Còn 20% mức sống tối thiểu công nhân lấy ở đâu?

Cập nhật 06/9/2013, 09:09:04

Trên các báo hôm qua đưa nhiều tin, bài về tiền lương: Hội thảo mức sống tối thiểu của người lao động, Tổng LĐLĐVN đề xuất phương án lương tối thiểu năm 2014; tiếp tục mổ xẻ chuyện “lương khủng” ở các công ty nhà nước; xúc động lòng người là đa phần thu nhập của công nhân còn lâu mới đạt mức sống tối thiểu. 

 

Người lao động vẫn chưa thể sống được bằng lương (ảnh minh họa)

Căn cứ các kết luận của BCHT.Ư Đảng và các khảo sát thực tế đời sống công nhân, Tổng LĐLĐVN đưa ra 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2014 cao hơn 2 phương án hồi tháng 4.2013 của Bộ LĐTBXH từ 8 – 16%.

Tuy nhiên với mức tăng ấy, Tổng LĐLĐVN cho biết cũng chỉ mới đáp ứng được từ 77- 84% mức sống tối thiểu! Như vậy còn 20% thu nhập cho đủ sống tối thiểu công nhân lấy ở đâu? Có cách nào giải quyết không?

Xin mời các nhà làm chính sách đọc đoạn này trong Nghị quyết 20/NQ-T.Ư khóa 10 năm 2008: “Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân”.

Đã 5 năm qua, các cơ quan xây dựng chính sách dường như làm ngược lại nghị quyết hết sức quan trọng này, liên quan đến hàng chục triệu con người được gọi là lực lượng tiên phong mà không ai phải kiểm điểm trách nhiệm cả!

Và đây là hai kết luận của BCH T.Ư năm 2012 và 2013: “Điều chỉnh mức LTT khu vực DN nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu” và “từng bước điều chỉnh tiền LTT vùng phù hợp với tình hình SXKD và nhu cầu tối thiểu của người lao động”. Quan điểm của Đảng như vậy là đã rõ. Thế thì cản trở chủ yếu là từ đâu?

Trong cuộc họp tháng 4.2013 đại diện Bộ LĐTBXH có hai ý kiến: “Tình hình thu cho ngân sách rất khó khăn, do đó không bố trí nguồn chi cho cải cách tiền lương theo lộ trình năm 2013” và “Nếu điều chỉnh lương tối thiểu đảm bảo ngay nhu cầu tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều DN, đặc biệt là DN dệt may, da giày gia công sẽ phá sản”.

Như vậy cái vướng thứ nhất là do “thu ngân sách rất khó khăn”, trong khi tiền lương của khu vực SXKD, đặc biệt là DN ngoài nhà nước không dính tới ngân sách.

Lẽ ra nên có chính sách lương phù hợp hơn: Nên chăng ở khu vực này hãy để cho người lao động và người sử dụng lao động thương thảo với nhau để ký kết hợp đồng lao động với mức lương hai bên có thể chấp nhận.

Về ý kiến sẽ có rất nhiều DN phá sản nếu LTT đảm bảo nhu cầu tối thiểu thì thực tiễn đã hoàn toàn bác bỏ: Từ tháng 4 đến nay có hàng chục cuộc đình công ở các xí nghiệp may và da giày, các ông chủ đã dễ dàng chấp nhận yêu sách tăng lương mà chẳng có ông nào phá sản cả !

Sở dĩ ý kiến của đại diện Bộ LĐTBXH dễ dàng được chấp nhận là do năm nay đã có hơn 100.000 DN ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu thì về lý thuyết cũng như về thực tiễn ý kiến đó cũng đều không có cơ sở, nếu quan sát kỹ các DN đang hoạt động. Bởi vì “giá trị sử dụng thứ hàng hóa đặc biệt (sức lao động) là ở chỗ nó sinh ra một giá trị lớn hơn giá trị của chính bản thân nó”.

Do đó người sử dụng lao động phải trả mức lương tối thiểu không chỉ đủ nuôi sống bản thân người lao động mà còn phải có dư để nuôi sống cả gia đình anh ta” (C.Mác và Ph.Ăng ghen trang 252). Từ lâu ở khu vực sản xuất kinh doanh, các nước tiên tiến đã không trả lương tháng mà trả lương theo kết quả lao động. Các DN xây dựng định mức thời gian lao động trung bình cho một đơn vị sản phẩm.

Trên cơ sở đó, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến thao tác, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập. Ở các khâu gián tiếp sản xuất, người ta tính tiền lương theo đầu việc cho từng chức danh.

Công đoàn với chức năng là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động có vai trò đặc biệt quan trọng hợp tác, thương lượng, đấu tranh với chủ DN trong việc xây dựng định mức lao động và đơn giá của một đơn vị sản phẩm…

Để làm tốt việc này, công đoàn có thể dựa vào người lao động và thẳng thắn đối thoại với giới chủ để nắm chắc mục tiêu lợi nhuận, doanh thu, tiềm lực cạnh tranh mở rộng thị trường… Từ đó mà công đoàn xác định đúng khả năng của DN có thể nâng mức tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, xây dựng quan hệ hài hòa, phát triển DN, tránh những căng thẳng không cần thiết. 

Theo Tin nhanh VNEpress


Lượt xem: 34

Trả lời