Trung Quốc chưa hết lo lắng sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cập nhật 15/6/2018, 09:06:11

Được cho là “thắng lớn” dù không trực tiếp có mặt trong “ván bài” Thượng đỉnh Mỹ-Triều song Trung Quốc vẫn khó “ăn ngon, ngủ yên”.

Trung Quốc muốn gì từ Thượng đỉnh Mỹ – Triều? Đó không chỉ là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà quan trọng hơn là các lực lượng quân sự nước ngoài ở Đông Bắc Á giảm bớt và khoảng cách giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác của Washington ở khu vực này nới rộng ra.

trung quoc chua het lo lang sau thuong dinh my trieu hinh 1
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly trong cuộc gặp hồi tháng 3/2018. (Ảnh: KCNA)

“Bắc Kinh hiện giờ đang trên đường đạt được những mục tiêu đó nhưng với một cái giá nho nhỏ” – Ryan Hass, cố vấn về chính sách đối với Trung Quốc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định trên National Post.

Mỹ có rút khỏi Hàn Quốc thì cục diện quân sự ở châu Á vẫn không đổi

Theo South China Morning Post, còn quá sớm để Bắc Kinh an tâm với việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên như lời ông Trump đã nói. Và kể cả nếu Mỹ ngừng tập trận, rút quân khỏi Hàn Quốc thì khả năng Mỹ thay đổi cơ chế an ninh của nước này ở Đông Bắc Á là rất thấp.

“Cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản vẫn còn đó” – Leonard Edwards, cựu Đại sứ Canada tại Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ rõ. “Liệu Mỹ có giảm bớt sự hiện diện quân sự ở châu Á nói chung như là một phần của động thái rút quân chiến lược hay không? Ít nhất hiện nay điều này dường như chưa có khả năng”.

Watanabe, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Sasakawa của Nhật Bản thì cho rằng, một trong những ưu tiên chiến lược của Mỹ ở châu Á vẫn là ngăn cản sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông nói: “Thực tế, Mỹ quan ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc hơn là vấn đề Triều Tiên”.

Cũng tại Singapore, chỉ 1 tuần trước Thượng đỉnh Mỹ – Triều, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố thẳng thừng ở diễn đàn quốc phòng Đối thoại Shangri-La rằng Mỹ đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là để ở lại đây”.

“Sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên có thể có nghĩa là Mỹ thoải mái theo đuổi sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hơn bây giờ” – Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học Freie ở Berlin, Đức, nhận định. Theo ông, quân đội Mỹ sẽ không đơn giản là đóng gói đồ đạc trở về nhà như ông Trump tuyên bố.

Trung Quốc lo để “vuột mất” Triều Tiên

Trong khi việc Mỹ đình chỉ tập trận với Hàn Quốc và rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên chưa chắc khiến Trung Quốc an toàn hơn thì Bắc Kinh lại lo lắng rằng động thái này sẽ dẫn tới việc quan hệ Mỹ – Triều được cài đặt lại.

“Tôi nghĩ bất cứ sự cải thiện nào trong quan hệ song phương Mỹ – Triều Tiên cũng có thể được coi là một tổn thất đối với Trung Quốc”, Paul Haenle, cựu Giám đốc phụ trách về các vấn đề Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng 2 đời Tổng thống Obama và George W. Bush nhận định.

Theo ông Haenle, là nước chiến đấu với Mỹ nhân danh Triều Tiên trong Chiến tranh liên Triều 1950 – 1953, Bắc Kinh luôn muốn một nhà nước Triều Tiên ổn định và độc lập làm vùng đệm giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, nơi hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ đang đồn trú.

Nhưng một thỏa thuận hạt nhân và một hiệp ước hòa bình có thể tạo cơ sở để Mỹ và Hàn Quốc hướng tới việc bao bọc hoàn toàn cho Triều Tiên, cố gắng kéo Bình Nhưỡng vào quỹ đạo của 2 nước này, cũng có nghĩa là rời khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Vì thế, Trung Quốc luôn bị “giằng xé” giữa mong muốn Mỹ và Triều Tiên bắt tay chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng với việc giữ Triều Tiên không “rơi” vào tay Mỹ.

Trung – Triều: Mối quan hệ phức tạp hơn vẻ bên ngoài

Trung Quốc vốn là đồng minh lớn duy nhất và là nhà cung cấp năng lượng, viện trợ, là đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên, là “cứu tinh” cho nền kinh tế bị bao vây của nước này. Nhưng mối quan hệ đó đã bị ảnh hưởng ít nhiều khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc và đình chỉ nhập khẩu than và quặng sắt từ Triều Tiên.

Bình Nhưỡng, dù vô tình hay cố ý, cũng đã làm Bắc Kinh “mất măt” hồi năm ngoái khi lên kế hoạch thử tên lửa vào đúng lúc diễn ra các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Trung Quốc.

Chuyên gia Haenle cho rằng, Bắc Kinh hiểu rõ Bình Nhưỡng có thể cũng đang tìm cớ tạo khoảng cách với nước láng giềng hùng mạnh này, “để Trung Quốc không còn ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên như hiện nay”.

Theo Newsweek, thực tế việc Chủ tịch Tập Cận Bình “mời” nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại thăm Trung Quốc lần thứ hai, ngay trước hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên đã cho thấy Trung Quốc cũng “hồi hộp” lo âu về ý định thực sự của ông Kim Jong-un.

Ngay khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước ra khỏi chiếc máy bay mà Trung Quốc điều động để đưa ông tới Singapore, Bắc Kinh đã và sẽ luôn cảnh giác về việc duy trì ảnh hưởng với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể cảm thấy bớt bị cô lập hơn sau “cơn mưa” những lời tán dương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho ông Kim Jong-un.

Giới phân tích cho rằng ông Kim Jong-un sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua. Và khi đó, ông Tập Cận Bình sẽ nhắc nhở người đồng cấp Triều Tiên rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ nước này phát triển kinh tế.

Ngay sau khi Thượng đỉnh Mỹ – Triều kết thúc với kết quả đa phần có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã lập tức gợi ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Thực tế, “các hoạt động hợp tác kinh tế thông thường [giữa Trung Quốc và Triều Tiên – ND] đã được nối lại” – Lu Chao, chuyên gia Học viện Khoa học Xã hội Liaoning nhận định, song cũng cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tiếp cận thận trọng, không nhanh chóng thay đổi cơ chế trừng phạt Triều Tiên.

“Không có sự đồng ý của Mỹ trước, Trung Quốc sẽ không có những bước tiến trong việc dỡ bỏ trừng phạt vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ” – Giám đốc Trung tâm Bán đảo Triều Tiên tại Đại học Peking, ông Kim Dong-gil nhận định.

Chuyên gia về Đông Bắc Á của tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), ông Michael Kovrig cũng cho rằng Trung Quốc muốn thấy Triều Tiên thực sự cam kết “đóng băng” chương trình hạt nhân trước khi thay mặt Bình Nhưỡng vận động dỡ bỏ trừng phạt với nước này.

Trong lúc đó, “Trung Quốc sẽ tìm những cách không vi phạm các lệnh trừng phạt để giúp đỡ Triều Tiên” – ông Kovrig nói, ám chỉ những hỗ trợ nhân đạo của Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng./.

Theo VOV


Lượt xem: 31

Trả lời