Triều Tiên xúc tiến ngoại giao thể thao để tránh bị cô lập?

Cập nhật 09/2/2018, 09:02:56

Triều Tiên dường như có ý định nhân Thế vận hội Pyeongchang để giảm bớt sự cô lập ngoại giao và tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên hôm 8/2 tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân  tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, với sự có mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

trieu tien xuc tien ngoai giao the thao de tranh bi co lap hinh 1
Triều Tiên  tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Ảnh: The Hinhu.

Tuy nhiên, lễ diễu binh năm nay không hoành tráng như dự kiến, có quy mô nhỏ hơn các lần trước, chỉ kéo dài khoảng 90 phút và không được truyền hình trực tiếp. Giới quan sát cho rằng, đây là nỗ lực của Triều Tiên nhằm ngăn không cho buổi lễ trở thành tâm điểm chú ý, phủ bóng lên Thế vận hội mùa Đông khai mạc tại nước láng giềng Hàn Quốc ngày 9/2.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên tổ chức diễu binh kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân vào ngày 8/2, thay vì ngày 25/4 như trước đây. Khoảng 13.000 binh sĩ được huy động tham gia sự kiện trọng đại này.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh: “Chúng ta nên phát triển nội dung, hình thức và phương pháp huấn luyện một cách sáng tạo để đáp ứng nhu cầu và tình hình thời chiến hiện đại. Chúng ta không chỉ nên dừng lại ở các cuộc diễn tập tương tự như một cuộc chiến thực sự.

Với tình hình hiện tại, quân đội của chúng ta phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị chiến đấu. Do đó, chúng ta không được cho phép để những kẻ xâm lược nhạo báng nhân phẩm hay xâm phạm chủ quyền của chúng ta dù chỉ 0,001mm”.

Một điểm đáng chú ý là lễ diễu binh năm nay của Triều Tiên không được phát sóng trực tiếp và truyền thông quốc tế không được mời tham dự. Chi tiết về các loại vũ khí trong cuộc diễu binh cũng không được công bố.

Điều này đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng lý do chính khiến Triều Tiên không muốn làm rầm rộ sự kiện lần này cũng là vì Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang khai mạc tại nước láng giềng Hàn Quốc chỉ 1 ngày sau đó. Và liệu đây có phải là thiện chí của Bình Nhưỡng để giữ bầu không khí hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vốn vừa mới được “nhen nhóm” từ việc Triều Tiên quyết định tham gia sự kiện thể thao tầm cỡ này.

Mặc dù trước đó, giới truyền thông Triều Tiên vẫn khẳng định, cuộc diễu binh đã được lên kế hoạch từ trước và không liên quan đến Thế Vận hội Olympic mùa Đông. Dẫu vậy, trong khi cả thế giới hướng mắt về bán đảo Triều Tiên để chờ xem Triều Tiên kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân của mình hoành tráng như thế nào thì trên thực tế nước này lại chọn cách tiến hành sự kiện trọng đại của mình một cách lặng lẽ, khác thường lệ.

Vì vậy, cũng không phải là không có cơ sở khi giới chuyên gia nhận định rằng, Triều Tiên dường như có ý định tận dụng Thế vận hội Pyeongchang để giảm bớt sự cô lập ngoại giao và tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Hiện vẫn còn quá sớm để nói về kết quả đột phá hay triển vọng lâu dài trong cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên từ việc Bình Nhưỡng bất ngờ “xuống thang”, đi vào hòa dịu với Seoul, sử dụng thể thao làm cầu nối. Và cũng có thể việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc không tác động nhiều đến nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.

Thậm chí nhiều nhà quan sát còn cho rằng, Triều Tiên đang đi nước cờ mới khi tranh thủ sự kiện thể thao toàn cầu để gây thiện cảm với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Nhưng dẫu sao, một mặt cũng không thể phủ nhận, hành động xúc tiến ngoại giao thể thao đang là điểm sáng, tín hiệu đáng mừng hiếm hoi từ phía Triều Tiên.

Việc nước này phối hợp tích cực cùng Hàn Quốc trong công tác chuẩn bị cho Thế vận hội rất được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng thúc đẩy các cuộc đàm phán hóa giải những bất đồng giữa hai miền Triều Tiên, đúng như những gì một số chuyên gia nhận định: Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang – “cơ hội vàng” khôi phục hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời