Già hóa dân số: Chính sách về an sinh xã hội sẽ thay đổi như thế nào?

Cập nhật 12/7/2020, 07:07:49

Dự báo, đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số.

Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước vào giai đoạn đầu của già hóa. Theo các chuyên gia, già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cũng như nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Tỷ lệ dân số trẻ gia nhập thị trường lao động có xu hướng giảm dần.

Thực tế này đòi hỏi nhà nước cần thay đổi chính sách an sinh xã hội ra sao và các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lao động như thế nào để phù hợp với quá trình già hóa dân số?

gia hoa dan so: chinh sach ve an sinh xa hoi se thay doi nhu the nao? hinh 1
Doanh nghiệp dệt may đang gặp khó trong bối cảnh già hóa dân số. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng. Dự báo, đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số.

Thách thức lớn nhất hiện nay đó là thay đổi cơ cấu lao động. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao từ 45 đến dưới 60 tuổi sẽ tăng lên và tỷ lệ dân số trẻ gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm. Nguồn lực lao động trẻ tuổi giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới một số ngành nghề trong các lĩnh vực như ngành dệt may, da giầy, chế biến thủy sản, công nghệ, điện tử, du lịch… Ông Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính, Tổng công ty May 10 không khỏi lo lắng về năng suất, chất lượng công việc sẽ khó duy trì được khi thiếu hụt lao động trẻ trong mấy năm tới.

“Đối với ngành dệt may, nhu cầu lao động trẻ đáp ứng công việc rất quan trọng, vì ngành dệt may cũng là ngành lao động nặng nhọc, độc hại. Ngành yêu cầu trong môi trường sản xuất dây chuyền, yêu cầu nhanh tay nhanh mắt. Đối với lao động cao tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm, còn doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng về năng suất, chất lượng. Những lao động dần đến tuổi nghỉ hưu rất khó khăn để đáp ứng được công việc. Khi già hóa dân số đương nhiên lại càng tiếp tục khó khăn cho việc tuyển lao động trẻ”.

Hiện Việt Nam ở giai đoạn cuối của dân số vàng nhưng chỉ một vài năm nữa, tình hình sẽ khác. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Cùng quan điểm này, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: “Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng và có chuẩn bị, đặc biệt là về đào tạo nghề chuẩn bị cho người lao động. Những kỹ năng mới, kỹ năng mềm về ngoại ngữ, về ý thức tổ chức kỷ luật tuân thủ công nghệ. Cũng có khó khăn và thách thức, thuận lợi thời cơ thì việc tận dụng được tất cả những thế mạnh thời cơ này thì hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta. Chúng tôi qua nghiên cứu thấy rằng, với những vấn đề mà chúng ta đang làm như hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị, Chính phủ đang sửa đổi hệ thống Luật pháp lao động, chuẩn bị các điều kiện về cơ chế để cho người lao động Việt Nam trong thời gian tới”.

gia hoa dan so: chinh sach ve an sinh xa hoi se thay doi nhu the nao? hinh 2
Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Quang Vinh.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với xu hướng đi trước đón đầu chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số, Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội; tạo việc làm có thu nhập cho người cao tuổi. Đồng thời đưa ra các chính sách và chương trình kịp thời để chuẩn bị cho quá trình dân số già trong tương lai.

Bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết: “Bộ Luật lao động 2019 đã có việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo một lộ trình chậm. Lao động nam sẽ tăng 3 tháng, lao động nữ tăng 4 tháng 1 năm. Đây cũng là một trong những chính sách để có thể đáp ứng được nhu cầu già hóa dân số. Ngoài ra, các chính sách về mặt đào tạo trong các Nghị định hướng dẫn về Bộ luật lao động 2019 cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, không khuyến khích nghỉ hưu sớm. Trong những trường hợp các doanh nghiệp có công việc nhẹ nhàng có thể chuyển đổi và có thể sử dụng nhiều lao động cao tuổi, có những chính sách hỗ trợ về thuế hay giảm đóng bảo hiểm xã hội để cho những doanh nghiệp đó có thể sử dụng lao động cao tuổi”.

Các chuyên gia lao động việc làm khuyến cáo, thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già hóa trong tương lai. Sự chuẩn bị này sẽ góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Cùng với đó, mỗi người dân nên có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của bản thân ngay từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội.

Chúng ta không thể trông chờ vào chính phủ để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình./.


Lượt xem: 27

Trả lời