“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” loại bỏ hủ tục lạc hậu khỏi cộng đồng dân tộc thiểu số

Cập nhật 05/2/2024, 07:02:27

Xóa bỏ hủ tục vốn đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và nhận thức, phong tục của đồng bào. Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán có ý nghĩa tốt đẹp thì nên duy trì, phát huy và ngược lại, những hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ.

Vẫn tồn tại một số hủ tục cần phải loại bỏ

Trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc các dân tộc. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp, đặc sắc đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu. Đó là tục chôn sống con theo mẹ ở vùng đồng bào Giẻ Triêng tỉnh Quảng Nam; tục “nối dây” của đồng bào Bru – Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình; tục nghi kỵ “cầm đồ độc” ở vùng đồng bào H’re tỉnh Quảng Ngãi… đã cướp đi mạng sống của nhiều người trong làng…

Mặc dù, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thế nhưng một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ trong đời sống của người dân. Trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tồn tại một số hủ tục cần phải loại bỏ.

Trên dãy Trường Sơn, trong đời sống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Cor, Mơ Nông…hiện vẫn tồn tại một số hủ tục cần phải xóa bỏ như: thách cưới; tảo hôn; nghi kỵ cầm đồ độc; cúng bái khi ốm đau; trong đám tang giết mổ nhiều gia súc, uống rượu nhiều ngày;…

Nguyên nhân tồn tại những hủ tục này do các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số hình thành từ bao đời nay; công tác vận động, tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu liên tục; không kiểm tra, nhắc nhở bà con chấp hành pháp luật; một số người lớn tuổi không muốn thay đổi các phong tục, tập quán dù đã lạc hậu, lỗi thời… Ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi thừa nhận, dù đã nỗ lực nhưng công tác tuyên truyền, vận động tại địa phương chưa được như mong muốn.

“Nó thuộc về văn hóa, tập tục của họ cho nên không thể thay đổi ngày một ngày hai. Chúng tôi cũng đã có trong quy định về đánh giá xếp loại đảng viên, đánh giá cán bộ, công chức nhưng không thể có kết quả ngay lập tức được. Chúng tôi biết rằng chính vì tập tục như thế nên phải có thời gian nhất định.” – ông Đặng Ngọc Dũng thẳng thắn.

Vận động, kết hợp chế tài xử lý đủ mạnh để xóa bỏ hủ tục

Đã có nhiều địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp xoá bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Quảng Nam, giai đoạn từ 2011 – 2022, tỉnh này chú trọng tập huấn về “tăng cường nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, cán bộ theo dõi công tác dân tộc ở các địa phương.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 397 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: “Kể từ ngày tái lập, Quảng Nam luôn luôn quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, tinh thần mà nhất là phải khơi dậy truyền thống tốt đẹp của đồng bào ở đây. Đồng thời với đó là phải dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam”.

Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Suốt một thời gian dài, cấp ủy, chính quyền cùng Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương này đã vận động bà con từ bỏ tục đâm trâu trong các dịp lễ hội; không mời thầy cúng mỗi khi nhà có người ốm… Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng có vai trò ‘tiên phong” trong việc kêu gọi bà con xóa bỏ hủ tục. Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện cũng đang xây dựng bộ khung tiêu chí mới dựa theo quy định của pháp luật, nhất là quy định của Đảng để lồng vào hương ước của thôn, của xã cho phù hợp thực tế hiện nay.

“Có quy định pháp luật cụ thể là Luật Hôn nhân gia đình. Do ông Chủ tịch UBND xã có bao giờ phạt đâu. Nếu UBND xã tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì tỷ lệ tảo hôn không bao giờ tăng như vừa rồi. Trước đây, Trưởng Công an cũng có trường hợp là cháu, bác, con, ông, bà… Bây giờ, Trưởng Công an chính quy về cơ sở thì đố ông nào không làm hay hó hé gì. Con chủ tịch, bí thư xã cũng phải xử lý” – ông Bhling Mia gay gắt về tình trạng không gương mẫu của cán bộ ở cơ sở.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp bà con dân tộc thiểu số nhận thức và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Tại tỉnh Hà Giang, tháng 5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025”. Tiếp đó, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết này đặt mục tiêu đến hết năm 2030 cơ bản xoá các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh với quan điểm xuyên suốt là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, để vận động bà con dân tộc Mông xoá bỏ tập tục lạc hậu trong tang ma, địa phương đã có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những gia đình thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nếp sống văn minh.

“Huyện có cơ chế hỗ trợ. Nếu hộ gia đình nào thực hiện tốt 3 tiêu chí huyện sẽ hỗ trợ kinh phí. Ví dụ, hộ gia đình nào đăng ký thực hiện tốt 3 tiêu chí đó là: đưa người chết vào áo quan, chôn cất sớm không để quá 48 tiếng, rồi không giết mổ gia súc thì huyện sẽ hỗ trợ là 15 triệu đồng mỗi hộ gia đình để gia đình mua áo quan. Từ năm 2019 đến nay, có 29 hộ gia đình đại diện 17 dòng họ thực hiện. Đây là cũng là quá trình làm công tác dân vận.” – bà Vàng Thị Và, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Mèo Vạc, chia sẻ về cách thức vận động người dân như vậy.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tổng quát “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu”. Theo đó, xóa bỏ hủ tục lạc hậu là nội dung quan trọng của 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; Nếu xảy ra tình trạng này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

“Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Tập trung phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế cho đồng bào. Và nên tập trung trọng tâm vào các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động về tư vấn, duy trì và triển khai các mô hình; Cần biên soạn những bộ tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác về văn hóa, dân tộc, dân số và kế hoạch hóa gia đình… từ đó nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi.” – bà Cao Thị Xuân nêu rõ.

Xóa bỏ hủ tục vốn đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và nhận thức, phong tục của đồng bào. Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán có ý nghĩa tốt đẹp thì nên duy trì, phát huy và ngược lại, những hủ tục lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ.

Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, lấy công tác vận động, tuyên truyền kết hợp thực hiện chế tài xử lý đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm pháp luật; đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên hành trình xây dựng nếp sống văn minh. Và tầm nhìn đến năm 2030 là xóa bỏ các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta./.

VOV.


Lượt xem: 8

Trả lời