Trung Quốc phản đòn Nhật-Mỹ, tạo cơn “ác mộng” với Nga

Cập nhật 10/6/2016, 13:06:06

Lúc 0h50 sáng 9/6, tàu Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào khu vực nội thủy thuộc quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư).

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là hành vi khiêu khích quá đáng, không thể chấp nhận được.

 

trung quoc phan don nhat-my, tao con "ac mong" voi nga hinh 0
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, nơi tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng nội thủ của Nhật Bản. Ảnh AP

 

Nhật Bản phản đối quyết liệt

Tàu của Trung Quốc đã lưu lại tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư khoảng 2 giờ đồng hồ. Theo nguồn tin của một quan chức chính phủ thì đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đi vào khu vực nội thủy của Nhật Bản.

Do đó, Nhật Bản đã phản ứng mạnh trước hành vi của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản ngay trong đêm đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối.

 
 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã xác nhận rằng từ đêm 8/6, 3 tàu của Nga cũng đi vào khu vực tiếp giáp với khu vực nội thủy của Nhật Bản.

Dư luận cho rằng đây là một nguy cơ đe dọa mới đối với an ninh Nhật Bản, và thể hiện Trung Quốc đang “bất chấp tất cả” mở rộng hoạt động phi pháp tại Biển Đông và Hoa Đông.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga cho biết rằng Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ hành vi của Trung Quốc và điều đầu tiên sẽ có những biện pháp thích hợp thông qua Bộ Ngoại giao để chặn hành vi trên của Trung Quốc.

Ông Suga nhấn mạnh, đây là hành vi đơn phương gây căng thẳng thêm cho an ninh khu vực. Nhật Bản quan ngại sâu sắc hành vi này của Trung Quốc, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hành vi của Trung Quốc.

Chánh văn phòng Nội các cũng cho rằng Nhật Bản đang mong chờ một câu trả lời chính xác về ý đồ của Trung Quốc thông qua hành vi này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố rằng sẽ phản luận Nhật Bản về sự phản đối và cho rằng Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Tung Quốc, vậy nên không có lý gì mà tàu Trung Quốc không có quyền đi lại tại khu vực lãnh thổ của mình, đó là hành vi hợp pháp.

Các đảng đối lập Nhật Bản bày tỏ sự lo lắng đối với hành vi của Trung Quốc và cho rằng đây là sự đe dọa mới đối với nền an ninh Nhật Bản và yêu cầu Chính phủ Nhật Bản nỗ lực hơn trong việc cảnh giới, liên kết chặt chẽ với các nước liên quan, tránh nguy cơ căng thẳng.

Đảng Cộng sản Nhật bản nhấn mạnh: “Việc các tàu của Trung Quốc xâm nhập vào vùng nội thủy của Nhật Bản là vấn đề vô cùng trọng đại bởi nó không chỉ làm gia tăng căng thẳng mang tính quân sự mà còn đi ngược lại với biện pháp giải quyết hòa bình”.

Trước hành vi này của Trung Quốc, Nhật Bản đã thiết lập Phòng thông tin liên lạc thuộc Trung tâm quản lý nguy cơ của Văn phòng Nội các. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã chỉ đạo tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa bên liên quan đặc biệt là Mỹ, theo dõi sát hành động của Trung Quốc.

Phản đòn Nhật-Mỹ

Chính phủ Nhật Bản cũng phân tích thêm khả năng liên kết giữa việc tàu Nga xâm nhập vùng nội thủy cùng thời gian với tàu Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc lần này là gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Ban Gen Nakatani nhấn mạnh rằng đây là một phép thử của Trung Quốc đối với sự kiên nhẫn của Nhật Bản trong việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận đang theo xu hướng giải quyết xung đột một cách hòa bình tránh làm leo thang xung đột.

Bộ trưởng Gen Nakatani cũng cho rằng, việc tàu Nga xâm nhập đồng thời vào vùng nội thủy Nhật Bản có khả năng là để đối phó với tàu của Nga.

Theo Luật lãnh hải được thực hiện từ năm 1977, vùng Biển Nhật Bản được mở rộng từ phạm vi 3 hải lý (khoảng 5-6km) tới 12 hải lý (khoảng 22km). Vùng nội thủy được thiết lập trong phạm vi của 22km ngoài vùng lãnh hải của Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản có quyền vận dùng Luật pháp trong nước để quản lý việc ra vào, thông quan tàu thuyền hoạt động trong khu vực nội thủy.

Lần này, Trung Quốc đã dùng loại tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất mang tên Jiangkai 1 xâm nhập nội thủy Nhật Bản. Tàu nàu có chiều dài 132m, trọng tải 3963 tấn. Hiện Trung Quốc đang sở hữu 2 chiếc tàu loại này.

Tuy Trung Quốc vẫn chủ trương không vi phạm lãnh thổ người khác mà chỉ “rong chơi” trên khu vực nhà mình. Nhưng việc lần này lại “hiên ngang” xâm nhập nội thủy của Nhật Bản được coi là hành động làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài ra Trung Quốc còn có mục đích “chọc tức” Nhật-Mỹ, phản đòn muốn kiềm chế hai nước này gia tăng gây áp lực Trung Quốc đang mở rộng quân sự hóa tại Biển Đông.

