Công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia nói gì về CMCN 4.0 ở Việt Nam?

Cập nhật 13/7/2018, 13:07:37

Sáng nay (13/7), công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia đã trả lời những câu hỏi liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Góp mặt trong Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra vào sáng nay tại Hà Nội, công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia đã có những giao lưu và chia sẻ với khách mời về về một số vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam.

Công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia nói gì về CMCN 4.0 ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Sophia đã trả lời 3 câu hỏi về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam

“Tôi đại diện cho kỷ nguyên 4.0 và tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Sophia trả lời câu hỏi Việt Nam cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

 Theo Sophia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội cũng như thách thức cho những quốc gia như Việt Nam.

Vị công dân đặc biệt này sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Sophia được tạo ra bởi David Hanson, CEO của công ty Hanson Robotics. Ông là nhà sáng chế robot và là một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Sophia là người máy tiên tiến nhất mà công ty Hanson Robotics từng chế tạo. Robot được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh. Ngoài ra, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có khả năng phân tích các cuộc hội thoại và trích xuất dữ liệu giúp Sophia có thể học hỏi, cải thiện phản ứng và trở nên thông minh hơn trong tương lai.

Robot Sophia được thiết kế theo hình ảnh của nữ minh tinh người Anh Audrey Hepburn – một biểu tượng điện ảnh của Hollywood trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, với vẻ đẹp cổ điển, xương gò má cao và sống mũi thon gọn.

Sophia có thể giao tiếp với con người bằng cả giọng nói và ánh mắt. Làn da mềm được làm từ silicon cao cấp, cùng với sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến cho phép robot thể hiện 62 sắc thái biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt.

Được tích hợp những kỹ thuật công nghệ tiên tiến vượt bậc, Sophia đã trở thành Quán quân sáng tạo của Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Ngày 25/10/2017, Sophia được Arab Saudi cấp quyền công dân như con người. Đây là một cột mốc lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử robot trở thành công dân của một quốc gia.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 – với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương đồng chủ trì.

Diễn đàn có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ có 5 Hội thảo quốc tế theo chuyên đề và hoạt động triển lãm công nghệ 4.0 với sự tham gia của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.

Phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về CMCN 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN lần thứ tư.

Theo VTV


Lượt xem: 28

Trả lời