Sau chuyện của bé Hải An, nhiều người đăng ký hiến mô, tạng

Cập nhật 02/3/2018, 08:03:06

Sau việc bé Hải An 7 tuổi (Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời, đến nay số số người đăng kí hiến tạng tăng lên gấp nhiều lần.

Ngày 27/2, chị Trần Thị Thu Hiền và chồng là anh Võ Thanh Hải (ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đến Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Chị Hiền chia sẻ: Vợ chồng chị đã có ý định đăng ký hiến tạng từ vài năm trước, nhưng vì một vài lý do và đôi lúc còn cảm thấy chưa đủ can đảm. Qua câu chuyện của bé Hải An, anh chị đã vô cùng xúc động và điều đó đã tạo động lực để vợ chồng chị đến Trung tâm đăng ký hiến tạng.

“Câu chuyện của bé Hải An chính là hình ảnh đẹp giữa đời thường, đã tác động, lan tỏa vào trái tim của mọi người. Khi xem các hình ảnh, câu chuyện về bé, các con của tôi cũng đã hỏi mẹ là sau này nếu con qua đời, con có thể làm như em ấy được không? Theo tôi, đây là việc làm cần được nhân rộng”- chị Trần Thị Thu Hiền nói.

sau chuyen cua be hai an nhieu nguoi dang ky hien mo tang hinh 1
Câu chuyện của bé Hải An đã làm lay động trái tim của nhiều người.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, sau câu chuyện xúc động về bé gái 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời, rất nhiều người đã đến Trung tâm đăng ký hiến tạng.

Từ 26– 27/2, đã có 20 người trực tiếp đến Trung tâm đăng kí hiến tạng. Tính đến chiều ngày 28/2, số người gửi email, gọi điện qua đường dây nóng, trực tiếp đăng ký hiến tạng qua Trung tâm là 159 trường hợp, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) là 70 trường hợp, tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước đó.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép cơ thể người cho biết, câu chuyện của bé Hải An thắp lên quyết định mãnh liệt trong mỗi con người. Mỗi người đến đăng ký hiến tạng là một câu chuyện đặc biệt, xúc động.

Bên cạnh ý nghĩ cứu người, làm việc thiện thì tôi đều cảm nhận được một mong muốn cháy bỏng của họ là để người thân của mình vẫn còn được hiện diện trên đời, bằng máu thịt; để họ được tiếp tục sống dù là trong cơ thể của một người xa lạ, để họ có thể cứu sống người khác. Họ muốn dành tặng món quà vô giá ấy cho đồng loại nếu họ qua đời.

Hiện ở Việt Nam có hàng chục nghìn người suy mô, tạng mãn cần được ghép tạng như thận, gan, tim và hơn 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc cần được ghép. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có gần 3.000 người được cứu sống nhờ ghép mô, tạng. Số người được ghép tạng từ nguồn cho chết não thì còn rất hạn chế.

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, từ 18 tuổi trở lên, bất cứ ai có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, bất kỳ người dân nào khi muốn đăng ký hiến tạng đều có thể đến các cơ sở y tế, Trung tâm để đăng ký. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng biết được điều đó. Ông Phúc cho rằng, nên mở rộng hình thức đăng ký hiến tạng. “Chúng ta có thể mở rộng kênh đăng ký hiến tạng trong hồ sơ thi bằng lái xe. Đây là hình thức rất đẹp, nhân văn. Vì thực tế số người đủ 18 tuổi đăng ký thi bằng lái xe rất nhiều. Các nước trên thế giới họ cũng đã làm.”- ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho rằng, cần có chế độ, quyền lợi cho những người đăng ký hiến tạng và gia đình họ một cách tương xứng để tôn vinh, tri ân hành động, nghĩa cử cao đẹp ấy của họ./.

Theo VOV


Lượt xem: 31

Trả lời