Những con mắt của biển

Cập nhật 20/2/2018, 20:02:46

Cảm xúc khi được chèo thuyền trên vịnh Phan Thiết, dưới ngọn đèn biển tuyệt đẹp, sừng sững đứng giữa trời đất thật đặc biệt.

Lần đầu tiên trong hành trình chèo thuyền trên vịnh Phan Thiết, tôi thấy mình giống một ngư phủ, nhận ánh sáng từ ngọn đèn biển huyền thoại, tỏ đường cho những nhát chèo trong hành trình nhỏ bên bờ biển Đông…

Khi mặt trời khuất sau những rặng phi lao trùng điệp, bóng tối loang dần trên mặt đại dương mênh mông, cũng là lúc những ngọn đèn biển vốn im lìm cả ngày dưới nắng cháy và ầm ào sóng biển, chợt giật mình tỉnh giấc…

Hải đăng Hòn Nước – hiên ngang mùa gió chướng

Trong hành trình men biển miền Trung của mình, tôi ghé thăm đèn biển Hòn Nước (Bình Định) vào một buổi sáng đầu đông, khi cơn bão Damrey vừa quét qua các tỉnh Nam Trung bộ. Con đường đất gập ghềnh dẫn lối vào trạm hải đăng ngổn ngang những thân cây đổ rạp, cành lá gẫy gập nằm chắn lối đi. Cảnh tượng tan hoang tới nỗi, nhiều lần chúng tôi đã phải xuống xe để dọn dẹp cây đổ và định hình lại đường vào trạm.

nhung con mat cua bien hinh 1
Hải đăng Hòn Nước (Bình Định).

Nằm khuất nẻo cách xa tỉnh lộ 639 về phía biển, Hải đăng Hòn Nước, tên cũ là hải đăng Vũng Mới, là ngọn đèn chỉ vị trí đỉnh Gà Gô trên vùng biển huyện Phù Mỹ, đồng thời giúp tàu thuyền hoạt động trên biển tránh đá ngầm và xác định hướng đi.

Hải đăng Vũng Mới được xây dựng từ thời Pháp thuộc, do chiến tranh và thiên nhiên hủy hoại, đã thành một phế tích. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, nó mới được xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1997, được đặt tên là hải đăng Hòn Nước (theo tên của một hòn đảo nhỏ trong vịnh Vũng Mới).

Đón chúng tôi tại trạm hải đăng Hòn Nước là một người đàn ông với nước da sạm nắng, giống như những ngư dân vùng duyên hải mà tôi gặp trên đường. Anh đang cặm cụi nhặt từng cành cây gãy trong sân trạm, quét tước, dựng lại dàn mướp đổ sập sau bão. Anh là Bùi Tuấn Việt, quê Hải Dương, về công tác tại đây khi trạm được xây dựng lại từ năm 1997. Cho tới giờ, anh đã có tròn 20 năm gắn bó với hải đăng Hòn Nước, với nghề canh đèn biển cô đơn và xa nhà.

Anh chia sẻ với tôi, nghề canh đèn biển của anh nó là cái nghiệp gia truyền. Từ cha cho tới các anh trai trong nhà đều theo nghề này. Tuy gia đình ở tận Hải Dương, nhưng trai tráng trong nhà đều đi làm xa cả, anh em trong gia đình chia nhau canh giữ những ngọn đèn biển dọc theo chiều dài đất nước. Anh bảo, nghề này nó vừa cô đơn lại vừa vất vả, khi vạn vật đi ngủ thì mình lại thức, thức trông cho ngọn đèn luôn tỏ, cho tàu bè ngoài khơi xa biết hiểm nguy mà tránh, biết lối mà về nhà.

Dẫn tôi đi một vòng thăm trạm, chỉ vào hệ thống máy móc nhằng nhịt dây điện dưới phòng điều hành, anh khoe: trạm của anh được đầu tư hệ thống ra đa thám biển rất hiện đại, phục vụ cho kiểm ngư và cảnh sát biển. Từng con tàu từ nhỏ tới lớn đều hiển thị trên màn hình giả lập 3D, thật như đang thấy trước mặt vậy. Mỗi trạm thế này có bán kính quét tới vài trăm hải lý, bao phủ toàn bộ vùng lãnh hải. Được biết, nhờ hệ thống ra-đa hiện đại này, an ninh và an toàn trên biển được nâng lên đáng kể, đỡ nhiều sức lực và tiền bạc của nhà nước cho công tác bảo vệ chủ quyền.

Đứng trên tháp đèn nhìn ra xa, từng con sóng nối đuôi nhau xô vào bờ đá, tung bọt trắng mịt mù. Biển Đông mùa gió chướng, mặt biển không xanh trong mà đục ngầu giận dữ, những con tàu cá ra khơi cũng thưa thớt hơn mùa biển lặng. Nhưng anh Việt bảo, tuy thưa tàu nhưng công việc canh đèn và bám biển lại vất vả hơn mùa khác, bởi sâu dưới mặt nước kia, những con sóng cồn có thể bất ngờ xô tàu bè vào bãi đá ngầm lởm chởm… Nghề canh đèn tuy nhàn hạ nhưng vất vả vì lẽ đó.

Hải đăng Gành Đèn – Sự lãng mạn của tạo hóa

Xuôi theo con đường men biển về phía nam, tôi đặt chân đến hải đăng Gành Đèn, ngọn đèn biển nằm yên tĩnh bên vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Cách đó chỉ chừng 700m là danh thắng Gành Đá Đĩa lúc nào cũng tấp nập du khách tới tham quan. Sự đối lập đến mức ngạc nhiên đó làm tôi tò mò muốn tìm hiểu thật kỹ ngọn đèn biển được đánh giá là thơ mộng nhất vùng biển miền Trung.

