“Vang mãi bài ca tháng Mười“-đêm giao lưu nghệ thuật hoành tráng, xúc động

Cập nhật 30/10/2017, 08:10:39

Đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi bài ca tháng Mười” kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra tối 29/10 tại Hà Nội.

Để kỷ niệm “100 năm Cách mạng tháng Mười Nga” và nêu bật ảnh hưởng sâu sắc của sự kiện mang tầm vóc nhân loại đối với Cách mạng Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam và Trung tâm Văn hóa-Khoa học Nga tại Hà Nội tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi bài ca tháng Mười” vào 20h tối 29/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và phu nhân; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN; ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, TGĐ Đài TNVN. Cùng tham dự có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, bộ, ngành; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus tại Việt Nam…

dem giao luu nghe thuat "vang mai bai ca thang muoi" hoanh trang xuc dong hinh 1

Đông đảo quan khách đến tham dự chương trình “Vang mãi bài ca tháng Mười”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vang mãi bài ca tháng Mười” gồm 2 phần: Phần I (Từ cách mạng tháng Mười Nga đến con đường Cách mạng Việt Nam), và Phần II (Giai điệu Việt – Nga) là tiếng nói nghĩa tình, là tình cảm của Việt Nam, của những con người Việt Nam đối với cuộc cách mạng đã lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến con đường Cách mạng Việt Nam

Cách đây vừa tròn 100 năm, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã làm rung chuyển cả thế giới. Lần đầu tiên liên minh công nhân – nông dân – binh lính dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xô-viết – Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Cách mạng tháng Mười Nga là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của Cách mạng tháng Mười Nga, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến và đập tan ách thống trị của bọn thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại; tiếp đến là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ xâm lược; làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

dem giao luu nghe thuat "vang mai bai ca thang muoi" hoanh trang xuc dong hinh 2
NSƯT Đăng Dương thể hiện ca khúc “Nước Nga Tổ quốc tôi”.

Trong những năm kháng chiến, Liên Xô đã giúp đỡ nhiều nhất cho Việt Nam, không chỉ hỗ trợ về vũ khí mà còn về tinh thần. Nhờ thế mà chúng ta mới có thể giành được độc lập, tự do, tiếp tục con đường xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thông qua những phóng sự ngắn, những thước phim tư liệu, phần I “Vang mãi bài ca tháng Mười” đã cùng khán giả ôn lại quãng thời gian lịch sử hào hùng với những ký ức không thể nào phai; Từ những năm đầu Cách mạng tháng Mười Nga đến những ngày Bác Hồ sống tại Nga, các đồng chí cách mạng ưu tú của Việt Nam từng đến học tập chiến đấu ở Liên Xô đến mối quan hệ thân thiết của hai nước Việt-Nga trong thời bình…

Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là cái nôi đào tạo ra rất nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tướng lĩnh quân sự, các trí thức, nghệ sỹ… Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân ta mãi ghi nhớ những tình cảm tốt đẹp ấy của nhân dân Liên Xô và nước Nga.

Những ca khúc quen thuộc gắn với tình cảm 2 nước  như “Nước Nga tổ quốc tôi”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Ngày chiến thắng”, “Nhựa Bạch Dương”, “Đợi anh về”, “Chiều hải cảng”, “Triệu bông hồng”… do NSƯT Đăng Dương, nhóm Dòng Thời Gian, NSƯT Ngọc Khang, Thu Huyền, Việt Hoàn, Hoàng tùng…được trình bày bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt vô cùng xúc động và đáng nhớ.

