Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững

Cập nhật 13/9/2022, 06:09:17

Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới” vừa diễn ra ngày 12/9.

Tại Việt Nam có nhiều luật quy định bảo vệ quyền của người khuyết tật và người khuyết tật được coi là “nhóm ưu tiên” trong nhiều chính sách. Việc đảm bảo quyền của người khuyết tật cũng được đưa vào Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững 2030. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không có luật chính thức yêu cầu lồng ghép các vấn đề về người khuyết tật trong việc xây dựng các chính sách hay luật pháp quốc gia.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Bình Dương cuối tuần vừa qua trong Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới”, do trường Đại học Bình Dương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức.

Hội thảo nhằm hướng tới bảo đảm quyền của người khuyết tật theo mục tiêu phát triển bền vững, gợi mở các giải pháp hoàn thiện khung pháp luật và tăng cường hiệu lực thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là thực thi Công ước của LHQ về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) và gia nhập Hiệp ước Marrakesh.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Kể từ khi Việt Nam ban hành Luật Người khuyết tật năm 2011 và phê chuẩn CRPD năm 2015, đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo dựa trên Báo cáo phân tích thực trạng toàn diện về Quyền của người khuyết tật ở Việt Nam, trong khuôn khổ dự án chung Liên hợp quốc vào năm 2021 do UNDP, UNICEF và UNFPA thực hiện. Báo cáo cũng cho thấy Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy việc hòa nhập người khuyết tật bằng việc ban hành những tiêu chuẩn trong xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, song chưa có những hướng dẫn cụ thể trong việc bắt buộc thực hiện và giám sát những tiêu chuẩn này. Chính vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu nhằm đưa ra những cải cách chính sách tuân thủ việc thực thi CRPD, cũng như đảm bảo quyền của người khuyết tật gắn với phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các học giả quốc tế và Việt Nam trình bày các kết quả nghiên cứu của họ về quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững, tập trung vào: Nguyên tắc hòa nhập người khuyết tật trong phát triển bền vững; Những điều kiện tiền đề để người khuyết tật hòa nhập; Bài học kinh nghiệm quốc tế và quốc gia về hòa nhập người khuyết tật trong phát triển bền vững; Đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội Quốc gia 2021-2025 và các khuyến nghị liên quan.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động chào đón Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường Đại học Bình Dương, được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Đại học Bình Dương và trực tuyến trên nền tảng Zoom Meeting.

Theo VTV


Lượt xem: 4

Trả lời