Trường Sa trong trái tim của những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo

Cập nhật 14/6/2018, 08:06:00

Háo hức, chờ đợi là cảm xúc của những người lần đầu tiên đến Trường Sa. Họ đều mong muốn các chiến sĩ hãy chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Trường Sa là mảnh đất, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc- nơi có cái nắng, cái gió, những con sóng ngày đêm xô bờ, những trái bàng vuông rụng lăn trên mảnh đất được giữ gìn bằng máu xương của bao thế hệ cha anh đi trước.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 1
Đảo Tốc tan C nhìn từ biển

Với những người đã từng đặt chân lên Trường Sa thì có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Còn với những ai chưa từng đặt chân lên vùng biển đảo này thì luôn có cảm giác háo hức, chờ đợi…

Vào những ngày giữa tháng 5/2018, trên chuyến tàu KN 491, đoàn công tác số 16 gồm đại diện Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, tỉnh Hải dương và các đơn vị, tổ chức, phóng viên các báo, đài đã đến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1.

Trong số gần 200 người đến Trường Sa đợt này, có rất nhiều người lần đầu tiên đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 2
Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân mong muốn đến Trường Sa để tận mắt thấy hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đến với Trường Sa mong muốn đến Trường Sa để tận mắt thấy hình ảnh người chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau chuyến đi thực tế này, ông Nguyễn Kim Xuân muốn thực hiện một bức điêu khắc với chủ đề “Nơi anh đứng gác” mô tả hình ảnh sinh động, chân thực nhất về chân dung người chiến sĩ. Nếu bức tượng được đúc thành công, ông sẽ tặng lại cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa.

Thông qua bức điêu khắc này, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân muốn gửi gắm tình cảm của mình với Trường Sa cũng như để người dân cả nước hiểu hơn về công việc thầm lặng nhưng rất đỗi tự hào của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 3
Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Chu Thị Lan vẫn luôn ước mong đến Trường Sa và bà đã thực hiện được điều đó.

Người nhiều tuổi nhất trong đoàn công tác thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa lần này là bà Chu Thị Lan (68 tuổi). Mặc dù đã có tuổi nhưng bà rất hăm hở, phấn khởi khi được đến Trường Sa để tận mắt chứng kiến cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Bà cũng mong muốn có sức khỏe tốt để có thể ra Trường Sa, đến các đảo thăm các chiến sĩ ở những lần sau. “Cả nước hướng về Trường Sa. Trường Sa của chúng ta đầy sóng, đầy nắng, đầy gió.

Ở nơi đó có quân dân, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh và đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi mong rằng, chuyến đi  này là sự động viên kịp thời, quý báu đối với cán bộ và quân dân huyện đảo Trường Sa hãy yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc’, bà Chu Thị Lan chia sẻ.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 4
Nhiều thanh niên mới 19, đôi mươi đã tình nguyện đến Trường Sa bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đất liền luôn hướng về đảo xa

Đa phần chiến sĩ ở Trường Sa đều là những thanh niên trẻ tuổi, nhiều người là đảng viên, thanh niên tiêu biểu…

Công tác tại đảo Len Đao được 5 tháng, chiến sĩ Nguyễn Chế Thanh Niên vẫn nhớ nguyên cái cảm xúc lạ lẫm khi lần đầu tiên đặt chân lên vùng biển đảo thiêng của Tổ quốc.

Thế nhưng, với tình cảm yêu thương và sự dìu dắt tận tình của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao, chiến sĩ Nguyễn Chế Thanh Niên đã quen dần với cuộc sống, công việc ở nơi đầu sóng ngọn gió này.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 5
Các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa trong buổi giao lưu với đoàn công tác

Hàng ngày, cùng với các chiến sĩ khác vững chắc tay súng đứng gác ở đảo, hay những hôm đứng trước bốn bề là biển cả bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, chiến sĩ Thanh Niên cảm thấy rất vinh dự và phải có trách nhiệm thực hiện một cách nghiêm túc cho dù có khó khăn, gian khổ như nào cũng không được nao núng tinh thần.

