Hàng không Việt Nam “chao đảo” vì dịch Covid-19

Cập nhật 17/2/2020, 07:02:11

Thiệt hại ban đầu của các hãng hàng không sau việc phải đóng cửa các đường bay “vàng” đến Trung Quốc do dịch Covid-19 có thể lên tới cả chục tỷ đồng.

Các hãng hàng hàng không Việt Nam đã chịu thiệt hại rất lớn sau việc phải đóng cửa các đường bay đến Trung Quốc do dịch Covid-19.

hang khong viet nam "chao dao" vi dich covid-19 hinh 1
Các hãng hàng hàng không Việt Nam đã chịu thiệt hại rất lớn sau việc phải đóng cửa các đường bay đến Trung Quốc. 

Lao đao vì phải đóng cửa đường bay “vàng”

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho thấy, trước khi có dịch virus corona (Covid-19) xuất hiện, thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ).

Một thống kê khác cho thấy năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam – Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách trong đó hơn 4,6 triệu là do các hãng hàng không trong nước vận chuyển.

hang khong viet nam "chao dao" vi dich covid-19 hinh 2
Vietnam Airlines khử trùng máy bay đi – đến từ vùng có dịch.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, từ ngày 23/1/2020, Cục HKVN đã công bố hủy toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi – đến Vũ Hán và đến ngày 1/2/2020 thì hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Việt Nam không thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không đối với với hành khách không mang quốc tịch Việt Nam đã ở hoặc quá cảnh Trung Quốc lục địa trong vòng 14 ngày trước khi đi/đến Việt Nam”, đại diện Cục HKVN cho biết.

Theo Cục HKVN, thị trường bay Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

hang khong viet nam "chao dao" vi dich covid-19 hinh 3
Hành khách qua các sân bay đều chủ động đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh giữa mùa dịch Covid-19.

Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch…

Nhiều hãng mất lãi cả năm

Cũng theo Cục HKVN, từ ngày 1 – 7/2/2020 (1 tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.

“Ngay giữa cao điểm Tết mà thị trường còn sụt giảm. Điều này là minh chứng rõ nhất những thiệt hại mà thị trường hàng không Việt Nam phải gánh chịu do dịch nCoV. Sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng”, Cục HKVN thông tin.

Trong năm 2019, mức lãi mà Vietnam Airlines công bố cũng chỉ đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Con số này của Vietjet là hơn 5.000 tỷ đồng. Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không giữa hai nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến các đơn vị mặt đât do sụt giảm doanh thu từ việc giảm sản lượng chuyến bay điều hành cũng như lượng khách qua cảng.

 Xin giảm giá dịch vụ hàng không, kích cầu bay trở lại

Đánh giá về khả năng phục hồi ngành hàng không, một lãnh đạo của Vietnam Airlines nhận định, căn cứ từ kinh nghiệm của những đợt dịch trước, gần nhất là dịch SARS, sẽ cần ít nhất 2 tháng sau khi chính quyền công bố hết dịch, thị trường mới dần ổn định, chưa nói đến việc tăng trưởng.

hang khong viet nam "chao dao" vi dich covid-19 hinh 4
Tổ bay của Vietnam Airlines mặc đồ bảo hộ trong chuyến bay đến Vũ Hán (Trung Quốc) đón công dân Việt Nam về nước.

“Điều này có nghĩa là nếu trong tháng 3 chính quyền công bố hết dịch thì phải đến tháng 5, thị trường hàng không mới hoạt động bình thường trở lại, kịp cho mùa cao điểm hè. Dịch còn kéo dài ngày nào thì hàng không ảnh hưởng nặng nề ngày đó”, đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong gian đoạn này, Cục HKVN đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi – đến, hạ/cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cơ quan này cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM…) chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.

Biện pháp cấp bách, tìm thị trường mới…

Trước thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, nhất là với lĩnh vực hàng không, Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp để bù đắp những thiệt hại của ngành hàng không. Trong đó có việc tăng cường vận chuyển hành khách, hàng hóa đối với các nước khác.

“Ví dụ như tăng cường khai thác đến các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)…Giải pháp tiếp theo mà Bộ GTVT thực hiện là tập trung mở rộng thị trường mới, như thị trường Ấn Độ. Đây là thị trường tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác nhiều…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường khai thác tối đa các chuyến bay nội địa bởi thời gian qua nhiều hãng hàng không đã có những ưu tiên cho khai thác quốc tế; trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Vũ Hán (Trung Quốc), một số phương tiện bay (máy bay), tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ dư ra và Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các hãng hàng không nghiên cứu và tăng cường các chuyến bay quốc tế qua các thị trường lớn như đã nêu trên.

Cùng với đó, Bộ GTVT khuyến khích các hãng hàng không mở thêm một số chuyến bay giữa các sân bay. Ví dụ như hai đầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở thêm các điểm đến các sân bay lẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, để vực lại ngành hàng không, Bộ GTVT khuyến khích các hãng hàng không có thể mở đường bay từ các sân bay lẻ với nhau. Như vậy, có thể khai thác tối đa việc vận chuyển nội địa bằng đường hàng không, qua đó kết nối các điểm du lịch và tạo thuận lợi hơn cho hành khách./.

Theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời