Phát triển ngành dược hiện đại kết hợp tiềm năng của y học cổ truyền

Cập nhật 30/3/2023, 07:03:55

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền chưa được phát huy.

Chiều 29/3, làm việc với các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp… về dự thảo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 (dự thảo Chiến lược), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngành dược là một trong những trụ cột của an sinh xã hội, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo đó, dự thảo Chiến lược không chỉ đề ra mục tiêu thực hiện của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị nhằm nâng tầm chất lượng y tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “cần đặt mình vào vị trí của người dân để nêu ra vấn đề cụ thể”, từ đó xem xét lại mục tiêu đưa ra cho ngành dược. Cụ thể, trong quá trình phát triển hiện nay, cần xác định rõ tỷ lệ “tự túc” nguồn dược liệu trong sản xuất, chế tạo; việc nghiên cứu, sản xuất và chất lượng sản phẩm dược so với thế giới; cân bằng giữa phát triển ngành dược hiện đại với ngành y học dân tộc, y học cổ truyền, dược liệu y học thân thiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có; việc tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu dùng mặt hàng dược trong kỷ nguyên kết nối; thu hút các nhà đầu tư, chủ nguồn dược liệu và chuyển giao công nghệ…

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến, nhằm định hướng, ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển ngành dược phù hợp với tình hình thực tiễn: “Các mục tiêu đề ra trong chiến lược phải có tính khả thi, cạnh tranh, hiệu quả, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, “không duy ý chí, tìm được cách tiếp cận được trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; từ đó, tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng thuốc của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, nâng cao thứ hạng của ngành dược Việt Nam. Bộ Y tế tích hợp các bộ chỉ số, chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng, chuẩn hóa quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, cung ứng thuốc…”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỷ USD. Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng duy trì ở mức dưới 2%. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng…

Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc). Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền chưa được phát huy. Bên cạnh đó, ngành dược rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới.

Vì vậy, dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm… Một số mục tiêu cụ thể trong Chiến lược bao gồm: Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; đáp ứng 100% nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ; chuyển giao công nghệ, sản xuất ít nhất 100 loại thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Góp ý vào nội dung dự thảo Chiến lược, PGS.TS Trịnh Văn Lẩu, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng dược điển Việt Nam kiến nghị phải có sự đột phá về thể chế tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các dạng bào chế thuốc hiện đại, các loại

Đồng tình với ý kiến này, GT.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng để nâng thứ hạng của ngành dược Việt Nam cần phải “đi tắt, đón đầu” trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc sinh học, thuốc phát minh… nhằm tận dụng tiềm năng về trình độ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước./.


Lượt xem:

Trả lời