Nên bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch?

Cập nhật 19/6/2014, 13:06:08

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch, vẫn còn ý kiến khác

Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Điều 13 và Khoản 3, Điều 26 của Dự án luật để bảo đảm thực hiện quyền công dân có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được đánh giá rất quan trọng và có nhiều điểm tiến bộ so với Luật Quốc tịch năm 1988 cũng như các văn bản liên quan đến quốc tịch khác trước đó. Đặc biệt, Luật Quốc tịch năm 2008 gián tiếp thừa nhận 2 quốc tịch đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, không phải bỏ quốc tịch nước ngoài khi đăng ký quốc tịch Việt Nam.

Bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch…

Theo tinh thần của Luật hiện hành, đến ngày 1/7/2014 sẽ có hàng triệu kiều bào bị mất quốc tịch Việt Nam do quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch là 5 năm, tính từ ngày Luật Quốc tịch năm 2008 có hiệu lực (1/7/2009). Do đó trong thảo luận, đa phần đại biểu cho rằng nên bỏ hẳn quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008.

 

 
Đại biểu Bùi Văn Xuyền

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền – Thái Bình có 4 lý do để bỏ hẳn quy định này. Thứ nhất, quy định giữ quốc tịch Việt Nam chưa phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch, kể cả Luật Quốc tịch năm 1998 và Luật Quốc tịch năm 2008 tại Điều 6, Điều 7 về chính sách nhà nước đối với công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài. Đặc biệt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài và cũng chưa thật phù hợp với Hiến pháp năm 1992 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, đã quy định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần vào tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Nhà nước phải có trách nhiệm thoả thuận với các nước hữu quan để đồng bào ổn định cuộc sống, bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Thứ hai, quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào. Trong một số trường hợp có thể tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào, cụ thể là đối với những người đã được nhập quốc tịch nước ngoài mà nước sở tại đó áp dụng nguyên tắc một quốc tịch. Như vậy công dân Việt Nam không thể đến đăng ký giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vì họ phải giữ quốc tịch ở nước mà họ đang sinh sống làm ăn. Nếu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng tới việc giữ quốc tịch của họ ở nước ngoài.

Thứ ba, việc gắn đăng ký giữ quốc tịch với đăng ký công dân theo tinh thần của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài là không đúng, vì hai luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh khác nhau. Do đó, chỉ nên thực hiện việc đăng ký công dân theo quy định của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với mục đích để nắm và quản lí tình hình công dân Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có quản lý quốc tịch và công dân để thực hiện bảo hộ công dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp hộ chiếu cho công dân.

Thứ tư, trình tự thủ tục đăng ký về giữ quốc tịch theo quy định của Nghị định 78 năm 2009 của Chính phủ cụ thể hoá Luật Quốc tịch năm 2008. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thực chất là đăng ký cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch năm 1998. Tuy nhiên, theo luật năm 2008 đã bỏ quy định này. Nên chăng, Ban soạn thảo nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho những người không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu cấp giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam. Đối với những người mà còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên họ còn quốc tịch Việt Nam. Như vậy, họ không cần thiết phải đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam.

Đại biểu Hà Huy Thông

Theo đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho rằng không ai có thể tự nhiên bị tước quốc tịch trái với Hiến pháp. Hơn nữa, nhiều người cũng không biết về quy định mới của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 yêu cầu phải đăng ký lại sau 5 năm.

Do vậy, đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi Điều 13 của Luật Quốc tịch theo hướng bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. “Luật Quốc tịch Việt Nam nếu không sửa kịp thời (trước ngày 1/7/2014) sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. Trong đó nhiều người có nguy cơ trở thành người không có quốc tịch trên trái đất này ở những nơi chỉ công nhận một quốc tịch hay nơi đang tìm cách hạn chế cấp quốc tịch cho người Việt Nam”, đại biểu Hà Huy Thông đề nghị.

Hay gia hạn thời hạn đăng ký quốc tịch…

Tuy nhiên vẫn còn ý kiến đề nghị giữ quy định đăng ký quốc tịch nhưng xem xét gia hạn thêm 5 năm hay 10 năm. Có ý kiến cho rằng, nếu bãi bỏ hoàn toàn quy định đăng ký giữ quốc tịch có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý và thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Bình Định, việc quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nhằm mục đích rành mạch hóa tình trạng quốc tịch của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thuận lợi hơn cho Nhà nước trong việc tổ chức để công dân thực hiện các quyền của mình. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần cụ thể hơn nữa các quy định về thủ tục đăng ký để vừa thuận lợi cho kiều bào, vừa bảo đảm tính pháp lý không trùng lặp với quy định về một số thủ tục hành chính khác như thủ tục cấp hộ chiếu, giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục đăng ký công dân…; đảm bảo yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nếu không quy định cụ thể thời hạn thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam có suy nghĩ không cần thiết phải đăng ký. Bên cạnh đó, vì đã có quốc tịch sở tại nên họ thấy không có nhu cầu cấp bách đăng ký quốc tịch Việt Nam./.

T
 

theo VOV


Lượt xem: 36

Trả lời