Y tế toàn cầu đối mặt với thách thức ngay từ đầu năm

Cập nhật 05/1/2023, 06:01:49

Ngay từ những ngày đầu của năm 2023, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Nhiều quốc gia trên thế giới vừa trải qua kỳ nghỉ lễ mừng năm mới 2023 hoàn toàn không còn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, Trung Quốc cũng không còn áp dụng chính sách Zero COVID và từ ngày 8/1 tới đây, nước này sẽ bước đầu mở cửa biên giới sau gần ba năm. Thế giới đã chuyển sang thời kỳ sống chung an toàn với COVID-19.

Giống như nhiều cơ sở y tế khác tại Trung Quốc, Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Y Trùng Khánh ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 4 đến 5 lần trong những ngày gần đây, trong đó phần lớn là người dương tính với SARS-CoV-2. Khoa cấp cứu của bệnh viện có 145 giường chăm sóc đặc biệt thì nay đã kín chỗ, chủ yếu là các ca COVID-19 nặng. Sự gia tăng số ca nhiễm trên toàn quốc cũng dẫn đến nguy cơ khan hiếm thuốc điều trị COVID.

Ông Lu Wei – Phó Giám đốc, Trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng Phố Huayang, Thượng Hải: “Chúng tôi không có quá nhiều thuốc nên phải cân nhắc các chỉ định của bệnh nhân khi sử dụng thuốc. Chúng tôi chủ yếu sử dụng thuốc điều trị COVID cho bệnh nhân trên 65 tuổi, những người có các triệu chứng có xu hướng chuyển nặng”.

Y tế toàn cầu đối mặt với thách thức ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Cũng trong tình trạng quá tải là các bệnh viện ở nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức. Các chuyên gia y tế nhận định rằng thời tiết mùa đông lạnh giá tại Bắc bán cầu cũng là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp.

TS. Michael Head – Đại học Southampton, Anh cho biết: “Số ca nhập viện do COVID-19 đang gia tăng và tình hình có thể xấu hơn trong suốt tháng 1 và tháng 2. Vì vậy, đây có thể là một mùa đông khó khăn đối với ngành y tế, không chỉ là COVID mà còn với các ca bệnh cúm, vốn cũng tăng khá cao vào thời điểm này trong năm”.

Dù vậy, các nhà khoa học cũng lạc quan một cách cẩn trọng về việc kiểm soát COVID-19. Nhiều người cho rằng thế giới đang tiệm cận với việc COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, dựa theo hệ số lây nhiễm cơ bản R, nghĩa là số ca nhiễm mới dự kiến từ một ca nhiễm ban đầu.

GS. Annelies Wilder-Smith – Trường vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London, Anh: “Hệ số lây nhiễm R mà chúng ta vẫn thường nhắc đến giờ chỉ ở quanh mức 1 và đôi lúc còn dưới 1. Có thể ở một vài nơi thì hệ số này lớn hơn 1, nhưng nhìn chung thời điểm hiện nay, hệ số này ở mức ổn định nhất từ đầu đại dịch”.

Y tế toàn cầu đối mặt với thách thức ngay từ đầu năm - Ảnh 2.

Bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc hoặc có chỗ cho sự chủ quan. Các chuyên gia y tế tin rằng hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn rất nặng nề khi có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người từng mắc COVID-19 dễ mắc nhiều bệnh khác, không chỉ là tổn thương phổi”.

Như vậy, mặc dù dịch bệnh COVID-19 có thể coi là đã qua đỉnh và dần ổn định, nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo mọi người không nên chủ quan.

Ông Cole Beeler – Giám đốc Y tế phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Indiana, Mỹ khuyến cáo: “Trong năm 2023, để bảo vệ bản thân khỏi virus đường hô hấp, điều tốt nhất bạn có thể làm là tránh tiếp xúc gần với nhóm đông người. Hiển nhiên bạn nên tránh những người mà bạn biết là bị nhiễm bệnh. Nếu bạn cần phải ra chỗ đông người hoặc nếu bạn có nguy cơ nhiễm virus cao hơn, thì đeo khẩu trang là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất.

Ngoài ra, việc tiêm vaccine cho các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, không chỉ là cúm và COVID-19 mà còn cả viêm phổi, cũng là điều cần làm. Rửa tay thường xuyên, đảm bảo rằng bạn đang giữ gìn vệ sinh tốt và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng. Cuối cùng, nếu bạn nhiễm bệnh, bạn có thể bảo vệ những người xung quanh mình bằng cách ở nhà”.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời