Người lao động trong các DN sẽ có quyền thành lập tổ chức của mình

Cập nhật 10/5/2019, 07:05:24

Đây là điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 được Bộ LĐTBXH vừa ban hành, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới có điểm mới, đó là lần đầu tiên trong thực tiễn pháp luật của Việt Nam sẽ có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể được thiết kế trên cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động là tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang triển khai để trình Quốc hội xem xét vào năm tới có một quy định hoàn toàn mới trong thực tiễn pháp luật của Việt Nam. Đó là người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có quyền thành lập tổ chức của mình, nằm ngoài hệ thống công đoàn, thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

nguoi lao dong trong cac dn se co quyen thanh lap to chuc cua minh hinh 1
Ông Doãn Mậu Diệp-Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có quyền thành lập tổ chức của người lao động, nằm ngoài hệ thống công đoàn, thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đây là quy định hoàn toàn mới trong thực tiễn pháp luật của Việt Nam.

“Dự thảo luật sẽ quy định một số điều để xác định là tổ chức đó chỉ được hoạt động hợp pháp khi đăng ký với cơ quan Nhà nước hoặc là tổ chức họ gia nhập vào hệ thống Tổng liên đoàn lao động. Có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động trong một doanh nghiệp thì Dự thảo Luật sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định để trong trường hợp có nhiều tổ chức, tổ chức nào sẽ có quyền đại diện để thương lượng, đối thoại, giải quyết các tranh chấp và đình công trong doanh nghiệp”- ông Mai Đức Thiện cho biết.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm mọi nhóm người lao động đều có quyền và có cơ hội có tiếng nói tham gia trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động.

Đối với các quy định về thương lượng tập thể, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ bảo đảm quyền thương lượng tập thể của người lao động trong bối cảnh đa tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm quan hệ lao động của Việt Nam; bảo đảm thương lượng tập thể đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội- Phó trưởng Ban Soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi  cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm mọi nhóm người lao động đều có quyền và có cơ hội có tiếng nói tham gia trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động. Đây là những vấn đề mới mà thực tiễn Việt Nam chưa từng thực hiện nên chưa có kinh nghiệm.

“Việc sửa đổi, bổ sung cần phải được nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước, tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), bảo đảm phù hợp với đặc điểm thể chế và quan hệ lao động của Việt Nam”- ông Doãn Mậu Diệp cho biết./.

Theo VOV


Lượt xem: 9

Trả lời