Hoảng với hoá chất cực kỳ nguy hiểm trong bình sữa nhựa

Cập nhật 06/9/2013, 09:09:04

Thông tin hàng loạt đồ nhựa, đồ chơi cho trẻ em, màng căng nylon chứa độc… mà cơ quan chức năng cảnh báo đã khiến nhiều người hoang mang. Nguy hiểm nhất là bình sữa nhựa trong PC (polycarbonate) cho trẻ em, đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước, nhưng tại VN vẫn được bày bán công khai. Theo các nhà khoa học và bác sĩ (BS), bình sữa nhựa này có chất bisphenol A (BPA) cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em. 

                                                                                     Người tiêu dùng vẫn “mù mờ” thông tin chất BPA trên bình sữa.

Cả người bán và người mua đều mù tịt về tác hại

Các bà mẹ ở VN vì áp lực công việc và nhiều lý do khác nhau như ít sữa, thẩm mỹ, không có thời gian… nên thích chọn mua bình sữa bằng nhựa để cho trẻ bú. Nghịch lý là khi mua bình sữa, ít ai hỏi đến làm bằng loại nhựa nào, có độc hay không mà chỉ chú ý đến nước sản xuất, hình thức, núm vú mềm… Chính vì điều này, người mẹ đã vô tình chọn sản phẩm chứa hoá chất độc mà không biết.

Dạo quanh một vòng các điểm bán đồ dùng dành cho trẻ em ở TPHCM như shop Mẹ và bé, Mẹ yêu, Bé yêu… trên đường Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần (quận 3), Tôn Thất Tùng, Cống Quỳnh (quận 1) và các quầy ở chợ Tân Định, nhiều cửa hàng không bán bình sữa bằng thủy tinh vì người bán khẳng định, ít có người mua. Bình sữa bằng nhựa thì có vô số loại với các thương hiệu nổi tiếng như: Camera, Farlin, Nuk, Pigeon, Avent, Dr Brown… và nhiều hãng không rõ xuất xứ. Các loại bình không rõ xuất xứ thường có giá chỉ bằng 1/2 so với các loại thông thường và mẫu mã rất bắt mắt.

Tuy nhiên, khi hỏi về thông tin về BPA trên bình các bình sữa thì phần lớn người bán đều… mù tịt. Thậm chí, trên đường Hai Bà Trưng, ngay ngã tư góc Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng và khu vực xung quanh chợ Tân Định, nhiều bình sữa được người bán giới thiệu đều không thấy xuất xứ với nắp vặn đủ màu sắc có giá từ 10.000 – 30.000 đồng/bình tùy dung tích. Phần lớn các bình sữa được trưng bày tại các cửa hàng đều không có thông tin về chất BPA hoặc thiếu khẳng định “sản phẩm không có BPA (BPA free)”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai – trú tại Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1 – cho biết: “Cháu nhỏ nhà tôi bú bình từ lúc 4 tháng tuổi khi tôi bắt đầu đi làm lại. Lâu nay, gia đình cho cháu sử dụng bình nhựa và chẳng nghe khuyến cáo gì cả. Bây giờ đọc báo mới biết phải chọn bình không chứa chất BPA (bisphenol-A – PV). Nhiều người khuyên mua bình thuỷ tinh, nhưng rất ít cửa hàng bán và người bán đều cho rằng, bình thủy tinh vừa nặng vừa dễ vỡ, gây nguy hiểm cho em bé…”.

Không chỉ ở các điểm bán đồ dùng dành cho trẻ, ngay ở các siêu thị, khu vực gian hàng bình sữa cũng có đa dạng từ 20-30 loại. Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ hoặc có dán nhãn thì không ghi rõ thành phần, phía ngoài bao bì chú thích nhiều ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên ít có sản phẩm nào khẳng định rõ bình sữa có chứa BPA hay không? Cần phải hiểu rằng, nếu sản phẩm không niêm yết dòng chữ “PBA free” chắc chắn bình sữa này được làm bằng nhựa chứa chất độc nguy hiểm.

BPA gây rối loạn hệ sinh dục, não…

Theo GS-TS Nguyễn Hữu Niếu – Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, ĐH Bách khoa TPHCM – BPA là nguyên liệu bột – thành phần ban đầu để tổng hợp nên các loại nhựa chủ yếu ứng dụng trong công nghiệp vì tăng độ trong và bền cho nhựa, chẳng hạn nhựa polycarbonat (PC) dùng để sản xuất tấm lợp. BPA rất ít khi ứng dụng vào các sản phẩm gia dụng.

BPA được phát hiện trong nhiều báo cáo khoa học của các nhóm nghiên cứu độc lập. Trong bản đánh giá do một nhóm 12 chuyên gia thực hiện theo chương trình phòng, chống độc quốc gia của Mỹ (The National Toxicology Program – NTP), BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Chỉ cần một liều nhỏ BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai người và trẻ nhỏ. Vì vậy, các bà mẹ cần tìm hiểu kỹ các thông tin trên sản phẩm, tránh những loại nhựa tái sinh có BPA.

Chất BPA dễ dàng thoát khỏi hợp chất chính và có thể hoà lẫn với sữa lúc đổ nước sôi để pha sữa cho bé, luộc bình hay đem ra nắng để phơi. Dù một lượng rất nhỏ BPA vào bên trong cơ thể người vẫn không có cách nào thải ra được. Trong quá trình chế tạo, BPA ít khi phân hủy hết, vì vậy chất này vẫn còn sót lại một lượng ít trong sản phẩm. Các bình sữa có chất liệu chính từ polycarbonate, trong đó sẽ tồn tại một phần hóa chất bisphenol-A.

Theo nhiều chuyên gia, những loại bình nhựa thì không nên luộc hay đun sôi trong nhiệt độ cao, mà chỉ cần tráng, rửa sạch sẽ sau khi sử dụng. Nên sử dụng những loại bình sữa bằng nhựa tốt, có công nghệ diệt khuẩn hoặc tốt nhất là bình thủy tinh để tránh các thành phần độc hại của sản phẩm.

Trong khi Cục ATVSTP khuyến cáo nếu phải sử dụng bình sữa nhựa thì không sử dụng nước nóng trên 600C để pha sữa trong bình, không cho bình sữa vào nồi đun cách thủy hoặc lò vi sóng… thì ngược lại, người bán hàng tại các cửa hàng đều tư vấn là các hãng nổi tiếng đều khuyên các bà mẹ thường xuyên luộc bình sữa trong nước sôi để diệt các loại vi khuẩn có hại còn lưu lại trên bình sữa mà mắt thường không nhìn thấy. Thông thường, cuối mỗi ngày sử dụng nên luộc bình sữa, nếu không các loại vi khuẩn này sẽ rất dễ gây tiêu chảy cho trẻ…
 

Lưu ý khi mua bình sữa cho trẻ:
– Bình sữa bằng nhựa polycarbonate có chất BPA thường trong suốt và cứng.
– Bình sữa bằng polypropylene thường đục và mềm hơn nhựa polycarbonate.
– Trên bình sữa có chữ PP hoặc hình có nghĩa được làm từ polypropylene (không có BPA). Nếu không có hình thì được làm bằng nhựa polycarbonate (có BPA).

Theo Lao Động điện tử


Lượt xem: 32

Trả lời