Con đường đá lởm chởm đi ra trạm đèn nằm trên đầu mũi đá nhô ra biển của vịnh, xuyên qua một bãi đá đen dựng đứng, xếp lớp nhấp nhô như giá sách học sinh. Tôi chợt giật mình vì tiếng sóng vỗ bờ đá, nổ to như pháo đùng, phụt qua các khe đá rồi phóng lên không cao cả chục mét – một cảnh tượng kỳ vĩ nhưng ồn ào. Vài đôi bạn trẻ trải áo mưa ngồi trên thảm cỏ gần đó thưởng thức bản giao hưởng của những con sóng biển.

nhung con mat cua bien hinh 2
Hải đăng Gành Đèn (Phú Yên).

Khác với hải đăng Hòn Nước, hải đăng Gành Đèn đặt nhà điều hành nằm khá xa tháp đèn, nối với nhau bằng một con đường đá và bê tông lắt léo dài cả trăm mét. Anh Trung trạm trưởng vừa đưa chúng tôi ra tháp đèn vừa giới thiệu, do địa hình hiểm trở của khu vực mũi đá trên vịnh Xuân Đài nên tháp hải đăng phải xây mới ra ngoài bãi đá từ năm 2002 để đảm bảo tín hiệu tốt nhất cho tàu bè đi ngang qua đây.

Chỉ vào đống bê tông ngổn ngang bên đường anh bảo, từ khi xây tháp đèn tới giờ, trạm đã trên dưới chục lần phải xây sửa lại đường bê tông ra tháp. Những cơn bão cấp 11 – 12 khi tràn qua bãi đá mũi đã “thổi” bay những khối bê tông nặng hàng tấn lên tận bờ đất. Biển đẹp là thế nhưng khi giận dữ thì cũng khủng khiếp không ngờ.

Không có cơ hội ngắm Gành Đèn trong cơn thịnh nộ của trời đất, tôi chỉ thấy trước mắt một khung cảnh đầy thơ mộng, đẹp mê hồn. Tháp đèn sơn màu trắng – đỏ đứng sừng sững trong nắng đổ chiều tà, bãi đá nhuộm một màu vàng óng ả, lấp lánh như giỏ trứng vàng trong truyện cổ tích…

Đại Lãnh – Điểm cực đông Tổ quốc

Con đường Quốc lộ 29 chạy ngoằn nghèo bên những vách đá dựng đứng cách mặt biển hàng chục mét của eo Bãi Môn dẫn tôi tới Mũi Điện (Phú Yên), nơi đặt ngọn hải đăng Đại Lãnh nổi tiếng. Theo bản đồ địa lý thì hải đăng Đại Lãnh chính là phần cực đông trên đất liền, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của dải đất hình chữ S.

Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, và do một người Pháp tên Varella phát hiện ra, vì thế, trước đây, người ta gọi nơi này là Cap Varella (mũi Varella). Điểm đặc biệt của địa danh này là nó vừa như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo bởi có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền.

nhung con mat cua bien hinh 3
Hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên).

Hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây năm 1890, tháp đèn là một khối hình trụ thon đều, màu xám, cao 110m so với mặt nước biển, có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng Đại Lãnh – Vũng Rô là căn cứ cách mạng, là nơi tiếp nhận những chiếc tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam nên hải đăng bị cho dừng hoạt động. Đến tận năm 1997, đèn biển Đại Lãnh mới được khôi phục.

Chèo thuyền dưới hải đăng Kê Gà

Hải đăng Kê Gà (Bình Thuận) là điểm dừng chân cuối cùng của tôi trong hành trình khám phá dải đất miền Trung. Đây là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á do người Pháp xây dựng từ năm 1897. Mọi vật liệu để xây hải đăng đều do người Pháp vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ các thế kỷ trước, đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Tầm quan trọng và vẻ đẹp tuyệt vời của ngọn hải đăng này đã khiến nó trở thành một trong những ngọn đèn biển nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Á.

Hải đăng Kê Gà nằm trên một đảo đá hoa cương nhỏ có tên là Hòn Bà, cách bờ chỉ hơn trăm mét. Để có thể tham quan hải đăng, tôi đã tự chèo thuyền ra đảo. Đảo Hòn Bà thực chất là một bán đảo, nối với bến Đá Vàng, thành đảo khi triều lên vào ban ngày. Trên đảo có hàng ngàn hòn đá hoa cương màu vàng và hàng trăm cây sứ đại thụ tuyệt đẹp. Ngọn tháp hải đăng xây hình bát giác, trên đỉnh cao nhất của đảo. Tháp đèn xây bằng đá, cao 65m tính từ mặt biển (tương đương tòa nhà 12 tầng). Đèn biển Kê Gà có bán kính quét 22 hải lý.

Kê Gà, điểm kết thúc dẻo đất miền Trung với dấu ấn văn hóa Chăm Pa huyền thoại, nơi dừng chân của những bờ cát trắng, của những cái nắng và cái gió khắc nghiệt bốn mùa. Nơi những con người luôn hướng mắt mình ra biển Đông, ngày ngày bám biển và canh giữ chủ quyền Tổ quốc. Nơi đầu sóng ngọn gió ấy, những ngọn đèn biển vẫn ngày qua ngày thắp lên ánh sáng dẫn lối cho những con tàu cá ra khơi, đón những chuyến tàu về với lặc lè sản vật biển cả, những người canh đèn như anh Kiệt, anh Trung vẫn âm thầm và nhẫn nại, giữ cho đèn luôn tỏ mỗi đêm… Chính vì lẽ đó, tôi đã gọi những ngọn đèn biển mà tôi gặp trong hành trình của mình là “những con mắt của biển”./.

Theo VOV


Lượt xem: 50

Trả lời