Triều Tiên – Mỹ có thực sự sẵn sàng đàm phán?

Cập nhật 08/3/2018, 15:03:35

Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy đối thoại với Mỹ

Đây là tuyên bố mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra với phái đoàn Hàn Quốc vừa có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Tuyên bố của ông Kim đã khiến ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải mô tả là một “tiến bộ” chưa từng có. Tuy nhiên, trong quan hệ Mỹ – Triều, từ tuyên bố đến thực hiện đối thoại, từ đối thoại đến có kết quả là một chặng đường khó khăn và khó đoán.

trieu tien va my co thuc su san sang dam phan hinh 1
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy đối thoại với Mỹ. Ảnh: Oregon Live

Tờ báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên có thể cử em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Washington như một nỗ lực khôi phục đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nguồn tin cũng mô tả, thông điệp mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi tới Mỹ lần này mặc dù “không chính thức” nhưng “hiếm thấy”, có thể là những điều kiện mà phía Bình Nhưỡng đưa ra để khởi động đối thoại song phương Mỹ – Triều.

Trước diễn biến trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Triều Tiên là quốc gia “tuyệt vời” và cho biết sẽ có nhiều tiến triển trong quá trình tháo ngòi căng thẳng hạt nhân ở Đông Bắc Á.

Dư luận Mỹ cũng đặc biệt hoan nghênh trước động thái này của Triều Tiên. Theo nhận định của Washington Post, đây rõ ràng là một nhượng bộ lớn nhất của phía Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia này. Bởi vì trước đây, Triều Tiên luôn giữ kiên định với lập trường rằng vấn đề vũ khí hạt nhân không thể đem ra đàm phán với Mỹ. Chính vì vậy, nếu đàm phán thực sự diễn ra, thì đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên đưa vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm hoài nghi về tính khả thi của cuộc đối thoại. Cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc – ông Christopher Hill cho rằng, tiến đến đối thoại Mỹ Triều chỉ là bước đi đầu tiên và cần phải có nhiều bước đi ngoại giao của các bên liên quan, đặc biệt là các nước tham gia đàm phán 6 bên để đi đến “một cái kết có hậu”.

“Việc đưa vũ khí hạt nhân trở thành vấn đề thảo luận song phương là một điều không bình thường và nó đòi hỏi sự điều phối rất lớn, không chỉ của Mỹ mà còn có các bên trong vòng đàm phán 6 bên, trong đó đặc biệt là Trung Quốc. Cá nhân tôi khẳng định, các thành viên của đàm phán 6 bên phải có sự điều phối ngoại giao rất tốt thì mới có thể đạt được kết quả”, ông Hill đánh giá.

Điều ông Hill đề cập không phải không có lý khi mà ngay cả các cuộc đàm phán 6 bên trước đây, dù đạt được thỏa thuận khung đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn bị đổ vỡ. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận, đối thoại Mỹ Triều Tiên có thể thành hiện thực, song để đạt được kết quả thì sẽ rất khó khăn.

Nó còn được dự đoán là khó khăn hơn cả các thời kỳ trước đó, do khác biệt rõ ràng giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Thậm chí ngay trong nội bộ Hàn Quốc cũng có chia rẽ sâu sắc về đàm phán với Triều Tiên.

Cho đến thời điểm này, cả Mỹ và Triều Tiên về cơ bản là không đủ tin cậy lẫn nhau. Mặc dù hoan nghênh thái độ tích cực của Triều Tiên, song ngày hôm qua Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không quên thái độ đe dọa nhằm vào Bình Nhưỡng: “Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn. Nhưng nếu nó bị buộc phải tự vệ để bảo vệ mình và các đồng minh thì chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy hoại Triều Tiên”.

Phía Triều Tiên cũng tiếp tục nghi ngờ và yêu cần dừng các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 4 tới, coi đó là nguy cơ đe dọa đến nước này.

Có thể thấy, trở ngại lớn nhất sẽ là thống nhất kết quả cuối cùng của đàm phán Mỹ-Triều và một cái giá cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong các cuộc đàm phán trước đây, việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân phụ thuộc vào việc chấm dứt liên minh Mỹ-Hàn và rút binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên. Còn hiện tại, nhiều dự đoán, trong ngắn hạn là Triều Tiên sẽ muốn được giảm nhẹ các biện pháp  trừng phạt.

Cơ hội “một cánh cửa” được mở ra để giải quyết các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cánh cửa đó có được thực sự mở ra hay không thì phải phải chờ xem hai bên Mỹ và Triều Tiên sẽ nhượng bộ đến đâu./.

Theo VOV


Lượt xem: 30

Trả lời