Gốm sành Hương Canh – vẻ đẹp ẩn sau lớp nâu đồng độc đáo

Cập nhật 30/6/2020, 08:06:10

Nằm bên cạnh dòng sông Cà Lồ, bình yên và tĩnh lặng, Hương Canh nổi tiếng với nghề làm chum vại gốm từ hơn 300 năm qua.

Dù nổi tiếng là làng nghề truyền thống hơn 300 năm, song trước bối cảnh khi là gốm mỹ thuật rồi đồ nhựa lấn áp, làng gốm Hương Canh chỉ còn 4, 5 nhà giữ được nghề. Trong đó, lò gốm Thanh Nhạn là tiêu biểu cho sự tiếp nối lửa nghề. Người dân Hương Canh vẫn thường chia sẻ rằng: “Lò gốm Thanh Nhạn là lò được nhất, gốm tốt, còn lại, chẳng còn mấy nhà mặn mà với nghề bán gốm.”

Gốm sành Hương Canh lưu giữ hơi thở của của quê hương từ chính nguyên liệu ban đầu. Đất sét làm nguyên liệu phải là đất sét xanh ở Hương Canh. Đất được lấy ở ruộng lên, trộn với đất sét nâu rồi đưa vào bể, lọc cho sạch, cho mịn. Không chỉ vậy, đất làm gốm phải phơi, để đất càng lâu, sản phẩm làm ra càng đẹp. Anh Giang Anh chia sẻ: “Đất sét xanh được dùng để lấy tiếng kêu. Đất lấy ở Hương Canh này luôn. Chỉ đất ở Hương Canh mình mới làm được, chứ đất ở nơi khác không làm được.” Anh bảo: “Sành này kêu lắm. Nơi khác là không có tiếng kêu này đâu. Phải búng vào cái miệng mới kêu. Tiếng kêu coong coong đặc trưng vang vọng lên như khi gõ vào kim loại. ”

Gốm Hương Canh ngày nay chủ yếu là tiểu sành, chum, lọ trang trí. Nhiều người mua lọ về để trang trí, cắm hoa. Chum mua về để đựng rượu. Ngày xưa, làng gốm Hương Canh chủ yếu làm chum, vại, tiểu sành. Nhưng theo thời gian, thẩm mỹ của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, chum, vại, tiểu sành không còn được ưa chuộng nhiều, nên người làm nghề cũng phải làm mới mình, sáng tạo ra những lọ gốm trang trí, cắm hoa.

Nếu gốm sứ Bát Tràng là dùng lực, kéo đất để tạo hình sản phẩm, gốm Hương Canh dùng dải đất quấn dần từ dưới lên rồi vuốt. Nhưng làm sao để cho sản phẩm dày vừa phải, sau khi nung không bị biến hình, ra được hình dáng như ý là cái khó của người làm nghề. Hiện nay, không còn nhiều người biết vuốt lọ, cả một xưởng gốm chỉ có duy nhất hai người biết cách vuốt, ngay cả anh Giang Anh cũng chưa được học. “Vuốt lọ chỉ có mẹ của mình thôi, bà năm nay 70, và bà cô ở xóm làm. Chứ bản thân mình cũng chưa được học cách vuốt lọ. Những đồ lọ này là bà vuốt hết, vuốt theo mẫu của mình. Mình ra mẫu hoặc khách ra mẫu rồi bà vuốt theo.”

Nghề làm gốm thủ công cũng có đôi phần phải phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng vừa phải, sản phẩm chỉ cần ba ngày là có thể phơi xong rồi sửa lại. Người thợ dùng mút ẩm, đánh cho nhẵn nhụi, cầu kì để sản phẩm cuối cùng mới ra được màu đồng đẹp mắt, cuối cùng là tạo hoa văn. Đặc trưng của gốm Hương Canh là đường vân được đẽo gọt thủ công trên chiếc lọ. Anh Giang Anh vừa làm, đôi bàn tay kéo léo đẽo gọt hoa văn cho chiếc lọ gốm mới, vừa kể: “Vân to nhỏ khác nhau là do tay mình đặt. Sản phẩm hơi cứng một tí, hoặc tay mình phải thật cứng thì hoa văn mới đều. Hoa văn là do mình tạo ra.”

