Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc

Cập nhật 20/9/2022, 13:09:34

Thành quả hợp tác với LHQ đã đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội và là nguồn hỗ trợ quan trọng cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Phát triển con người được xem là một trong những hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc thời gian qua.

Cách đây đúng 45 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc. Trên chặng đường 45 năm, mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc được coi là một trong những ví dụ điển hình về hợp tác phát triển, được cộng cồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, phát triển con người được xem là một trong những hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc thời gian qua.

Tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân trên thế giới phải đối mặt. Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, hai bên cũng đã ký kết Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021. Với sự đồng hành của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đạt được những bước đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân trong nước.

Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc - Ảnh 1.

Trong suốt 45 năm, thành quả hợp tác với Liên Hợp Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội và là nguồn hỗ trợ quan trọng cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Ngược lại, Việt Nam cũng tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế. Đây cũng là nhận định của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2017 – 2022) nhìn nhận: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc xóa đói giảm nghèo, tình trạng nghèo cùng cực đã giảm đáng kể. Việt Nam cũng là nước tiên phong trong việc thúc đẩy giảm nghèo đa chiều. Một bước tiến mà Việt Nam được đặc biệt đánh giá cao đó là nâng ngưỡng nghèo đa chiều, tiêu chí thu nhập đã tăng gấp đôi”.

Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc - Ảnh 2.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc xóa đói giảm nghèo

Ông Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt (nhiệm kỳ 2017 – 2022): “Nhờ vào chính sách BHYT, người dân có thể tiếp cận hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, góp phần cải thiện sức khỏe toàn dân. Mục tiêu 100% dân số nằm trong diện bao phủ của BHYT vào năm 2030 là mục tiêu tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi với Việt Nam”.

Giáo sư Jonathan Pincus – Cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP): “So với các quốc gia có thu nhập trung bình thì chỉ số phát triển con người của Việt Nam có bước tăng trưởng rất ấn tượng, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch. Việc triển khai nhanh chóng tiêm vaccine và chính sách linh hoạt của Chính phủ đã giúp cuộc sống trở lại bình thường. Vì thế, việc giá trị HDI không thay đổi so với 2019 thực chất đã là một nỗ lực của Việt Nam”.

Theo VTV


Lượt xem: 2

Trả lời