Đặc biệt, trong phần 1 chương trình còn có màn giao lưu ngay tại sân khấu với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga Kolesnik cùng các cựu chiến binh Việt Nam đã cùng ôn lại nhiều kỷ niệm trong chiến đấu, công tác. Ông Kolesnik chia sẻ: “Tôi đã cùng chiến đấu với họ từ 1965. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975. Những năm đó, chúng tôi không có ranh giới ai là chỉ huy, ai là lính mà sống hòa thuận với nhau như gia đình. Tinh thần quốc tế vô sản của những người Liên Xô thời đó vẫn còn sống trong trái tim của tôi và tôi tin nó cũng sống trong lòng những người đồng sự Việt Nam”.

dem giao luu nghe thuat "vang mai bai ca thang muoi" hoanh trang xuc dong hinh 3
Giao lưu ngay tại sân khấu với ông Kolesnik cùng các cựu chiến binh Việt Nam đã cùng chiến đấu, công tác và là học trò của ông.

Giai điệu Việt – Nga

Nền thi ca âm nhạc Nga đã thấm đẫm tâm hồn nhiều thế hệ người Việt. Những ca khúc Nga, những điệu múa dân gian Nga, Ballet Nga, những bản nhạc giao hưởng của các nhà soạn nhạc lớn người Nga như Glinka, Tchaikosky, Shostakovich…luôn được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam.

Chính vì vậy, phần II của “Vang mãi bài ca tháng Mười” tập trung thể hiện tình hữu nghị 2 dân tộc Nga – Việt bằng chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ 2 nước.

Trong đó có ca khúc viết cho thiếu nhi rất ý nghĩa như “Từ Radolip đến Pắc Bó” với hình ảnh túp lều cỏ của Lenin tại Radolip (LB Nga); “Kachiusa”-bài hát quen thuộc và thân thiết của những người lính Việt Nam cho đến tận bây giờ. Bên cạnh đó là những ca khúc thấm đẫm tình cảm Việt – Nga như: “Tình ca du  mục”, “Đôi bờ”, “Chiều Matxcova”… do Việt Hoàn, Hiền Anh, NSND Quang Thọ thể hiện.

dem giao luu nghe thuat "vang mai bai ca thang muoi" hoanh trang xuc dong hinh 4
Ban nhạc Banzak đến từ đất nước Nga.

Đặc biệt hơn là sự góp mặt của ban nhạc Banzak đến từ đất nước Nga thể hiện các ca khúc như: “Giã biệt em gái Slavơ”, “Ôi-xa, hỡi chiến binh”, “Bước ra cánh đồng đêm cùng chiến mã”… mang lại cho chương trình và khán giả những xúc cảm Nga thực sự, với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao và tình cảm gần gũi.

Kết thúc chương trình, nhiều khán giả vẫn còn bồi hồi. Ông Nguyễn Mạnh Hải, một khán giả chia sẻ: “Những ca khúc Nga này tôi được nghe từ hồi bé, tôi vẫn nhớ như in những giai điệu của vài ca khúc. Khi nghe, tôi như được ngược dòng thời gian về lại tuổi thơ nên rất xúc động”.

Khán giả Lưu Hương Mai đánh giá cao chất lượng nghệ thuật của chương trình được thực hiện tỉ mỉ, không làm mất đi chất nhạc Nga: “Những bài hát đã quen thuộc với nhiều thế hệ được thể hiện lại rất hay. Tôi cũng rất ấn tượng với phần trình diễn của ban nhạc Nga. Những ca khúc được trình bày bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt thể hiện sự gắn bó giữa hai nước về ngôn ngữ, văn hóa và tình anh em thắm thiết giữa nhân dân hai nước”.

Ông Phan Quang Minh, người từng nhiều năm học tập tại Liên bang Nga khẳng định: “Chương trình là một hành động thiết thực cho việc gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Tôi đã được sống lại cảm giác tuổi thanh niên và thật thích thú khi được xem những tiết mục do người Nga biểu diễn”.

Với thời lượng gần 3 tiếng, “Vang mãi bài ca tháng Mười” không chỉ là một thước phim tài liệu ôn lại những ký ức lịch sử mà còn để lại cho khán giả những cảm xúc khó phai mờ. Qua đó, một lần nữa khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, bền vững và gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam – Nga./.

Theo VOV


Lượt xem: 51

Trả lời