Trọng tâm chính sách của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Cập nhật 10/12/2021, 06:12:34

Ông Olaf Scholz đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức, ông sẽ chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lớn thứ tư thế giới trong ít nhất 4 năm tới.

Một bó hoa từ tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz như lời cảm ơn dành tặng người tiền nhiệm Angela Merkel. Một sự chuyển giao lãnh đạo, chuyển giao thế hệ, đánh dấu kỷ nguyên mới của nước Đức chính thức bắt đầu.

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Trở thành Thủ tướng của nước Đức là một điều rất đặc biệt, đó là một thách thức lớn và tôi rất biết ơn vì đã được giao nhiệm vụ này. Xin cảm ơn bà Angela Merkel một lần nữa vì những gì đã làm cho nước Đức. Ngày hôm nay sẽ đánh dấu một khởi đầu tốt đẹp cho đất nước của chúng ta và tôi sẽ làm mọi thứ để hướng tới điều này”.

Ông Olaf Scholz năm nay 63 tuổi là chính trị gia quen thuộc với kinh nghiệm 20 năm trên chính trường Đức. Ông từng làm Tổng thư ký đảng SPD, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội, Thị trưởng thành phố Hamburg và gần đây nhất là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính liên bang.

Trong giai đoạn giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính vừa qua, ông đã rất thành công trong việc đề xuất áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp cũng như triển khai các gói hỗ trợ chưa từng có, giúp doanh nghiệp và người dân Đức vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trọng tâm chính sách của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh 1.

Ngay sau khi nhậm chức, nội các mới của Đức cũng đã được ra mắt. Chính phủ của ông Olaf Scholz sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh nước Đức vẫn đang phải vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19, số ca nhiễm tăng nhanh vào mùa đông trong khi vẫn còn hơn 18 triệu người Đức chưa tiêm vaccine.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Scholz cam kết tăng mức lương cơ bản, củng cố ngành công nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu. Ông cũng cam kết sẽ đặt châu Âu làm vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại, trong đó khẳng định tăng cường sức mạnh của Liên minh châu Âu trên trường quốc tế, với Đức là một phần quan trọng trong tiến trình này.

Ưu tiên cấp bách của tân Thủ tướng Đức là đẩy lùi đại dịch

Chính phủ mới cũng đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên nước Đức dưới sự chèo lái của bà Merkel. Trong 4 nhiệm kỳ qua, bà Merkel đã lãnh đạo cả nước Đức và châu Âu vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, đồng thời đưa Đức trở thành cường quốc hàng đầu. Giờ là lúc để ông Olaf Scholz thể hiện một hướng đi mới.

Trọng tâm chính sách của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh 2.

Ưu tiên cấp bách của tân Thủ tướng Đức vẫn là đẩy lùi đại dịch, đồng thời triển khai ý định bắt buộc tiêm chủng toàn dân. Bắt buộc tiêm chủng là chuyện rất nhạy cảm và dễ tạo phản ứng mạnh, đây sẽ là phép thử đầu tiên đối với ông Olaf Scholz trên cương vị Thủ tướng.

Về dài hạn, Chính phủ Đức đặt mục tiêu tái lập kỷ luật ngân sách (không để chi tiêu công vượt quá 0,35% GDP, sau 2 năm tạm treo quy định này do phải chi tiêu bất thường chống COVID), đồng thời vẫn tăng đầu tư hiện đại hóa ngành vận tải và thúc đẩy kỹ thuật số hóa. Các ưu tiên khác là tăng lương tối thiểu, từ mức 9,6 euro/tiếng làm việc hiện nay nâng lên mức 12 euro ngay trong năm sau, đóng cửa nhà máy điện nguyên tử cuối cùng trong năm sau và chấm dứt dùng than sản xuất điện từ năm 2030.

Về đối ngoại, tân Thủ tướng Đức mong muốn xây dựng một Liên minh châu Âu có chủ quyền hơn nữa, tức là tăng thêm thẩm quyền của các định chế châu Âu nhằm giảm lệ thuộc vào quyền phủ quyết của mỗi quốc gia thành viên, giống như điều mà Tổng thống Pháp cũng mong muốn. Có điều khác biệt là Tổng thống Pháp nhấn mạnh chủ quyền châu Âu về quân sự, trong khi Thủ tướng Đức thì hướng tới một Liên minh châu Âu có chủ quyền nhiều hơn trong các lĩnh vực dân sự như y tế, năng lượng và công nghệ. Điều này bao hàm ý tưởng xây dựng Liên minh châu Âu nhất thể hóa hơn nữa, tự chủ hơn nữa, không lệ thuộc vào quyết sách của các nước bên ngoài châu Âu, như Mỹ, Trung Quốc hay Nga.

Ngày 10/12, ông Olaf Scholz sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Pháp để thảo luận cùng Tổng thống Emmanuel Macron về hợp tác Pháp – Đức, phát triển châu Âu cũng như khả năng nối lại đàm phán theo cơ chế Bộ Tứ Normandy để hạ nhiệt căng thẳng với Nga, sau đó là chuyến đi tới Brussels để gặp các lãnh đạo châu Âu.

Theo VTV


Lượt xem: 14

Trả lời