Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề sau đại dịch

Cập nhật 05/4/2022, 13:04:44

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, nguồn nhân lực có tay nghề, đã qua đào tạo, được kỳ vọng sẽ sớm bắt nhịp vào hoạt động sản xuất.

Khoảng 700.000 là số lượng lao động có tay nghề các doanh nghiệp cần tuyển dụng mới trong năm 2022. Đây là dự báo của các chuyên gia khi năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tăng trưởng sau đại dịch. Sự điều chỉnh trong nhu cầu tuyển dụng lao động được nhận định là xu thế chung sau đại dịch và về lâu dài.

“Có tay nghề,làm việc được ngay không?” là câu cửa miệng của anh Đỗ Văn Biên (Công ty Đồ gỗ Thiên Phú) khi tiếp nhận những cuộc gọi từ người tìm việc. Dù sản xuất đồ gỗ nhưng theo anh, gần 50% công đoạn được hỗ trợ bởi máy móc nên người lao động phải có kinh nghiệm mới bắt nhịp nhanh.

“Tuyển dụng mới phải đảm bảo kế hoạch tăng 30% sản lượng so với năm ngoái. Ít nhất thợ phải làm thành thạo máy móc, thứ hai là biết về thẩm mỹ. Thợ mới phải tối thiểu năng động, nhanh nhẹn và có 2 năm kinh nghiệm trở lên thì mình hướng dẫn sẽ rất nhanh”, anh Biên cho biết.

Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề sau đại dịch - Ảnh 1.

Học việc nhanh chưa đủ, ứng viên còn phải có khả năng tiếp cận công nghệ mới. Với ngành công nghiệp tự động hóa, yêu cầu này lại càng rõ. Một dây chuyền sản xuất với hơn 30 đầu máy, tại Bộ phận Tự động hóa, Nhà máy Samsung Bắc Ninh, chỉ cần 1 đến 2 người vận hành. Nhân sự ít nên vị trí tuyển mới cũng yêu cầu cao hơn.

Anh Nguyễn Song Toàn, Bộ phận Tự động hoá, Nhà máy Samsung Bắc Ninh cho biết: “Ngoài việc được đào tạo các lớp về chính sách xã hội của công ty, tôi còn được đào tạo về các lớp kỹ thuật công nghệ cao. Không chỉ giúp ích cho công việc tôi, còn giúp ích cho tôi hiểu về công nghệ trong tương lai, bắt kịp xu hướng”.

Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề sau đại dịch - Ảnh 2.

Ghi nhận tại Hải Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo từ đầu năm tăng tới hơn 30%. Phần lớn các doanh nghiệp cần nhân sự làm việc ngay, sớm khôi phục hoạt động sản xuất. Giải pháp cung ứng lao động kỹ năng là sinh viên năm cuối của các trường nghề được ngành lao động tỉnh này đẩy mạnh.

Ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hải Dương cho biết: “Liên kết với 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thậm chí, nhà trường không có đủ lực lượng học sinh sinh viên ra trường để cung cấp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần học sinh sinh viên ra trường có kỹ năng nghề, lương tối thiểu từ 8 – 10 triệu đồng”.

“Hiện tại và trong tương lai vẫn đang thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao, trình độ chuyên gia. Các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có hình thức đào tạo phù hợp để đáp ứng”, ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết thêm.

Năm nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh mới khoảng 2,2 triệu người, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề. Để thích ứng với nhu cầu sử dụng lao động về dài hạn, các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ… cũng được chú trọng hơn.

Theo VTV


Lượt xem: 10

Trả lời