Hội Háng Pỉnh dịp trăng rằm của người Tày – Nùng

Cập nhật 24/9/2020, 13:09:24

Ngày 12/8 âm lịch hàng năm, đồng bào Tày, Nùng rộn ràng đi trẩy hội Háng Pỉnh hay còn gọi là “hội bánh nướng”. Đến với hội Háng Pỉnh, người Tày, Nùng không chỉ mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, biếu bà Tai (bà ngoại) tỏ lòng hiếu lễ mà chủ yếu là hát giao duyên.

Bắt đầu từ ngày 12-15/8 Âm lịch, những dòng người đổ về thành phố Lạng Sơn tham dự hội Háng Pỉnh. Hội trước đây thường diễn ra ở chợ phiên Kỳ Lừa, bây giờ không gian được mở rộng tới khu công viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn). Hàng ngàn người tham dự, đa phần là người Tày, Nùng với sắc áo chàm xanh, đen truyền thống. Chợ càng về chiều càng đông, tiếng hát sli càng bay cao, bay xa.

Bà Ngô Thị Liêm, người tày tại Lạng Sơn bảo: “Năm nào đến dịp trung thu là tôi đi hội Háng pỉnh. Mỗi năm hội Háng pỉnh đều đông vui, có năm đến hàng nghìn người tập trung về Chợ Kỳ Lừa hay dưới chân tượng đài Hoàng Văn Thụ để ăn bánh nướng, hát dân ca, nhộn nhịp từ sáng cho tới tối muộn. Đây là dịp để tôi được diện những bộ áo chàm của người Tày vốn thường ngày phải cất trong tủ, được gặp lại bạn cũ, được hát sli, lượn và để trau dồi thêm vốn kiến thức cho việc truyền dạy các làn điệu dân ca của tôi”.

“Háng Pỉnh” được khai hội từ rất sớm khi những câu hát sli, hát lượn được cất lên từ trai gái người Tày, Nùng xuống phố. Đây là lối hát dân ca đối đáp giữa các bên nam- nữ. Nội dung của những câu hát đơn giản là hỏi thăm, làm quen sau đó gửi gắm, chia sẻ tình cảm hay học tập các kỹ thuật, phương pháp làm ăn giữa các bản làng nhưng được đối đáp sắc sảo, ý nhị. Cuộc hát tại hội Háng Pỉnh có thể kéo dài đến khuya và nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng từ những câu hát. Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven là người Nùng Cháo, ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc nổi tiếng gần xa với tài hát sli ,là nghệ nhân ưu tú trẻ nhất của tỉnh Lạng Sơn.

Bà cho biết: “Từ hội Háng Pỉnh mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Vì năm nay họ hát hỏi thăm nhau, làm quen và hẹn hội sau trở lại đây tại hội Háng pỉnh vì vậy lấy được nhau. Nhưng có nhiều đôi trai gái không nên duyên được thì giờ họ gặp nhau là bạn, là lão tồng, nhân gãi, kết bạn với nhau, giúp nhau suốt đời. Họ hát lại những bài hát ngày xưa đã từng hát cho nhau nghe. Và bây giờ khi nhà có hoạn nạn, ngày mùa không gặt kịp họ gọi nhau đến giúp không công dù có ở xa cỡ nào. Cái đó mới là cái hay, mới là tính cố kết của dân tộc Tày, Nùng.”

Năm 2019, Hát Sli của dân tộc Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Huy Ấm cho biết đây là việc làm cần thiết khẳng định tính hấp dẫn, độc đáo của hát dân ca Tày, Nùng và quan trọng hơn là có cách nhìn nghiêm túc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể: “Tôi thấy việc bảo tồn là rất cần thiết nếu không nó sẽ mất đi những giá trị tinh thần vốn qúy. Vì vậy rất cần kho tư liệu để cho sau này. Cần biên soạn để đưa vào trường học nhất là những trường Dân tộc nội trú, làm thế nào để biên soạn những bài hợp với lứa tuổi. Thứ 2 là có các cuộc trao đổi, tọa đàm, hội thảo ghi chép bằng âm nhạc chứ bằng văn bản chúng tôi làm nhiều rồi. ”

Những câu Sli, Lượn gợi thương, gợi nhớ vang lên khắp nơi từ đầu chợ Kỳ Lừa bên bờ sông Kỳ Cùng, lan tỏa đến chân dốc Sài Hồ như một ấn tượng khó quên nơi xứ Lạng- mảnh đất địa đầu biên cương tổ quốc./.

Theo VOV


Lượt xem: 47

Trả lời