Úp mở số phận thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cuộc chiến “tâm lý” giữa 2 bên?

Cập nhật 26/5/2018, 21:05:20

Việc “úp mở” số phận cuộc gặp “lịch sử” dường như đang là những bước đi thăm dò lẫn nhau đến từ 2 cả phía Mỹ và Triều Tiên.

Dư luận quốc tế hai ngày nay đổ dồn mọi sự chú ý cho “số phận” của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, khi mà chỉ một ngày sau khi thông báo hủy, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 lại để ngỏ khả năng tiến hành cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đúng kế hoạch ban đầu, tức ngày 12/6 tới tại Singapore.

up mo so phan thuong dinh my trieu cuoc chien tam ly giua 2 ben hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 lại để ngỏ khả năng tiến hành cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.

Việc “úp mở” số phận cuộc gặp “lịch sử” dường như đang là những bước đi thăm dò lẫn nhau đến từ cả 2 phía và Mỹ đang muốn gây áp lực “tối đa” lên Triều Tiên trước khi cuộc gặp “lịch sử” này diễn ra (nếu có thể).

Trên trang mạng Twitter cá nhân vào tối 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nước này đang có các cuộc đàm phán “rất hiệu quả” với phía Triều Tiên về việc khôi phục lại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều và nhiều khả năng cuộc gặp này vẫn sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.

Thông tin trên không gây bất ngờ với dư luận, bởi trước đó cùng ngày, trên đường tới Học viện Hải quân Mỹ ở bang Maryland, ông Donald Trump cũng đã để ngỏ khả năng cuộc gặp này sẽ diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu.

Vậy điều gì đã khiến ông Trump thay đổi quyết định hủy cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên mà chính ông đưa ra trước đó một ngày. Trả lời báo giới, Tổng thống Mỹ cho biết, các đường dây liên lạc đã từng được mở giữa Mỹ và Triều Tiên song phía Triều Tiên không có hồi âm, dẫn tới việc Mỹ quyết định hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, việc thông báo hủy bằng cách gửi thư rất “lịch sự” thay vì chỉ thường thông báo trên Twitter cá nhân, đi kèm với mong muốn cuộc gặp có thể diễn ra sau đó, Tổng thống Mỹ đã nhận được phản ứng khá tích cực từ phía Triều Tiên, rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Washington bất cứ lúc nào. Bản thân ông Donald Trump thừa nhận, phản ứng của Triều Tiên đối với quyết định hủy gặp của Mỹ là cách hành xử “nồng ấm và đầy tính xây dựng”.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện tại, số phận cuộc gặp này sẽ ra sao thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác, với thời gian và địa điểm được cả 2 nước xác nhận.

Việc “úp mở” về số phận cuộc gặp thượng định Mỹ – Triều đã được giới chuyên gia phân tích đưa ra trên các trang báo quốc tế sáng nay. Hãng tin Reuters của Anh cho rằng, đây vẫn là chiến thuật “gây áp lực tối đa” lên phía Triều Tiên của vị Tổng thống Mỹ – chiến thuật mà ông Trăm từng nêu ra cách đây 1 năm.

Nhận định này được đánh giá là hoàn toàn “dễ hiểu” khi ngay sau tuyên bố hủy cuộc gặp, ông Trump đã cảnh báo Triều Tiên rằng “quân đội mạnh nhất thế giới” luôn sẵn sàng để đối phó với cách hành động “liều lĩnh” từ Triều Tiên. Trong khi đó, truyền thông Mỹ hôm 25/5 cũng đưa tin, Hội đồng An ninh Quốc gia nước này đã thảo luận  về các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Triều Tiên, cũng như lựa chọn quân sự và nhiều biện pháp khác. Hãng tin APA của Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp đặt hàng chục biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên và những biện pháp này có thể có hiệu lực vào đầu tuần tới.

Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ tại khu vực lâu nay vẫn luôn ủng hộ chiến dịch “gây áp lực tối đa” này của Mỹ dành cho Triều Tiên. Đến ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn cho rằng, Triều Tiên cần phải thực hiện một số bước đi tích cực trước khi có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nước.

“Nếu Triều Tiên tuân thủ các Nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc và thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Thêm vào đó là việc thả tự do cho các công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Nhật Bản lúc bấy giờ mới có thể xúc tiến mối quan hệ hợp tác với Triều Tiên”.

Do vậy, việc hủy và để ngỏ khả năng khôi phục thượng định Mỹ – Triều đang được giới chuyên gia nhận định là một cuộc chiến tâm lý “gây áp lực tối đa” lên phía Triều Tiên của chính quyền Mỹ và lực lượng đồng minh, nhằm chiếm được lợi thế trong đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, thế giới vẫn có quyền để hi vọng, những nỗ lực khôi phục cuộc gặp thượng đỉnh “lịch sử” này đến từ “thiện chí” của hai quốc gia – vốn đang mong muốn có được hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên./.

Theo VOV


Lượt xem: 18

Trả lời