Sẽ xử nhiều “đại án” từ tháng 11

Cập nhật 30/10/2013, 08:10:39

Trao đổi với báo chí sau khi trình bày báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết:

 

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí – Ảnh: V.Dũng

– Trong 10 vụ án tham nhũng lớn thì có bốn vụ đã hoàn tất cáo trạng và tống đạt cáo trạng, sáu vụ ủy quyền công tố cho hai TP, các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà Nội và TP.HCM. Hà Nội sẽ xét xử vụ Dương Chí Dũng Vinalines, Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn và vụ Ngân hàng ACB. Trong ba vụ ở Hà Nội thì vụ Ngân hàng ACB và Dương Tự Trọng đã bàn giao cho tòa án.

Tại TP.HCM sẽ xử ba vụ. Vụ Vifon cố ý làm trái, tham ô và vụ Công ty Cho thuê tài chính II theo thống nhất với tòa sẽ được mở vào đầu tháng 11. Còn vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã hoàn tất cáo trạng và tống đạt, thời gian cụ thể tòa án sẽ quyết định, nhưng chắc chắn tòa sẽ mở trong quý 4-2013.

* Thưa ông, các vụ án có thời gian truy tố, xét xử chậm như vậy thì khó khăn nhất là gì?

– Khó khăn chung là yêu cầu chứng minh của các vụ án tham nhũng, các đối tượng có chức vụ trong các vụ án lớn này thì yêu cầu chứng minh rất nhiều. Nhiều vụ có yếu tố nước ngoài nên phải có yêu cầu tương trợ tư pháp nước ngoài nhưng sự hưởng ứng của các cơ quan tố tụng nước ngoài có nước thì tốt nhưng cũng có nước hạn chế, nhiều yêu cầu đòi hỏi nhưng khả năng đáp ứng của họ có mức độ. Trong khi đó đòi hỏi của dư luận rất cao với những vụ án này, vừa chính xác, triệt để nhưng phải nhanh và khẩn trương… Tinh thần của các cơ quan tiến hành tố tụng là sẽ cố gắng hết mình, phối hợp với nhau rất chặt chẽ.

* Thưa ông, một vấn đề đặt ra là càng chậm trễ xử lý, càng khó thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng?

– Đối với các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung, không phải tới bây giờ mà từ lâu rồi, không chỉ có VN mà ở nhiều nước thì khả năng thu hồi tài sản rất khó, không bao giờ thu được 100%. Đây là một thực tế, những vụ án này khi cơ quan tiến hành tố tụng xử lý thì phạm tội đã xảy ra trước đó nhiều năm. Tinh thần chỉ đạo chung là thu hồi được càng nhiều càng tốt.

Trong tương lai cần có sự sửa đổi, bổ sung về Luật tố tụng hình sự để làm tăng khả năng truy thu tài sản. Hiện nay quy định đang có hạn chế là chỉ những tài sản được hình thành từ con đường bất hợp pháp, phạm tội mới bị thu, tôi nghĩ phải nghiên cứu điều này.

6 vụ án tham nhũng lớn sẽ được xét xử từ tháng 11-2013

* Vụ án “tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển (Vinalines). Cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 10 bị can, trong đó có Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN), Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines). Cơ quan điều tra xác định các bị can đã cố ý làm trái các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng trong việc triển khai dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, mua ụ nổi quá hạn sử dụng từ nước ngoài về với giá cao, gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng. Các bị can còn tham ô số tiền 1,66 triệu USD.

* Vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND tối cao truy tố bảy bị can về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Trong số này có Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an – em ruột Dương Chí Dũng). Bị can Dương Tự Trọng bị đánh giá là người đóng vai trò chủ mưu, tổ chức cho anh trai trốn sang Campuchia.

* Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Viện KSND tối cao đang hoàn thiện cáo trạng, truy tố các bị can Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”, nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB), các ông Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (đều là nguyên phó chủ tịch ACB), ông Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB), ông Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

Cơ quan điều tra kết luận hành vi của các bị can này gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, tổng thiệt hại của ACB trong vụ án này lên đến hơn 2.500 tỉ đồng. Riêng “bầu Kiên” kinh doanh vàng trái phép đã lỗ hơn 433 tỉ đồng, lừa đảo và trốn thuế hàng trăm tỉ đồng.

* Vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Agribank, Viện KSND tối cao đã có cáo trạng truy tố 11 bị can về các tội danh trên. Viện KSND tối cao xác định bị can Vũ Quốc Hảo cầm đầu vụ án, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và tham ô tài sản dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước gần 532 tỉ đồng. Trong đó, riêng bị can Hảo tham ô 79,9 tỉ đồng.

* Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, Viện KSND tối cao đã có cáo trạng truy tố 23 bị can với sáu tội danh khác nhau.

Từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như thuê làm tám con dấu giả đứng tên các đơn vị như Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và các công ty… để làm giả tài liệu của hai ngân hàng cùng nhiều đơn vị cá nhân để chiếm đoạt tổng cộng trên 4.911 tỉ đồng. Như bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.986 tỉ đồng.

* Vụ án “tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon). Viện KSND tối cao đã có cáo trạng truy tố năm bị can, trong đó có: ông Nguyễn Bi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Vifon; Nguyễn Thanh Huyền, nguyên phó tổng giám đốc từ năm 2002-2006, các bị can đã có hành vi tham nhũng trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn… gây thiệt hại cho Nhà nước và cổ đông của Công ty Vifon hơn 20 tỉ đồng, trong đó thiệt hại của Nhà nước gần 16,4 tỉ đồng, thiệt hại cho các cổ đông hơn 3,5 tỉ đồng.

Theo Tuổi Trẻ Online


Lượt xem: 38

Trả lời