Miễn đăng kiểm xe ô tô mới: Chủ xe có phải nộp phí để lấy giấy chứng nhận?

Cập nhật 24/3/2023, 13:03:35

Nhiều chủ xe quan tâm đến việc khi được miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới thì cần nộp khoản phí nào, làm sao để được cấp tem đăng kiểm, tem phí đường bộ dán trước kính xe để lưu thông…

Tiết kiệm chi phí gần 130 tỷ đồng và thời gian chờ đợi của người dân

Bộ GTVT đã chính thức ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định xe cơ giới. Thông tư mới sửa đổi nhiều nội dung so với Thông tư cũ. Trong đó có 2 nội dung đáng chú ý là miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới và điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.

Nhiều chủ phương tiện thắc mắc khi không cần đưa phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, vậy việc lập hồ sơ phương tiện, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và dán tem kiểm định được thực hiện ra sao? Chủ xe có cần nộp khoản phí nào để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định hay không?

Khi nói về quy định mới, miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô mới sản xuát, anh Dương Bá Huy ở Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: quy định này quá hợp lý, lẽ ra phải áp dụng sớm hơn vì tình trạng đăng kiểm đã quá tải từ lâu. Người dân thường phải xếp hàng thời gian dài để đăng kiểm mà cũng mất 1-2 ngày. Tôi đã phải xếp số từ hôm trước và sáng sớm phải đăng kiểm xe tôi quá thấu hiểu việc này.

“Việc miễn đăng kiểm ô tô mới là cần thiết để giảm tải, người dân không phải chờ đợi mệt mỏi như thời gian vừa qua. Tuy nhiên tôi cũng như nhiều người băn khoăn, nếu xe mới mua không đến trung tâm đăng kiểm thì làm sao để có tem kiểm định dán trước kính xe để lưu thông, đóng phí đường bộ như thế nào”, anh Huy nói.

Nói về những thắc mắc này, tại buổi Tọa đàm “Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới” vào chiều 22/3, ông Nguyễn Tô An- Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, với quy định miễn đăng kiểm ô tô mới, ngoài việc không phải đưa phương tiện đến kiểm tra, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện.

Sau khi lập hồ sơ phương tiện, chủ xe sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định để tự dán theo hướng dẫn của nhân viên trung tâm đăng kiểm.

Như vậy, với việc không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất giá dịch vụ kiểm định, hiện nay dao động từ 250 – 570 nghìn đồng/xe, tuỳ từng loại xe.

“Trước đây, việc tiến hành kiểm tra trực tiếp. Nhưng do hiện đã được miễn kiểm định lần đầu, mọi dữ liệu sẽ được lấy trên cơ sở dữ liệu về xe SXLR, nhập khẩu để kiểm định. Trên giấy chứng nhận kiểm định được cấp, ở vị trí in ảnh cũng sẽ được ghi là xe được miễn kiểm định lần đầu”, ông An nói thêm.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo thống kê, có khoảng 574.000 ô tô mua mới được miễn đăng kiểm lần đầu năm trong 2023, ước tính tiết kiệm chi phí gần 130 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, chủ xe vẫn cần nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định, 40.000 đồng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, riêng xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) lệ phí này là 90.000 đồng/giấy”, ông An cho biết.

Theo ông Nguyễn Tô An, quy định mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp là điều thấy rõ, ngoài ra, lợi hơn đó là giảm thời gian, công sức khi không cần đưa xe đến đơn vị đăng kiểm, chờ kiểm định rồi mới được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định. Thời gian này, người dân dành để làm nhiều công việc khác góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tô An, cơ quan soạn thảo, ban hành Thông tư 02 cũng đã lường trước được một số tình huống khi phát tem kiểm định để chủ xe tự dán. Các trung tâm sẽ hướng dẫn người dân cách dán tem, đồng thời người dân cũng cần phải có ý thức.

Tuy nhiên, có thể do sơ xuất, trong quá trình dán tem bị hỏng, chủ phương tiện cần mang bằng chứng tem dán hỏng, thậm chí giấy chứng nhận bị hỏng tới bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào cũng sẽ đều thực hiện in lại, cấp lại cho chủ phương tiện sử dụng, dán lên xe.

“Trường hợp chẳng may để mất tem hoặc giấy chứng nhận, theo quy định, trong thời gian 7 ngày làm việc, chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền có thể mang giấy tờ theo quy định để được cấp lại. Việc cấp lại cũng chỉ được thực hiện duy nhất 1 lần để tạo điều kiện cho chủ phương tiện chẳng may làm mất. Trường hợp cấp lại chỉ được thực hiện trong thời gian không quá 1 tuần. Còn nếu quá sẽ phải thực hiện kiểm tra, kiểm định để được cấp lại”, ông An thông tin.

Cần tiếp tục đổi mới hơn nữa

Việc Bộ GTVT tích cực vào cuộc, lắng nghe ý kiến người dân và các chuyên gia để “tháo gỡ” những bất cập đối với đăng kiểm vốn là những quy định lạc hậu tồn tại lâu nay. Việc làm này được người dân, chuyên gia đánh giá là thần tốc, thể hiện sự quyết đoán, quyết liệt của Bộ GTVT.

Theo các chuyên gia về giao thông, Thông tư mới của Bộ GTVT về hoạt động đăng kiểm đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, với kỳ vọng mang lại lợi ích cho hàng triệu người, giúp tiết kiệm chi phí xã hội khá nhiều. Cơ chế chính là nguồn lực, khi vướng mắc được thông thì nguồn lực tạo ra rất lớn mà không mất khoản phí đầu tư nào.

“Nhìn chung, việc miễn đăng kiểm ô tô mới và nới thời hạn đăng kiểm cho xe cũ đang giúp người dân mừng ra mặt bởi tiết kiệm được nhiều thời gian chờ đợi như những tháng vừa qua. Không những thời gian mà người dân còn giảm được chi phí đăng kiểm xe mới”, TS Nguyễn Xuân Thủy-chuyên gia giao thông nhìn nhận.

Cùng với đó, ông Đỗ Thái Bình-Chủ tịch Hiệp hội đóng tàu Việt Nam cho rằng, việc sửa Thông tư 16 có thể mới là bước khởi đầu. Chặng đường trước mặt còn dài để xây dựng toàn diện một hệ thống mới cho lĩnh vực đăng kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra và thuận tiện cho người dân. Bước tiếp theo là sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Thái Bình kiến nghị tiếp tục sửa đổi Thông tư 48/2015-TT-BGTVT Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Quy định về kiểm định tàu, thuyền nhỏ (du thuyền) nói chung. Nên sớm có văn bản công nhận tiêu chuẩn CE và tiêu chuẩn châu Âu về chứng nhận tàu, thuyền.

“Theo quy định, khi du thuyền nhập về Việt Nam, doanh nghiệp hoặc cá nhân phải nộp hồ sơ gốc, đơn vị đăng kiểm sẽ xem xét. Căn cứ theo Quy chuẩn 81 hay Quy phạm 72, hồ sơ được trình lên Cục Đăng kiểm Việt Nam để rà soát, xem so với Quy chuẩn 81 hay Quy phạm 72 còn thiếu những gì phải trình bổ sung tiếp. Nói chung những quy định này đã quá cũ và hiện không còn phù hợp theo các tiêu chuẩn quốc tế…”, ông Bình nhìn nhận./.


Lượt xem: 5

Trả lời