Chuyên gia “bắt bệnh” đỗ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 99%

Cập nhật 18/6/2014, 06:06:24

Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ: “Nếu làm nghiêm túc, số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 60-70%”.

Trước việc đa số các địa phương công bố tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt tới gần 100%, dư luận và nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục bày tỏ sự lo ngại về chất lượng dạy và học hiện nay.

Nguyên nhân là do tổ chức thi quá hình thức

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho rằng, việc  đỗ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ gần 100% thì cũng nên xem lại cách thi, cách ra đề của Bộ GD-ĐT. “Nếu tất cả đều đỗ thì cần gì phải thi. Đã thi là phải có đánh giá và sàng lọc, còn nếu ai cũng đỗ thì thi làm gì. Tôi cho rằng, việc thi như hiện nay không phản ánh được chất lượng đào tạo và cũng không đáp ứng được yêu cầu của một kỳ thi”.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ 

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, đã học thì phải thi. Chuyện đánh giá ở bậc học phổ thông là rất cần thiết, nhưng phải đánh giá đúng. Còn nếu học mà thi đỗ gần 100% thì là chuyện hiếm có. Việc này có nguyên nhân là do tổ chức thi quá hình thức, từ đề thi đến cách chấm thi không đạt mục đích của một kỳ thi. “Thời tôi còn làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao lắm chỉ đạt 70-80%, làm gì có chuyện đỗ tới gần 100%. Việc ồ ạt đỗ tốt nghiệp mới chỉ diễn ra trong mấy năm gần đây”.

“Tôi cho rằng, việc ra đề thi không đúng với chúng ta mong muốn.  Đã tổ chức thi thì  phải đánh giá đúng trình độ để xem ai đạt được, ai không đạt được. Nếu tất cả ai cũng đều đạt thì việc ra đề quá dễ, ai cũng đạt được, không đúng với tính chất của một kỳ thi. Mục đích của kỳ thi là phải đánh giá đúng để tuyển lựa. Ví dụ như sàng gạo, chỉ có hạt gạo rơi xuống, còn những hạt trấu nó phải ở trên thì mới sàng, còn nếu lỗ sàng to quá, tất cả mọi hạt đều lọt thì sàng làm gì”- Ông Nhĩ nói.

Ông Nhĩ cho biết, Hiệp hội các trường ngoài Công lập và Cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến với Bộ GD-ĐT nên kết hợp thi tốt nghiệp với tuyển sinh Đại học- Cao đẳng  và phải đánh giá đúng dắn, nghiêm túc thì mới tiết kiệm được, vì mỗi kỳ thi tốn rất nhiều công sức, tiền của. “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy,  nhiều năm nay các chuyên gia, dư luận cũng đã có cảnh báo nhưng Bộ vẫn cứ làm như đã làm, vẫn tổ chức thi phổ thông, sắp tới là tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Mọi việc vẫn như cũ, chưa có gì thay đổi”.

Nếu làm nghiêm túc, tỷ lệ đỗ chỉ khoảng 60-70%

Ông Nhĩ cho rằng, cách làm về giáo dục như vậy là bảo thủ, chưa đổi mới. Trong khi đó, Bộ vừa có đề án về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó lấy khâu thi cử làm đột phá. “Theo tôi, nếu đột phá là phải có đánh giá giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng. Đó là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Tôi cho rằng nếu làm nghiêm túc, số học sinh chỉ đỗ khoảng 60-70%”.

Với số thí sinh đỗ tốt  nghiệp như vậy, các trường có thể tuyển sinh vào Cao đẳng, Đại học, trường dạy nghề hoặc đi học ở ngoài nước. Nếu những trường Top cao sẽ tuyển các em có điểm số cao và các trường thấp hơn sẽ tuyển các em có điểm số thấp hơn… Nếu số lượng học sinh đăng ký và trường đông thì sẽ tuyển từ cao xuống thấp.  “Việc  tổ chức một kỳ thi phổ thông hời hợt, không đạt được kết quả gì, rồi lại tổ chức một kỳ thi Đại học, Cao đẳng như vậy, tôi cho rằng cách làm giáo dục như vậy chưa hiệu quả. Chúng ta chỉ cần 1 kỳ thi như vậy nhưng phải thật nghiêm túc để đánh giá đúng chất lượng, vừa đỡ tốn kém tiền của”.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, việc đổi mới như của Bộ GD-ĐT thời gian vừa qua là tích cực nhưng không phù hợp. Ví dụ, đổi mới đánh giá điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với quá trình học của học sinh là đúng nhưng cách đánh giá chưa thực sự hiệu quả. Đó là việc chỉ lấy 50% điểm thi để đánh giá, còn 50% là đánh giá trong quá trình học lớp 12.

Ông Nhĩ cho rằng, trong tình hình tiêu cực diễn ra tràn lan cùng với bệnh thành tích như hiện nay, nhiều trường sẵn sàng cho học sinh đủ điểm để thuận lợi trong việc xét tốt nghiệp. Như vậy,  tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% là chuyện phổ biến. Vì thế, để đánh giá chính xác hơn, không chỉ đánh giá mỗi năm học lớp 12 mà phải đánh giá cả quá trình từ lớp 10 đến lớp 12.

 

“Chẳng hạn,  có học sinh học rất tốt nhưng lớp 12 chẳng may bị đau yếu, mà chỉ đánh giá riêng kết quả học tập năm lớp 12 thì sẽ rất thiệt thòi cho học sinh đó. Vì thế, nếu đánh giá liên tục 3 năm THPT, thì sự đánh giá sẽ khách quan hơn và bắt buộc học sinh phải có sự cố gắng liên tục. Còn nếu chỉ đánh giá riêng lớp 12 và đưa ra tỷ lệ 50% chính là đang tạo điều kiện tiêu cực cho các trường”- ông Nhĩ nói.

 

Ông Trần Xuân Nhĩ cũng nhất trí việc Bộ giảm bớt môn thi là đúng, nhưng việc chọn môn thi cũng phải tính toán phù hợp. Toán, Ngữ văn là 2 môn cần thiết, còn nếu tự chọn cũng phải có môn Ngoại ngữ, vì trong điều kiện đất nước hội nhập, không thể thiếu ngoại ngữ.

Ông Nhĩ bày tỏ lo ngại với việc thi Sử như trong kỳ thi vừa qua. Theo ông, học sinh không chọn môn Sử là do cách dạy môn học này hiện nay chưa hiệu quả, còn bắt học sinh nhớ quá nhiều con số, mà ít chú ý đến sự kiện. “Ai cũng phải nên biết về lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc mình, phải có định hướng để học sinh yêu thích môn học này. Cách dạy là phải để các em biết về sự kiện. Nước ta có lịch sử đáng tự hào, từ thời Hùng Vương, đến Bà Trưng, Bà Triệu cho đến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ… những sự kiện đó học sinh phải biết và tự hào. Mà lỗi ở đây không phải ở các em. Chẳng hạn,  sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, lớp lớp thanh niên vô cùng thương tiếc. Nhưng vì sao trong kỳ thi vừa rồi, các em không chọn môn Sử, đó cũng là điều là cần phải suy nghĩ để làm sao có cách giảng dạy phù hợp”./.

theo VOV


Lượt xem: 23

Trả lời