Những câu chuyện xúc động về hành trình ghép tạng xuyên Việt

Cập nhật 06/12/2018, 08:12:06

Vượt qua hàng nghìn km trong sự lo âu, căng thẳng và đầy kịch tính, qua bàn tay, khối óc và trái tim của người thầy thuốc, những “trái tim”, “lá gan” từ những người hiến tạng đã tái sinh cho nhiều bệnh nhân suy tạng.

gày 14/6/2018, một điều kỳ diệu đã đến với Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) khi em may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên bị tai nạn giao thông không may chết não. Trái tim đã vượt qua hành trình hơn 700km để đem sự sống cho thiếu niên tưởng chừng cuộc sống sẽ khép lại.

Phạm Văn Cơ bị suy tim ở giai đoạn cuối. Gia đình đã đưa em đi điều trị khắp nơi, vào cả Sài Gòn để chạy chữa nhưng các bác sĩ cho biết, thời gian sống của em chỉ tính từng ngày.

Bà Huỳnh Thị Ánh (mẹ của Cơ) chia sẻ, chồng của bà đã mất vì bị ung thư khi em mới được 7 tháng tuổi, con trai lớn cũng đã qua đời khi mới 15 tuổi vì bị giãn cơ tim. Quá tuyệt vọng nhưng “còn nước còn tát”, bà Ánh đã đưa Cơ ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. “Ở Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ nói không thể đặt máy được nữa, chỉ còn cách duy nhất là thay tim. Tôi mừng khôn xiết vì con vẫn còn hy vọng nhưng lúc đó sợ vì không biết lấy tim ở đâu và lấy đâu ra tiền”- bà Ánh kể.

May mắn thay, trong một thời gian ngắn, ngày 13/6/2018, bà Ánh nhận được cuộc gọi của bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế thông báo đã tìm được người hiến tim phù hợp. “Sau khi nhận được cuộc gọi của bệnh viện, tôi mừng quá, con mình vẫn còn hy vọng sống. Vậy là 2 mẹ con ra Huế với tâm thế một là con sống, hai là cả 2 mẹ con cùng chết”- bà Ánh nói.

 

Ca ghép tạng xuyên Việt nhiều thách thức

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ca ghép tim cho Cơ là một ca ghép đặc biệt. Mặc dù quãng đường từ Hà Nội vào Huế ngắn nhưng việc vận chuyển tạng lại vô cùng khó khăn vì các chuyến bay từ Hà Nội vào Huế còn quá ít. Thời điểm đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia quyết định lấy máu của người hiến tạng chết não chuyển trước vào Bệnh viện Trung ương Huế làm xét nghiệm các chỉ số cần thiết để đọ chéo. Cùng thời điểm đó, ê kíp sau khi lấy tạng từ người chết não quyết định bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Điều kỳ diệu là khi xe cấp cứu vừa đến bệnh viện cũng là lúc máy xét nghiệm cho kết quả của người hiến và được ghép phù hợp. “Cảm giác dồn nén, sức ép căng thẳng trong mấy tiếng đồng hồ trước đó đã được giải tỏa, vô cùng may mắn, hạnh phúc. Ngay lập tức, thùng tạng được chuyển thẳng vào phòng mổ để tiến hành ghép. Gần sáng, trái tim đập trở lại trong nhịp đập của Cơ”- ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, đối với cán bộ y tế, mỗi lần có 1 sự sống được hồi sinh, đó chính là món quà tự thưởng cho sự nỗ lực của mình. Đây thực sự là những câu chuyện kỳ diệu đầy phép màu trong cuộc sống.

“Chúng tôi hiểu rằng, cần phải nỗ lực một cách tuyệt đối, nỗ lực rất rất nhiều để không phụ lòng của những gia đình, những người sẵn sàng hiến tạng. Khi ca ghép tạng đang diễn ra, chúng tôi thầm có tâm niệm cầu mong những người ghép tạng được sống, ca ghép thành công. Thậm chí, chúng tôi còn nói với nhau rằng, anh phải sống để xứng đáng với sự mong mỏi, hy vọng, sự nỗ lực, hy sinh của cả hệ thống cán bộ y tế và đặc biệt là của người hiến tạng chết não”- ông Phúc cho biết.

Ca ghép tim cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ là 1 trong 6 ca điều phối tạng xuyên Việt trong thời gian qua. Trước đó, ngày 20/7/2015, ca ghép xuyên Việt từ TP HCM vào Thừa Thiên Huế mang theo 1 quả tim và 1 lá phổi. Ngày 4/9/2015, trái tim và lá gan được lấy ra khỏi cơ thể của người hiến và vận chuyển từ TP HCM ra Hà Nội. Ngày 25/4/2016, ca ghép xuyên Việt từ TP HCM ra Hà Nội mang theo một trái tim và một lá gan. Ngày 26/2/2018 ca ghép từ Hà Nội- TP HCM mang theo 1 trái tim và 1 quả thận. Ngày 16/5/2018, một trái tim được vận chuyển từ Hà Nội vào Thừa Thiên Huế.