Xung quanh vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tiến hành cuối tháng 5 vừa qua tại Ise Shima, Nhật Bản, các nước G7 đã tỏ ý lo ngại về hành vi Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông.

Trong Tuyên bố chung, các nước G7 cũng đã nhất trí sẽ thực hiện các biện pháp liên quan tới trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của Luật quốc tế được phản ánh cụ thể trong UNCLOS, tôn trọng tự do hàng hải, tự do không phận, giải quyết các phân tranh bằng biện pháp hòa bình.

Các nước G7 cũng tái xác nhận lại rằng các quốc gia phải thực hiện theo luật pháp quốc tế, kiềm chế hành động đơn phương gây căng thẳng, không sử uy hiếp, sử dụng vũ lực để thực hiện mục đích, phải giải quyết các vấn đề phân tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua các hình thức pháp lý bao gồm cả Tòa án.

Đồng thời, các nước G7 đã tỏ ý lo ngại tình hình tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về an ninh Biển.

Mặt khác Tòa án cũng sẽ phán quyết vụ kiện của Philipines. Trước tình thế đó, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào tình thế bất lợi từ ngoài vào, trong đó “vòng vây” do Nhật và Mỹ “siết” cũng là yếu tố để Tòa án tự tin hơn khi mạnh tay với Trung Quốc.

Đây cũng là hành động thể hiện sự quyết liệt  của Trung Quốc khi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đã nhắc khéo Nhật Bản rằng nếu Nhật Bản liên kết với Mỹ trong vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không ngồi yên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe, Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản đã họp khẩn cấp chỉ đạo việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh Mỹ nhằm ngăn chặn hành động của Trung Quốc. 

Và Mỹ cũng đã thể hiện  sự ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Nhật Bản. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Mỹ rất lo ngại về hành vi của Trung Quốc khi nhận được bản báo cáo từ Nhật Bản và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản. 

“Ác mộng” đối với Nga

Theo phân tích của các chuyên gia, việc xâm nhập vùng nội thủy Nhật Bản của Trung Quốc lần này được xem là sự kiềm chế mang tính quân sự của Trung Quốc đối với Nhật-Mỹ.

Việc đồng thời tàu Nga cũng xâm nhập vào khu vực này, theo các chuyên gia Trung Quốc là thể hiện sự đối kháng với các nước G7, “song đấu” cùng Nga trong vấn đề chung mà hai bên cùng chí hướng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nhật Bản thì việc này không liên quan đến Nga như Trung Quốc nói, mà có thể chính Nga cũng đang muốn ngăn Trung Quốc.

Những năm gần đây, Nga một mặt tăng cường quan hệ với hải quân Trung Quốc, một mặt cũng “cảnh giác” với việc Trung Quốc mở rộng hoạt động ra Thái Bình Dương.

Tuy quan hệ hai nước trên phương diện nào đó được gọi là “Trăng mật Trung-Nga” bởi Trung Quốc có tiếng nói ủng hộ Nga xoay quanh vấn đề Ucraine. Nhưng với vấn đề lãnh hải ở khu vực cực Bắc, Nga cũng cảm thấy chính mình cũng đang bị đe dọa.

Tháng 7/2013, Nga-Trung đã tiến hành một cuộc diễn tập hải quân chung tại khu vực  gần Biển Nhật Bản, khiến Nhật Bản hết sức lo ngại. Nhưng khi cuộc tập trận chung vừa kết thúc, tàu của Trung Quốc lập tức xâm nhập vùng Biển Okhotsk- có tổng diện tích 50.000km2 được coi là vùng biển quốc tế đã được chuyển cho Nga, theo quyết định của Liên Hiệp Quốc. Vùng thềm lục địa của Biển Okhotsk rất giàu tài nguyên, đặc biệt dầu mỏ và khí đốt.

Ngay lập tức thời điểm đó, Nga đã tuyên bố rằng việc xâm nhập vào vùng Biển Okhotsk là “thánh địa” của Nga là hoàn toàn không được phép.

Hiện tại Trung Quốc không chỉ tăng cường quân sự hóa tại Biển Đông mà đang dồn mắt cả về Hoa Đông, cho thuyền do thám khu vực Biển tiếp giáp với Nga, khiến cho Nga “căng thẳng thần kinh”. Việc Trung Quốc mở rộng ra Biển cả phía Nam, phía bắc cũng đã trở thành “cơn ác mộng” đối với Nga.

Hiểu rõ nội tình, việc Nga đồng thời cùng lúc cho tàu vào khu vực Senkaku/Điếu Ngư đã không làm cho Nhật Bản tức giận, bởi Nhật Bản cũng nhận định rằng “có khả năng để đối phó với tàu Trung Quốc”.

Nhật Bản hiểu rõ Trung Quốc muốn gì tiếp theo. Và có lẽ việc xâm nhập vào vùng nội thủy của Nhật Bản tuy là lần đầu, nhưng khiến Nhật Bản vô cùng tức giận, bởi sự việc đã vượt quá ngưỡng./.

VOV


Lượt xem: 19

Trả lời