết định được Trường cao đẳng FPT Polytechnic đưa ra sau khi đánh giá chất lượng đầu ra của học viên vẫn đạt kết quả tốt dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong 2 năm qua.

Ghi nhận tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, số lượng thí sinh đăng ký vẫn giữ ổn định so với mọi năm, thậm chí còn gia tăng với các ngành nghề ứng dụng CNTT.

Với vốn ngoại ngữ tốt, Thành Long quyết định dừng việc học tại một trường đại học trong nước để tìm kiếm cơ hội học nghề ở nước ngoài.

Theo học các trường giáo dục nghề nghiệp tại nước ngoài, còn là định hướng của gia đình khi Minh Ngọc mới học tiểu học. Ngay từ lớp 3, em Bùi Minh Ngọc, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, TP Hà Nội đã học tiếng Đức và tìm hiểu về văn hóa của quốc gia nơi mình hướng đến.

Cũng theo các chuyên gia giáo dục, việc định hướng nghề nghiệp cần được thực hiện từ sớm, dựa trên năng lực riêng có của từng học sinh và nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. Nếu lựa chọn các trường quốc tế, bên cạnh chuẩn bị kiến thức, học sinh cần được tích lũy về vốn sống.

Có thể thấy, đại học giờ đây không còn là con đường duy nhất. Xác định học nghề, thực nghiệp đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay. Điều này không chỉ mở ra cơ hội học tập và làm việc trong nước mà còn hướng tới thị trường lao động nước ngoài khi nhiều quốc gia tại châu Âu như Đức vẫn thiếu hụt hàng trăm nghìn lao động mỗi năm.

Theo VTV

Lượt xem: 14

Trả lời