Có thể nói, chưa một quốc gia nào trên thế giới lại vận chuyển nguồn tạng bằng hàng không dân dụng. “Các nước trên thế giới có máy bay chuyên dụng để vận chuyển tạng trong khoảng cách tầm 500km và dưới mặt đất có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường để kịp thời gian vàng ghép tạng. Trên 500km, họ sẽ có chuyến bay riêng. Ở nước ta, dù còn nhiều khó khăn nhưng kỳ tích đã được tạo nên”- ông Phúc chia sẻ.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, để chuẩn bị cho một ca ghép tạng, đội ngũ điều dưỡng phải chuẩn bị sẵn sàng từ vật tư y tế, dụng cụ phục vụ cho một ca phẫu thuật. Hai bàn mổ được thực hiện song song. Một bàn mổ phục vụ cho việc lấy tạng từ cơ thể người cho sống hoặc người cho chết não, huy động hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Sau khi lấy tạng ra khỏi cơ thể người hiến, tạng sẽ được phân tích kỹ trước khi ghép vào cơ thể người bệnh.

“Trong những trường hợp ghép phức tạp như ghép gan, ghép tim, chúng tôi phải huy động khoảng hơn 40 người. Đặc biệt, trong trường hợp tiến hành lấy đa tạng và ghép đa tạng từ người cho chết não, mỗi 1 ca chúng tôi phải huy động hơn 100 người. Trong quá trình phẫu thuật, các ê kíp phải hỗ trợ nhau rất nhiều. Ca ghép vô cùng căng thẳng và cân não bởi chúng tôi cần phải thực hiện các ca ghép tạng để kịp thời gian vàng”- GS Trịnh Hồng Sơn cho biết.

Cho đi là còn mãi

Sáng 29/11/2018, tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ông Trần Tuấn (ở Thừa Thiên Huế) đã gặp được chị Nguyễn Thị Thu Hằng – vợ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm (người chết não hiến trái tim cho mình).

Đầu tháng 5/2018, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (SN 1989, trú tại xóm 9, thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), từng là quân nhân tại Lữ đoàn 384, Binh đoàn 12, không may bị tai nạn giao thông, phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Khi biết Khiêm bị chết não, gia đình đã quyết định hiến tim, thận và giác mạc… của anh cho những người cần.

Ông Trần Tuấn bị suy tim đã 2 năm và phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Suy tim ở giai đoạn cuối, tưởng chừng không qua khỏi nhưng khi nhận được thông tin từ Bệnh viện có người chết não hiến tim cho mình, cuộc sống của ông như được hồi sinh. Ngày 16/5/2018, ca điều phối tạng từ Hà Nội vào Thừa Thiên Huế để thực hiện ghép tim cho bệnh nhân Trần Tuấn đã thực hiện thành công.

Ông Tuấn chia sẻ, sau khi ghép tim thành công, sức khỏe dần hồi phục, ông đã đăng tin tìm địa chỉ của gia đình đã hiến tặng trái tim để ông có cơ hội được sống thêm lần nữa nhưng không thành công, bởi trước ca phẫu thuật, người hiến và người được ghép tạng hoàn toàn không biết nhau.

“Khi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hằng (vợ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm) tại lễ kỷ niệm, tôi thấy tim nhói đau, chỉ biết ôm vợ anh Khiêm và khóc, không cầm được nước mắt. Cả hai bên đều quá xúc động nên chúng tôi cũng chưa có thời gian nhiều để nói chuyện. Thời gian tới sức khỏe dần ổn định, gia đình tôi sẽ về thăm gia đình của anh Nguyễn Ngọc Khiêm để thắp cho anh Khiêm nén nhang, tri ân anh và gia đình vì nghĩa cử cao của họ”- ông Tuấn xúc động nói.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, giờ đây, ông không còn sống cho bản thân mình nữa mà sống cho hai người, sống thay cả phần anh Khiêm.

Chị Hằng tâm sự, nhìn thấy chú Tuấn khỏe mạnh, chị cảm thấy rất vui. “Khi nhìn thấy chú Tuấn là em cứ khóc, vì em biết rằng trái tim của chồng mình đang ở trong cơ thể của chú ấy. Trái tim ấy vẫn đang được chú nuôi dưỡng”- Hằng xúc động nói.

Đến nay, cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu nguồn tạng hiến.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sâu rộng trong toàn quốc để mỗi người dân đều hiểu biết về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não. Bên cạnh đó, cũng cần phải trình Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về Hiến ghép mô, tạng để mở rộng hình thức đăng kí khả thi hơn như: đăng kí qua việc cấp bằng lái xe, đăng kí cấp thẻ bảo hiểm y tế, mở rộng biên độ về độ tuổi hiến tặng mô, tạng cho những người không may chết não…/.

Theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời