Dân khổ vì nhường đất cho thủy điện

Cập nhật 06/1/2014, 09:01:29

Sau hơn 7 năm nhường đất cho thủy điện An Khê – Ka Nak, gần 100 hộ dân ở làng Groi vẫn chưa có đất tái định canh như lời hứa của chủ đầu tư công trình, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.

 

Thủy điện An Khê - Ka Nak chuyển dòng chảy
Thủy điện An Khê – Ka Nak chuyển dòng chảy.

 

Nhường đất rồi… chờ

Nằm cách chân đập Ka Nak chưa tới 500m, làng Groi (thuộc thị trấn K’bang, huyện K’bang, Gia Lai) trông nhỏ bé dưới công trình đồ sộ. Ngày ngày, 92 hộ dân Ba Na với trên 400 khẩu vẫn sống tập trung, co cụm bên dòng sông Ba và cuộc sống không còn hiền hòa như trước. Kể từ năm 2007 nhường đất cho công trình thủy điện An Khê – Ka Nak, đời sống của bà con khốn khó trăm bề: thiếu đất sản xuất, mỗi ngày đi làm xa hơn, đường sá cách trở hơn.

Anh Đinh B’lớ – làng Groi cho biết: “Tới nay gia đình tôi vẫn chưa được hỗ trợ đất tái định canh, cuộc sống khó khăn lắm. Lúc đầu, Ban quản lý thủy điện 7 – đơn vị quản lý công trình thủy điện An Khê – Ka Nak chỉ hỗ trợ đền bù cây cối trên đất được 60 triệu đồng, còn 9ha đất ở lòng hồ chưa được đền bù. Do thiếu đất sản xuất, gia đình tôi cùng nhiều người trong làng phải đi hơn 1 giờ vào tận xã Đắk S’mar để làm. Nhiều khi tôi phải đi mua chịu, mượn tiền con buôn để trang trải cuộc sống”.

Nói về việc tái định canh, trưởng làng Groi – anh Đinh B’lan bức xúc: “Nhường đất cho thủy điện, bà con trong làng mình thiệt thòi nhiều lắm. Các cuộc họp cử tri, dân làng đều kêu, chúng tôi cũng có nhiều kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết đất sản xuất cho dân. Nếu không có thủy điện thì người dân vẫn no đủ, đâu tới nỗi khó khăn thế này?”.

Dân dài cổ chờ tái định canh
Dân dài cổ chờ tái định canh.

 

Theo anh B’lan, Ban quản lý thủy điện 7 và chính quyền địa phương có đưa đồng bào đi nhận đất tại lâm trường Lơ Ku nhưng họ nhất định không chịu vì đất này chồng lấn với các hộ người Kinh, lại đồi dốc, bạc màu.

Ông Đoàn Thanh Hùng, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện K’bang cho biết: Nhiều điểm tái định canh, định cư cho dân ở lòng hồ thủy điện cơ bản đã hoàn thành. Riêng tại làng Groi, chính quyền địa phương và Ban quản lý thủy điện 7 đang tích cực giải quyết để sớm cấp đất cho dân. Trước mắt, để ổn định cuộc sống cho bà con, địa phương đã tạo điều kiện cho người dân nhận khoán, bảo vệ hơn 600ha rừng thuộc Cty Lâm nghiệp Ka Nak. Hàng năm, mỗi hộ được nhận 2 triệu đồng và được hỗ trợ gạo, mắm muối hàng tháng.

Phải có trách nhiệm với dân!

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương huyện K’bang và Ban quản lý thủy điện 7 để giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc đền bù, tái định canh cho người dân có đất tại lòng hồ thủy điện.

Theo kết luận của UBND tỉnh, công trình này “đã làm ngập hơn 2.000ha đất của dân, nhiều làng bản phải di dời nhưng do thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư và địa phương trong việc xây dựng dự án ban đầu, không làm kỹ nên công tác đền bù, tái định canh, định cư cho người dân vẫn chưa hoàn thành. Chúng ta phải có trách nhiệm với dân”. Tỉnh cũng yêu cầu Ban quản lý thủy điện 7 phối hợp với UBND huyện khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại nhằm ổn định cuộc sống
của dân.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu bố trí 52 ha trong số 81 ha đất tại các tiểu khu 141 và 150 (trước đây, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lơ Ku quản lý) cho 92 hộ dân ở làng Groi, trung bình 0,5 – 0,6ha/hộ. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát thu hồi 92ha đất rừng nghèo do Cty TNHH MTV Sơ Pai quản lý để cấp thêm đất cho 92 hộ dân ở làng Groi.

Yêu cầu xem xét lại báo cáo về môi trường

Ngày 26/12/2013, UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo số 114/TB-UBND, kết luận: công trình thủy điện An Khê – Ka Nak đi vào hoạt động đã chuyển dòng sông Ba, không trả nước về sông cũ (nước được đưa về sông Côn, tỉnh Bình Định – PV) đã làm cho mùa khô nước cạn kiệt, mùa lũ thì lũ lớn hơn là không đảm bảo cho sản xuất và môi trường vùng hạ du.

Theo đó, đề nghị Ban quản lý thủy điện 7 xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình thủy điện An Khê – Ka Nak.

Thủy điện An Khê – Ka Nak có tổng công suất lắp máy 173MW, thuộc địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, được khởi công từ cuối năm 2005 và chính thức chặn dòng tích nước vào năm 2010.

Theo Tiền Phong Online


Lượt xem: 27

Trả lời