“Hành trình Đỏ” – Không để hiến máu dừng lại ở phong trào

Cập nhật 12/6/2019, 07:06:03

Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, chương trình “Hành trình Đỏ” năm 2019 kéo dài 2 tháng (14/6-27/7) tại 39 tỉnh thành phố trên cả nước.

Chương trình “Hành trình Đỏ” lần thứ 7 sẽ khởi động vào đúng ngày 14/6 – Ngày Quốc tế người hiến máu. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, “Hành trình Đỏ” năm nay kéo dài trong 2 tháng và dự kiến tiếp nhận 61.000 đơn vị máu.

Máu an toàn cho mọi người”

Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu năm nay được WHO lựa chọn là “Máu an toàn cho mọi người”. Thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về máu an toàn, đồng thời kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe trên toàn thế giới tham gia hiến máu thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của người bệnh cần máu ở cả các khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa.

"hanh trinh do" - hien mau de ket noi dong mau viet hinh 1
Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2019.

TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết: “Truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh, nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai… Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và WHO đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020”.

Nhân Ngày quốc tế người hiến máu, WHO muốn nhấn mạnh một lần nữa thông điệp nhân văn này. Bên cạnh đó, nếu người hiến máu tình nguyện có thể tự sàng lọc bản thân trước những nguy cơ có thể lây truyền bệnh qua đường máu thì chúng ta sẽ đảm bảo nguồn máu an toàn.

Vế thứ 2 của thông điệp là cho tất cả mọi người. Vì hiện nay, còn rất nhiều người bệnh ở Việt Nam và trên thế giới rơi vào hoàn cảnh khó khăn, rơi vào hoàn cảnh thiếu máu khi không có đủ máu và các chế phẩm máu để truyền, dù chỉ cần 1 đơn vị máu họ đã có thể giữ lại được mạng sống.

Không chỉ là máu an toàn mà còn đủ máu cho tất cả mọi người. Đưa hai điều vô cùng quan trọng vào thông điệp, WHO muốn nhấn mạnh sự cần thiết và quan trọng của hoạt động hiến máu, đặc biệt là hiến máu tình nguyện.

Đừng để hiến máu dừng lại ở phong trào

Tại Thái Lan, tỷ lệ hiến máu thường xuyên là 70% và tỷ lệ hiến máu 450ml gần 80%. Những người hiến máu thường xuyên sẽ chủ động việc hiến máu, không phải chờ đến lúc được kêu gọi mới tham gia. Họ cũng là người tự sàng lọc tốt nhất và họ hiểu rõ bản thân mình để biết rằng lúc nào họ đủ điều kiện để hiến máu. Do vậy, nguồn máu này rất an toàn và chất lượng.

"hanh trinh do" - hien mau de ket noi dong mau viet hinh 2
Chị Đàm Thị Nhi, công tác tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo hiến máu, đã vận động được 300 người khác tham gia trao đi giọt máu đào của mình.

Tại Việt Nam, ý thức người dân hiến máu rất tốt, với tỷ lệ người hiến máu 1,6-1,7%. Năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị  máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250ml); với 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện. Trong đó, người hiến máu thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ lệ người hiến máu thường xuyên chưa cao.

Thực tế, hoạt động hiến máu tại Việt Nam vẫn đang ở mức độ phong trào và nó chưa bền vững. Thời điểm không huy động đươc lực lượng sinh viên, học sinh như dịp Hè hoặc sau Tết, tình trạng thiếu máu lại tái diễn. Do vậy, phong trào hiến máu chỉ bền vững và hiệu quả khi có được tỷ lệ cao người hiến máu thường xuyên và tỷ lệ cao người hiến máu thể tích lớn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận đồng hiến máu tình nguyện cho rằng: “Năm nay, có 39 địa phương tham gia “Hành trình Đỏ”, chứng tỏ sức sống bền bỉ của chương trình và nhu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tổ chức hiến máu để phòng trào hiến máu tình nguyện ngày càng chất lượng, hiệu quả, lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân”.

“Ngân hàng máu sống”

Tại Hà Nội và các địa phương đều thành lập rất nhiều đội hiến máu, trong đó có CLB máu hiếm, đội hiến máu dự bị và đội hiến máu khẩn cấp… Hoạt động của họ tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của các địa phương để triển khai các CLB này. Ví dụ, ở Trường Sa, hay các vùng sâu vùng xa và hải đảo… sẽ có những CLB hiến máu dự bị. Trong những trường hợp khẩn cấp, những người tình nguyện này chính là ngân hàng máu sống để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và điều trị.

"hanh trinh do" - hien mau de ket noi dong mau viet hinh 3
Bạn Nguyễn Đức Kiên (1991), Trưởng nhóm máu Rh-, CLB nhóm máu hiếm khu vực Hà Nội.

Một mô hình đặc biệt là CLB nhóm máu hiếm. Ví dụ, trong trường hợp người nước ngoài cấp cứu và nhóm máu của người bệnh là Rh-, thì việc tìm nguồn máu sẽ khó khăn. Trong kho dự trữ có sẵn nhưng không phải tất cả nhóm máu hiếm đều có.

“Chúng tôi rất cần những CLB người hiến máu hiếm, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu do chấn thương, tai nạn, chúng tôi sẽ tìm tới những bạn có nhóm máu hiếm để kêu gọi. Trong trường hợp khẩn cấp – bao gồm cả yếu tố nhóm máu hiếm và yếu tố không có dự trữ máu, chúng ta rất cần những CLB hiến máu khẩn cấp, để cả trong thời điểm đêm hôm, lễ Tết… Những người hiến máu khẩn cấp được gọi là những người “tình nguyện của tình nguyện”. Họ sẵn sàng đi hiến máu vào bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào”, TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh.

Các bệnh viên thường gặp vấn đề thiếu máu truyền vào tháng 9, 10, đặc biệt là tháng 12. Sau Tết âm lịch là thời điểm nan giải nhất vì thiếu người hiến máu. Bên cạnh đó, thời hạn lưu trữ máu cũng có hạn. Do đó, trước Tết có lấy được bao nhiêu đơn vị máu đi nữa, thì khoảng 5 tuần sau Tết vẫn bị thiếu./.

Theo VOV


Lượt xem: 16

Trả lời