Nung được một mẻ gốm sành cũng là một sự kì công và nhẫn nại của người thợ. Bởi lò gốm Thanh Nhạn vẫn giữ lò nung truyền thống, phải canh lò để giữ đúng nhiệt lượng trong khoảng 2 ngày 1 đêm mới ra được một mẻ gốm. Nhanh thì một tuần nung được một lò, có khi một tháng được 1, 2 lò. Khi nung bằng lò nung truyền thống, người thợ chỉ có thể ước lượng nhiệt lượng trong lò mà gia giảm lửa cho vừa. Vì vậy, sau khi ra lò, sản phẩm sẽ có màu sắc đậm nhạt khác nhau, vô cùng độc đáo. Không cần tô vẽ màu như gốm Chu Đậu, Bát Tràng, gốm Hương Canh chọn cho mình sắc nâu nguyên bản, mộc mạc như chính người dân nơi đây.

Gốm sành Hương Canh có độ bền cao, thậm chí có thể dùng được tới “thiên niên vạn đại”, nước còn không ngấm. Anh Giang Anh còn tự hào khẳng định những chiếc lọ này là vĩnh cửu. Nhưng hiện nay, chẳng còn mấy hộ giữ lại nghề truyền thống của làng. Sự phát triển của những nhà máy sản xuất đồ nhựa khiến cho chum, vại sành phải lùi lại đằng sau. Chẳng còn mấy ai còn dùng những chiếc nồi đất để kho cá, dùng chum, vại để muối dưa, muối cà, giữ lại phong vị truyền thống. Bên cạnh đó, các sản phẩm sành không nhẹ như gốm sứ, khiến cho việc di chuyển khó khăn là một hạn chế của sản phẩm sành Hương Canh. Khó có thể kinh doanh, giá cả cho những mặt hàng thủ công như vậy cũng không hề rẻ khiến cho nhiều gia đình trong làng nghề có tuổi đời hơn 300 năm không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Nhưng giờ đây, thực tế đang dần thay đổi. Nhiều người biết tới gốm Hương Canh bởi vẻ đẹp độc đáo đầy thu hút. Anh Giang Anh cho biết, những lọ này gia đình anh bắt đầu bán từ những năm 90, nhưng đến giờ mới có nhiều người mua, nhiều người biết tới. Anh vui vẻ bảo rằng, gia đình anh còn có hai, ba đại lý ở dưới Hà Nội, nhưng nhiều khách ở dưới Hà Nội thích và lên, vào tận xưởng nhà anh để chọn mua những sản phẩm ưng ý. Sản phẩm nhà anh làm ra được bao nhiêu là bán được bấy nhiêu, không có nhiều hơn để mà bán. Không chỉ có vậy, mỗi một lọ lại có dáng hình khác nhau, tất cả đều làm thủ công, nên không thể có chiếc thứ hai giống hệt. Khác từ nguyên liệu, từ khâu vuốt tay cho tới nhiệt nung của lò, nên màu sắc của sản phẩm sẽ đậm nhạt khác nhau, to nhỏ cũng khác nhau. Khách hàng bị hấp dẫn bởi gốm sành Hương Canh cũng vì lẽ đó.

Gốm Hương Canh có một nét rất riêng biệt, duyên dáng, mộc mạc mà khó có sản phẩm gốm nào có được. Nếu chỉ nghe kể, không thể thấy được hết vẻ đẹp thô mộc khó tả thành lời của gốm sành Hương Canh. Phải đứng tại xưởng, chỉ cần một lúc thôi, không ai có thể cưỡng lại được vẻ đẹp này. Từng sản phẩm được trau chuốt tỉ mỉ, làm thủ công hoàn toàn tạo nên sức hút mãnh liệt khó ai có thể bỏ qua. Nếu đã yêu những gì mộc mạc, giản dị, đừng ngại ngần mà không về với Hương Canh, để biết tới một dòng gốm mang nét đẹp độc đáo ẩn sau lớp sành nâu đồng mộc mạc.


Lượt xem: 608

Trả lời