Thi vào lớp 10 chuyên Sư phạm: Tỷ lệ chọi cao, phụ huynh lo lắng

Cập nhật 02/6/2022, 09:06:46

Trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Sư phạm, nhiều thí sinh xem việc thi vào trường Chuyên là cơ hội để cọ xát, trải nghiệm bản thân, dù đỗ hay không cũng là “chuyện thường tình”. Thế nhưng cũng có em xem đây là mục tiêu cố gắng và quyết tâm thi đỗ cho bằng được.

 “Trường chuyên cũng là trường học mà thôi”

Nuôi hy vọng, đặt mục tiêu thi vào trường chuyên từ những ngày học cấp 2, trong kỳ thi lần này, em Nguyễn Tuấn Phong – Trường THCS Xuân Phương làm hồ sơ vào 3 trường chuyên ở Hà Nội. Với Phong, việc được vào trường chuyên sẽ đem lại cho bản thân nhiều lợi thế.

“Khi được đặt chân vào trường chuyên sẽ giúp em có nhiều lợi thế, lợi thế trước mắt là việc thi tuyển vào Đại học. Nhiều người cho rằng, việc vào trường chuyên sẽ học lệch so với trường thường cũng như không đều trong việc phân bổ kiến thức. Bản thân em chưa thực sự hiểu quan điểm của mọi người như thế nào, nhưng với em, trường chuyên cũng là trường học mà thôi”, Phong cho biết.

Sau khi kết thúc thi chuyên Sư phạm, ngày 4/6 tới, Phong sẽ thi chuyên Ngoại ngữ. Với Phong, việc thi nhiều như vậy là cơ hội để em được cọ xát và trải nghiệm. Vì thế, nếu không đỗ vào trường chuyên nào thì em cũng cảm thấy nhẹ nhàng.

“Với em, nếu không đỗ chuyên Sư phạm hay bất cứ trường chuyên nào theo nguyện vọng thì em cũng cảm thấy bình thường. Bởi trước khi đi thi, mẹ em có dặn rằng, hãy cố gắng làm hết sức mình, coi như đây là thử thách để bản thân được trải nghiệm và thử sức, không nên đặt áp lực cho mình quá nhiều”, Phong nói.

Với em Vũ Ngọc Quang – Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, dù đặt nguyện vọng vào trường chuyên nhưng bản thân em xem kỳ thi này để “sát hạch” những kiến thức đã từng học, chứ không đặt nặng vào việc đỗ vào trường chuyên hay không.

“Nếu không đỗ vào trường chuyên như mong muốn thì em vẫn thấy vui, vì dù sao em cũng đã cố gắng hết sức mình”, Quang cho biết.

Được biết, ngoài nguyện vọng thi vào các trường chuyên, tới đây, trong kỳ thi vào lớp 10 các trường đại trà ở Hà Nội, Quang sẽ thi vào trường THPT Yên Hòa và Mỹ Đình.

Khác với suy nghĩ của Tuấn Phong, Ngọc Quang, em Nguyễn Vũ Tuệ Giang, Trường THCS Marie Curie mong muốn, mình sẽ đặt chân vào trường chuyên ở Hà Nội. Sau kì thi hôm nay, Giang rất tự tin về bài thi của mình.

Tuệ Giang đặt nguyện vọng vào 3 trường chuyên gồm: Sư phạm, Ngoại ngữ và Amsterdam. Ngay từ khi là học sinh lớp 7, Giang đã xây dựng ước mơ vào trường chuyên và luôn cố gắng cho tới kỳ thi hôm nay.

“Mặc dù bố em nói rằng, nếu không đỗ vào trường chuyên thì sẽ học ở trường tư, nhưng bản thân em nghĩ, phải cố gắng đỗ vào trường chuyên cho bằng được để cơ hội vào Đại học rộng mở hơn”, Giang chia sẻ.

Với Tuệ Giang, môi trường tại trường chuyên có sức cạnh tranh hơn. Nếu như học ở trường tư thì việc đứng top đầu của trường không có gì là quá khó với em, thế nhưng, ở trường tư sẽ có rất nhiều bạn giỏi hơn mình, từ đó tạo cho bản thân áp lực để không ngừng cố gắng.

Phụ huynh lo lắng vì tỷ lệ chọi cao

Trực chờ ở cổng Trường THPT chuyên Sư phạm “hóng” từng môn con thi, dường như chị Nguyễn Thị Quyên (Bắc Từ Liêm) còn lo lắng hơn các thí sinh khi bước vào phòng thi, bởi theo chị, tỷ lệ chọi vào trường chuyên năm nay rất gắt gao.

Theo chị Quyên, con gái chị thi chuyên Sinh tại trường này, ngoài ra, con cũng đăng ký thêm các nguyện vọng (NV) khác ở trường Chu Văn An, Nguyễn Huệ, còn hệ không chuyên gồm có NV1 ở Phan Đình Phùng, NV2 Tây Hồ và NV3 ở Mỹ Đình.

Nhìn thấy lịch thi của con dày dằng dặc, trong quá trình con ôn thi, chị Quyên luôn sắp xếp công việc để đồng hành cùng con. Chị Quyên cho hay, con gái chị cũng như các bạn khác rất thiệt thòi bởi hơn gần 2 năm các con phải học ở nhà vì dịch Covid-19. Đến khi con được quay trở lại trường thì các bạn xung quanh lần lượt là F0, con chị là F1 nên học ở nhà là chủ yếu. Thế nên, năm nay các con ôn thi cực kỳ vất vả. Cũng may cô giáo chủ nhiệm cũng như bộ môn luôn đồng hành, sát sao việc học tập của con nên các bậc phụ huynh cũng thấy an tâm hơn.

“Cha mẹ nào cũng mong con mình đỗ đạt, bản thân tôi không muốn đặt áp lực lên con. Trong quá trình ôn tập, tôi luôn hỗ trợ con mỗi khi con cần và chú trọng việc bồi dưỡng sức khỏe cho con. Gia đình cũng như con đã chuẩn bị các phương án dự phòng bởi tỷ lệ chọi cao quá, 1 chọi 11”, chị Quyên chia sẻ./.


Lượt xem: 5

Trả lời