Thí điểm thưởng dự án giao thông đảm bảo tiến độ – nhà thầu nói gì?

Cập nhật 06/5/2023, 09:05:47

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2023/NĐ-CP, trong đó thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, những gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội nằm trong chương trình thí điểm này. Các dự án nằm trong “diện” thí điểm thưởng bao gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1. Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1; cầu Đại Ngãi, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1; cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình – Nam Định; cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; tuyến đường quốc lộ 12C; tuyến kết nối quốc lộ 1A giao đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; đường gom vào cầu Rạch Miễu 2; công trình hạ tầng thiết yếu tại Ninh Thuận…

Về nguyên tắc, công trình, hạng mục công trình phải được thực hiện theo đúng hợp đồng, (về số lượng, khối lượng, chất lượng), đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và phải được nghiệm thu, bàn giao theo quy định của pháp luật về xây dựng. Việc thưởng hợp đồng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; phải được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thể hiện trong hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Quan trọng nhất đối với các nhà thầu, nghị định được ban hành chính là cơ chế để khuyến khích nhiều nhà thầu thực hiện các giải pháp thi công sáng tạo, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng và công trình dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà thầu áp dụng nhiều công nghệ mới tiên tiến, hiện đại sau thời gian áp dụng nhiều công trình dự án giao thông.

Là nhà thầu tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: “Khi tham gia áp dụng công nghệ, chúng tôi tự tin có những kinh nghiệm so với các nhà thầu khác, vì chúng tôi có công nghệ đặc biệt hơn. Vì chúng tôi đã thi công nhuần nhuyễn từ dự án đầu tiên là hầm Đèo Cả. Nay được tham gia cao tốc Bắc – Nam chúng tôi tiếp tục cải tiến áp dụng vật liệu mới, như màng chống thấm OPC, đổi mới thực hiện giải pháp thi công và công nghệ, giúp chúng tôi tiết kiệm công sức, nhân công và máy móc khi thi công các công trình dự án cao tốc”.

Là một nhà thầu khác khi tham gia nhiều dự án công trình giao thông, có cơ hội lớn trong việc tham gia thí điểm các dự án lần này, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, nêu thực tế: “Nếu đẩy tiến độ cũng được nhưng phải tăng con người, thiết bị. Vì vậy, khi có thưởng thì nhà thầu tính toán chấp nhận thi công tăng con đường, thiết bị lên thì phần thưởng đó cũng đủ bù đắp cho phần chi phí này và giúp chúng tôi cân đối giữa phần tiền thưởng và phần chi phí bỏ ra do tăng nhân công và máy móc, từ đó đẩy nhanh được tiến độ dự án”.

Theo quy định, việc thưởng hợp đồng được áp dụng cho từng gói thầu cụ thể. Số tiền thưởng không vượt nguồn tiền thưởng quy định. Việc thưởng hợp đồng chỉ áp dụng đối với nhà thầu tuân thủ pháp luật trong thực hiện gói thầu và có nguồn tiền thưởng thực tế. Không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và ký kết hợp đồng không theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng. Tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu).

Nghị định cũng quy định việc thu hồi tiền thưởng thực hiện trong trường hợp phát sinh các sai lệch do cách tính tiền thưởng hoặc vi phạm các nguyên tắc thưởng theo kết luận thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi kết luận thanh tra, kiểm tra có hiệu lực, chủ đầu tư ban hành quyết định thu hồi tiền thưởng tương ứng với số tiền sai lệch theo kết luận thanh tra, kiểm tra và yêu cầu nhà thầu nộp vào Kho bạc Nhà nước theo văn bản cam kết của nhà thầu tại hồ sơ xét thưởng hợp đồng./.


Lượt xem:

Trả lời