Tăng tốc để “bao phủ” vaccine COVID-19

Cập nhật 02/3/2021, 14:03:03

Việt Nam coi sản xuất vaccine là vấn đề mấu chốt. Phát triển vaccine phòng chống COVID-19 trong nước có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phòng dịch lâu dài.

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên nhập khẩu đang được đánh giá kỹ về chất lượng

Để có cuộc sống bình thường mới, Việt Nam xác định phải có vaccine ngừa COVID-19. Bằng các nỗ lực, ngày 24/2 vừa qua, lô vaccine 117.600 liều nhập khẩu đầu tiên đã về Việt Nam.

Hiện tại, lô vaccine đang được Việt Nam và Hàn Quốc đánh giá chất lượng kỹ càng trước khi tiêm chủng đại trà. Theo Bộ Y tế, nguyên tắc chung là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực vaccine nên các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, rất chắc chắn để những vaccine đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Tăng tốc để “bao phủ” vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nguyễn Nhung

Lộ trình cung ứng vaccine nhập khẩu 2021

Đây là lô vaccine đầu tiên tronng số 90 triệu liều mà Việt Nam sẽ cố gắng có trong từ đây đến cuối năm. Cụ thể lộ trình cung ứng vaccine nhập khẩu từ đây đến cuối năm như sau:

+ Quý 1: Việt Nam sẽ có 1,3 triệu liều vaccine nhập khẩu, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3.

+ Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều.

+ Quý 3 có 25,9 triệu liều.

+ Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số liều vaccine nhập khẩu trong năm 2021 là 90 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Tiến độ phát triển nghiên cứu vaccine “Made in Việt Nam”

Trong khi đó, vaccine COVID-19 trong nước đã có những bước tiến quan trọng. Hiện nay tại Việt Nam có 4 đơn vị đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm.

Đầu tiên là vaccine Nano Covax. Vào ngày 26/2 vừa qua, vaccine này đã bắt đầu giai đoạn 2 thử nghiệm, dự kiến giai đoạn 3 vào tháng 5. Và khoảng cuối năm 2021 đầu năm 2022, chúng ta mới có vaccine COVID-19 “made in Việt Nam”.

Tăng tốc để “bao phủ” vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu, phát triển cho người tình nguyện tại Học viện Quân y. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống.

Vaccine thứ hai là COVIVAC, chuẩn bị giai đoạn 1 thử nghiệm trên người. Vaccine thứ ba của VABIOTECH đang được nghiên cứu để có thể tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng.

Cuối cùng là vaccine của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) đang ở quy mô phòng thí nghiệm.

Như vậy, khả năng đến đầu năm 2022 chúng ta mới có vaccine COVID-19 được sản xuất trong nước.

Như vậy trong đầu tháng 3 này, Việt Nam sẽ có thêm vaccine phòng COVID-19 trong nước nghiên cứu và sản xuất bước đến giai đoạn tiêm thử nghiệm lâm sàng đầu tiên là vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế IVAC nghiên cứu và sản xuất. Được biết vào ngày mai (3/3), cuộc họp về chuẩn bị cho các bước tuyển tình nguyện viên, tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ được bàn thảo. Theo tính toán, mỗi liều vaccine COVIVAC khi ra thị trường sẽ không quá 60.000 đồng.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam coi sản xuất vaccine là vấn đề mấu chốt. Phát triển vaccine phòng chống COVID-19 trong nước có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phòng dịch lâu dài, đặc biệt là chủ động trước tình hình biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Sản xuất vaccine COVID-19 trong nước có vai trò quan trọng

Vaccine Nano Covax đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với những mũi tiêm đầu tiên. Đáng chú ý kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho biết vaccine Nano Covax an toàn. Tính đáp ứng sinh miễn dịch cũng cho kết quả khả quan, đặc biệt với một số biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Việc vaccine đáp ứng miễn dịch với chủng mới là một trong những yếu tố theo các chuyên gia cho thấy việc phát triển vaccine trong nước có vai trò quan trọng.

Ngoài ra cũng theo các chuyên gia, dịch bệnh kéo dài, sản xuất vaccine trong nước còn giúp Việt Nam chủ động nguồn cung vaccine đảm bảo phòng dịch lâu dài.

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế – cho biết: “Hiện nay, hiệu lực của tất cả vaccine, kể cả vaccine trong nước cũng chỉ kéo dài 3 đến 6 tháng, tức là 3 đến 6 tháng phải tiêm nhắc lại. Do đó, nếu có thời gian thì việc chủ động vaccine trong nước có vai trò hết sức quan trọng”.

Hiện, các nhà khoa học đang chuẩn bị kỹ càng cho các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với tinh thần đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo quy trình khoa học, an toàn cho người tham gia nghiên cứu.

Theo VTV


Lượt xem: 21

Trả lời