Trong ý thức của chiến sĩ trẻ này lúc nào cũng nghĩ phải không ngừng trau dồi tư tưởng, luyện tập để khi kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ ở đảo, trở về đất liền có thể đối diện với những thử thách trong cuộc sống.

Có lẽ với chiến sĩ Thanh Niên, những buổi ban đầu bỡ ngỡ để thích nghi với cuộc sống ở biển đảo, những buổi cùng anh em đi câu cá rồi về chia nhau nấu ăn; nào là những ngày cùng nhau học nghiệp vụ, tập luyện hay những khi trò chuyện, cúi đầu chung nhau đọc một thư từ người thân ở đất liền gửi ra đảo xa dưới tán lá cây bàng vuông… sẽ là mãi là những kỷ niệm đẹp theo anh trong suốt cuộc đời.

Khác với những người lần đầu tiên đến với Trường Sa thì có cũng có người trong đoàn đã rất nhiều lần ra thăm nơi đây. Song cứ mỗi lần ra đảo, họ lại có những tình cảm, cảm xúc đặc biệt.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 6
Thượng tá Trần Xuân Văn, Trưởng phòng Tuyên huấn –  Cục Chính trị

Đã 27 năm gắn bó với Quân đội Nhân dân Việt Nam và lực lượng Hải quân, Thượng tá Trần Xuân Văn, Trưởng phòng Tuyên huấn –  Cục Chính trị tâm sự:  “Ra thăm Trường Sa là một điều rất thú vị, xen lẫn cảm xúc bồi hồi. Ngay ở đất liền, khi rời cảng Cam Ranh, những người lính luôn cảm thấy xúc động trào dâng.

Hướng về biển đảo của Tổ quốc là mong muốn, tình cảm chân thật của họ. Ở nơi đấy có quân, có dân, đồng đội của chúng tôi luôn gắn bó yêu thương, ngày đêm không ngại gian lao vất vả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Thượng tá Xuân Văn cho biết, bản thân anh cũng có nhiều kỷ niệm với Trường Sa song kỷ niệm còn in mãi trong tâm trí là khi đến thăm một đảo nhỏ trên Quần đảo Trường Sa, lúc chia tay đoàn công tác tới thăm, một chiến sĩ đã ôm chặt lấy anh, coi anh như người anh trai.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 7
Các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa trong giây phút tiễn biệt đoàn công tác số 16.

Người chiến sĩ ấy đã khóc làm Thượng tá Trần Xuân Văn cũng trào dâng nước mắt theo. Lúc đó, anh đã ôm chầm lấy đồng chí chiến sĩ đó, siết chặt tay. Hai người động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, cố gắng yên tâm công tác.

Theo Thượng tá Trần Xuân Văn, so với các năm trước, Trường Sa bây giờ có rất nhiều thay đổi. Sự thay đổi đó là do cả nước và kiều bào cả nước cùng hướng về biển đảo, Đảng và Nhà nước tập trung mọi nguồn lực xây dựng Trường Sa, tập trung tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Tuy cuộc sống ở Trường Sa đã bớt khổ hơn so với trước song thực tế vẫn còn nhiều gian khó so với đất liền.

truong sa trong trai tim cua nhung nguoi lan dau tien dat chan len dao hinh 8
Phút giây chia tay bao giờ cũng để lại ấn tượng khó quên với những người đến thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa

Cũng như bao người con của đất Việt, Thượng tá Xuân Văn cũng như tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều mong muốn đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất, động viên các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa yên tâm, vững vàng về chính trị, tư tưởng, hiểu rõ vai trò trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đất liền luôn hướng về đảo xa, mong làm sao cán bộ, chiến sỹ Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền từng tấc đất, từng điểm đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đó cũng là tình cảm chân thành của tất cả những người đang có mặt trên chuyến tàu KN 491 cũng như quân dân cả nước hướng về Trường Sa thân yêu./.

Theo VOV


Lượt xem: 36

Trả lời