Tuyển thêm thành viên, NATO kiềm tỏa Nga trên Địa Trung Hải

Cập nhật 07/12/2015, 05:12:00

Lời mời Montenegro gia nhập đúng thời điểm nhạy cảm trong quan hệ với Nga ẩn chứa những tính toán chiến lược của lãnh đạo khối quân sự NATO.

tuyen-them-thanh-vien-nato-kiem-toa-nga-tren-dia-trung-hai

Tổng thống Montenegro Filip Vujanovic (trái) bắt tay Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Ảnh: NATO

Tại cuộc họp giữa 28 ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 2/12, các thành viên đã nhất trí thông qua việc mời Montenegro chính thức trở thành một thành viên của khối, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Nga.

Các chuyên gia phân tích đánh giá rằng ý định kết nạp Montenegro đã được khởi động từ lâu, tuy nhiên các lãnh đạo NATO đã lựa chọn đúng thời điểm nhạy cảm trong quan hệ với Nga để đưa ra lời mời, nhằm phục vụ nhiều mục đích chiến lược, theo TV5.

Theo chuyên gia Francois Geré, giáo sư chính trị tại Đại học Sorbone Pháp, mục tiêu đầu tiên của NATO khi mời Montenegro gia nhập là để trấn an Thổ Nhĩ Kỳ. Dù tỏ ra hờ hững với Thổ  Nhĩ Kỳ sau vụ nước này bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga, Mỹ và phương Tây không thể để quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Trung Đông này trượt khỏi quỹ đạo của NATO. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng đến uy tín của khối.

Mỹ và NATO không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột nguy hiểm với Nga trong thời điểm hiện tại, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quân bài chiến lược mà Mỹ không thể hoàn toàn buông tay vào lúc này.

Ông Camile Grand, giám đốc quỹ Nghiên  cứu chiến lược Pháp nhận định cách  hành xử của lãnh đạo Mỹ sau vụ việc đã chứng tỏ điều này. Sau khi Nga đưa ra các bằng chứng chứng minh chiếc Su-24 bị bắn hạ trên không phận Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức hàng đầu của Mỹ không hề có lời lẽ gay gắt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Thay vào đó, những lời "lên án" Ankara đều được phát đi từ các tướng lĩnh trung cấp trong quân đội và các chuyên gia phân tích quân sự. Đây được cho là một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga nhưng không làm mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ, và qua đó thể hiện sự trung lập của Mỹ trong các mâu thuẫn quốc tế.

Trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Paris, ông Obama tiếp tục có động thái trấn an đồng minh khi bày tỏ sự ủng hộ hành động "bảo vệ không phận" của Ankara, đồng thời kêu gọi Tổng thống Erdogan giảm căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Theo ông Grand, đề xuất kết nạp Montenegro tại thời điểm này có thể giúp NATO trấn an được lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về quyết tâm bảo vệ các thành viên cũng như tham vọng mở rộng và tăng cường sức mạnh của khối phòng thủ quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Ông Jean François Daguzan, phó giám đốc quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, nhận định rằng quá trình xem xét kết nạp Montenegro được đẩy nhanh sau khi Nga tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự tại Syria.

"Thời điểm NATO đưa ra quyết định có tác dụng trấn an tâm lý và niềm tin của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tổ chức phòng thủ quân sự lớn mà mình là một trong những thành viên sáng lập", ông Daguzan nhận định.

tuyen-them-thanh-vien-nato-kiem-toa-nga-tren-dia-trung-hai-1

Lời mời Montenegro gia nhập NATO được đưa ra không lâu sau khi F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 Nga. Ảnh: F-16.net

Đánh vào tham vọng Địa Trung Hải của Nga

Khi Nga quyết định can thiệp vào Syria, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế đã nhận định mục tiêu của Nga không chỉ dừng lại việc tiêu diệt phiến quân IS. Một khi ổn định được tình hình Syria, mục tiêu chiến lược của Nga chính là Địa Trung Hải rộng lớn.

Theo ông Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria của Viện quan hệ quốc tế Pháp, Mỹ sẽ không thể để Nga chiếm ưu thế tại vùng biển chiến lược này. Khi Mỹ dường như đã thất bại trong việc lật đổ Tổng thống Assad, hạn chế ảnh hưởng của Nga tại Syria, việc nhanh chóng kết nạp  Montenegro, quốc gia nằm ở bờ bắc Địa Trung Hải, vào NATO là một động thái khả dĩ nhằm thể hiện Mỹ sẵn sàng triển khai các biện pháp hạn chế tham vọng của Nga tại vùng biển này.

Ông Ilter Turan, giáo sư  chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học     Istanbul đánh giá rằng việc Montenegro gia nhập NATO là bước đầu trong quá trình hội nhập và có vai trò rất quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của quốc gia này tại Địa Trung Hải. Sau khi gia nhập NATO, chắc chắn các chính sách của Montenegro sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tăng cường sự hiện diện của Nga tại vùng biển quan trọng này.

"Việc mời Montenegro gia nhập NATO là một cú đánh giáng mạnh vào tham vọng Địa Trung Hải của Nga, và quyết định này sẽ giúp Montenegro định hình lại vị thế của mình trên trường quốc tế ", ông Turan nhấn mạnh.

Ilhan Uzgel, giáo sư trường Đại học Ankara, cho rằng Nga chắc chắn sẽ tìm mọi cách đề ngăn chặn điều này xảy ra. Biện pháp đầu tiên Kremlin triển khai là các đòn trừng phạt kinh tế, được đánh giá tại thời điểm này là khá miễn cưỡng, trong bối cảnh nền kinh tế Nga không mấy sáng sủa.

RIA dẫn lời một thượng nghị sĩ Nga ngày 2/12 cho biết, Nga sẽ chấm dứt mọi dự án chung với Montenegro nếu quốc gia này gia nhập NATO. 

Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục gặp khó khăn trong hai năm gần đây bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, cộng với những thiệt hại phát sinh ngược khi Nga đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, việc chấm dứt các hoạt động kinh tế với Montenegro tiếp tục là một gánh nặng gây thêm áp lực cho nền kinh tế Nga. Và đây là điều Mỹ và phương Tây trông đợi, khi nó buộc Nga phải xem xét lại các chính sách can thiệp quân sự của mình trong thời gian qua.

"Khi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Nga sẽ buộc phải xem xét lại chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria, và buộc phải điều chỉnh theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và phương Tây", ông Uzgel bày tỏ.

"Động thái mời Montenegro gia nhập NATO là một nước cờ chiến thuật hữu hiệu của phương Tây nhằm gia tăng sức ép lên Nga mà không cần tốn nhiều chi phí cho các hoạt động can thiệp quân sự như Nga đang triển khai", ông Balanche nhấn mạnh.

tuyen-them-thanh-vien-nato-kiem-toa-nga-tren-dia-trung-hai-2

Vị trí của Montenegro bên bờ Địa Trung Hải. Đồ họa: Wikimedia

Theo VNEXpress


Lượt xem: 27

Trả lời