Văn hóa đọc ở Việt Nam mới chỉ bề nổi…

Cập nhật 20/4/2017, 14:04:41

Thị trường sách Việt Nam mấy năm nay phát triển đa dạng và phong phú, song văn hóa đọc của người Việt vẫn chỉ là bề nổi, mang tính “thời trang”.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam”, nhằm phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Năm 2017 là năm thứ tư “Ngày sách Việt Nam” được tổ chức với khá nhiều hoạt động trong toàn quốc liên quan đến sách và văn hóa đọc. Nhưng xem ra, đọc sách vẫn chưa phải là lựa chọn của đại đa số, và sách bán chạy lại không nằm trong loại sách tri thức. Những hoạt động vẫn chỉ là bề nổi, chưa đi sâu vào văn hóa đọc đích thực trong cộng đồng.

van hoa doc o viet nam moi chi be noi hinh 1
Hội sách xuân Đinh Dậu (Ảnh: Diệu Linh)

Sách vẫn là hàng xa xỉ

Được biết trong số 61 quốc gia có nhiều người đọc sách nhất thế giới không có tên Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), toàn quốc có 63 nhà xuất bản. Trong năm 2016, tổng số sách xuất bản là 30.000 cuốn (với 400 triệu bản). Sách giáo khoa phổ thông là 642 cuốn (với 370 triệu bản), các loại đầu sách khác 30 triệu bản.

Tại lễ khai mạc “Ngày sách Việt Nam” lần thứ ba (19/4/2016) ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, trung bình một người dân đọc chỉ 4 cuốn/năm; trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác. Và nếu chi li hơn chút, 30 triệu bản sách (không phải sách giáo khoa) cho dân số hơn 90 triệu dân, quả là quá khiêm tốn.

Trong khi đó ở một số quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn/năm. Các nước trong khu vực như Singapore trung bình là 14 cuốn/năm, Malaysia là 10 cuốn/năm… Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số.

Chưa kể, việc phát hành sách và tổ chức hội sách hàng năm cũng chỉ tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, còn lác đác ở Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai… Các tỉnh thành còn lại, sách vẫn là thứ hàng “xa xôi”, dù đã có chương trình “sách hóa nông thôn” hay sách cho vùng sâu vùng xa. Thói quen mua sách thường xuyên vẫn có vẻ là một việc làm quá xa xỉ cho dù so với vé mua các loại hình giải trí khác thấp hơn nhiều.

Có nên vui khi sách bán chạy?

Những con số thống kê ở Hội sách TP.HCM lần thứ 9/2016 tại công viên Lê Văn Tám gồm 710 gian hàng của gần 172 nhà xuất bản, công ty phát hành trong nước và 36 nhà xuất bản ngoài nước, với 300.000 tựa sách và hơn 30 triệu bản được trưng bày. Đã có hơn 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sách – 70% là người trẻ, giới thiệu đến bạn đọc 200.000 tựa sách hay với trên 2 triệu bản sách, đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng…

Nhưng trong Top 5 cuốn bán chạy nhất hội sách thì có 2 cuốn dạng ngôn tình: “Thương mấy cũng là người dưng” (Anh Khang), “Trên đường băng” (Tony Buổi Sáng), 1 cuốn dành cho thiếu nhi: “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” (Nguyễn Nhật Ánh), 2 cuốn khác thuộc dạng sách nhân vật và khám phá: “Madam Nhu Trần Lệ Xuân- Quyền lực bà rồng” (Monique Brinson Demery), “Nhà giả kim” (Paulo Coelho).

Gần nhất là 5 sách bán chạy trong tuần 10-16/4/2017 của Vinabook, có 3 cuốn ngôn tình thậm chí còn được tái bản: “Mình sinh ra đâu phải để buồn” (Iris Cao), “Thương được cứ thương” (tái bản 2017-Hồng Hải), “Vẽ em bằng màu nỗi nhớ” (tái bản 2017-Tâm Phạm).

Có một thực tế trong thời gian qua, lực lượng tác giả trẻ là “hot boy, hot girl” cũng ào ạt đổ bộ vào làng sách tạo nên một sự chuyển động mới cho thị trường xuất bản. Sách của họ bán chạy, dù thành công về doanh số, không ít người băn khoăn liệu chất lượng của những cuốn sách bán chạy này có thực sự tương xứng?

Trong khi các sách văn học của các tác giả nổi tiếng, cho dù giảm giá rất thấp, vẫn rất ít người mua. Các loại sách nghiên cứu hay chuyên đề khác trở nên loại sách xa xỉ, chỉ có rất ít người quan tâm thuộc lĩnh vực này tìm đến và mua, nhưng rất hạn chế vì giá tiền lại không “mềm”.

Thư viện ở Việt Nam vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được giám sát quá kỹ càng. Triển lãm sách quý chỉ diễn ra ở vài quán cà phê sách nhỏ. Các hiệu sách cũ thường nằm ở nơi ngõ hẻm đường vòng. Thông tin về sách mới thì ít ỏi hoặc theo kiểu truyền miệng… Tất cả chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông.

Sách bán chạy ở ta thường là sách mang tính chất giải trí thông thường, ít có giá trị tinh thần hoặc cung cấp cho người đọc kiến thức. Các sách có giá trị, đạt giải thưởng quốc tế thì bị xếp xó, tồn kho và phải bán giảm giá để thanh lý, khiến không ít nhà xuất bản lao đao và dần dà phải chấp nhận chạy theo dòng sách giải trí phục vụ nhu cầu của đa số độc giả nhằm đảm bảo độ an toàn trong kinh doanh.

Những điều này khiến cho văn hóa đọc của Việt Nam khó được định hình, nếu có thì cũng mới chỉ là một nền văn hóa đọc giải trí và bình dân, và chỉ là bề nổi chưa thực chất đi sâu “văn hóa đọc”./.

Theo VOV


Lượt xem: 42

Trả lời