Tranh cãi về chi phí cho THAAD: Mỹ vẫn nắm đằng chuôi

Cập nhật 30/4/2017, 08:04:56

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc lại tiếp tục trở thành tâm điểm gây tranh cãi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn Hàn Quốc chi trả cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) triển khai ở nước này. Trả lời phỏng vấn Reutersngày 28/4, Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông đã thông báo với phía Hàn Quốc rằng việc nước này chịu trách nhiệm chi trả cho hệ thống phòng thủ trị giá 1 tỷ USD là ‘hợp lý’.

tranh cai ve chi phi cho thaad my van nam dang chuoi hinh 1
Các bộ phận chính của THAAD đã được đưa tới huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang sáng 26/4. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu Nhà Trắng đặt câu hỏi tại sao nước Mỹ lại phải chịu phí tổn cho một hệ thống phòng thủ đặt tại Hàn Quốc để bảo vệ quốc gia châu Á này trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên.

Sau tuyên bố này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định “không có sự thay đổi trong lập trường của Hàn Quốc và Mỹ” về việc triển khai THAAD. Tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng dẫn các cam kết trong Thỏa thuận đóng quân Mỹ-Hàn (SOFA), theo đó chính phủ Hàn Quốc cung cấp địa điểm và các phương tiện hỗ trợ, trong khi Mỹ chịu phần chi phí triển khai, vận hành và bảo trì THAAD.

Những thông tin trái ngược xuất hiện khi mà THAAD đang được gấp rút triển khai tại huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam. Hệ thống này được cho là sẽ sẵn sàng trong vài ngày tới.

Trong khi đó, ông Youn Kwan-suk, người phát ngôn của ứng cử viên đảng Dân chủ theo đường lối tự do Moon Jae-in – ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống của Hàn Quốc, cho rằng Chính phủ Hàn Quốc nên “ngừng ngay lập tức” việc triển khai THAAD và chuyển giao vấn đề này cho chính quyền mới.

Quá trình triển khai THAAD là vấn đề gây tranh cãi giữa các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc. Trước đó, ông Moon Jae-in  từng cam kết sẽ đánh giá lại toàn bộ chương trình THAAD nếu ông đắc cử tổng thống.

Có thỏa thuận ngầm

Bất chấp việc Hàn Quốc viện dẫn Thỏa thuận đóng quân Mỹ- Hàn (SOFA) để bảo vệ quan điểm Mỹ phải trả tiền cho THAAD, tuyên bố của Tổng thống Trump vẫn có cơ sở. Đó là vì những động thái sốt sắng của phía Hàn Quốc ngay trước khi Mỹ quyết định chuyển các bộ phận của THAAD tới Hàn Quốc. Tờ Hankyoreh cho biết Giám đốc An ninh Quốc gia của phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã có hai chuyến thăm Mỹ kể từ đầu năm.

tranh cai ve chi phi cho thaad my van nam dang chuoi hinh 2
Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Nhà Xanh Kim Kwan-jin gặp người sau đó trở thành cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Donald Trump Micheal Flynn hôm 9/1. Nội dung cuộc gặp là đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Dư luận đặt ra khả năng đã có thỏa thuận ngầm giữa quan chức Mỹ – Hàn về THAAD trong các chuyến thăm này. “Nó giống như một cú đánh lén vào lúc nội bộ Hàn Quốc đang rối ren. Tất cả các thủ tục đều bị phớt lờ”. Bài báo cho biết.

Thực tế, việc triển khai THAAD đã bị đẩy lên đúng lúc tiến trình tranh cử tại Hàn Quốc được khởi động. Theo quyết định được công bố ngày 8/7/2016, bộ Quốc phòng Hàn Quốc và bộ Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), việc triển khai lực lượng chiến đấy sẽ diễn ra “không muộn hơn cuối năm tới (2017)”.

Tại thời điểm đó, không ai nghĩ được khả năng cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội và phế truất. Và vì thế, cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra theo đúng lộ trình là vào tháng 12/2017. Sự cố của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã thay đổi toàn bộ kế hoạch về THAAD. Rủi ro có thể xảy ra khi các ứng cử viên Tổng thống sẽ mang chuyện xem xét lại tương lai của THAAD ra để thu hút cử tri.

Dư luận Hàn Quốc cho rằng, nhân tố chủ chốt đứng sau quyết định triển khai THAAD là Văn phòng An ninh Quốc gia của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc). Nhiều người đã đặt ra câu hỏi là liệu giám đốc Văn phòng Kim Kwan-jin đang tích cực xúc tiến hệ thống vũ khí này sau khi bà Park bị phế truất.

Vào thời điểm bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông báo hồi năm ngoái, luật sư của Đảng Công lý Kim Jong-dae đã đặt ra nghi vấn Văn phòng An ninh Quốc gia và USFK “cơ bản đã quyết định mọi việc thông qua các liên lạc trực tiếp mà không thông qua bộ Quốc phòng”, và vì thế bộ này “đã bị dắt mũi”.

Tuyên bố của bộ Quốc phòng Hàn Quốc là sự đảo ngược hoàn toàn quan điểm được đưa ra tại phiên điều trần trước Quốc hội 3 ngày trước đó. Tại đây, bộ trưởng Quốc phòng khi đó Han Min-koo khẳng định sẽ “thận trọng” với việc triển khai THAAD.

Ngay cả phía Mỹ cũng rất dè dặt trong việc xúc tiến hệ thống này. Cả bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi đến thăm Hàn Quốc hồi tháng 2, bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson hồi tháng 3 và phó Tổng thống Mike Pence vào tháng 4 chỉ xác nhận rằng việc lắp đặt sẽ được đẩy lên vượt kế hoạch, nhưng không nói chi tiết thời gian. Chỉ có phía Hàn Quốc là khẳng định về “việc triển khai gấp rút”.

Có các nguồn tin khẳng định, mọi việc đã được ấn định cuối tháng 2 khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis gặp người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo. Hai bên đồng ý đưa thiết bị tới sân golf Seongju trước cuộc bầu cử. Và mọi việc đã bắt đầu vào ngày 6/3, 4 ngày trước khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc quyết định phế truất bà Park.

“Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Nhà Xanh là cố vấn của Tổng thống. Người này có trách nhiệm đưa ra các thông điệp của Tổng thống, chứ không phải là các công việc liên quan tới ngoại giao”.

Một chuyên gia về ngoại giao và an ninh quốc gia của Hàn Quốc bình luận về 2 chuyến thăm của ông Kim Kwan-jin tới Mỹ kể từ đầu năm. Đây chính là lý do dư luận phỏng đoán ông Kim đã thay mặt cho cựu Tổng thống Park để thúc đẩy triển khai THAAD.

“Suốt quá trình đẩy nhanh việc triển khai THAAD, có vẻ như Hàn Quốc rất quyết liệt đề nghị Mỹ và chính vì thế Mỹ đã tận dụng sự nóng vội này để gây sức ép”. Kim Chang-soo, giám đốc Viện Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc nói.

“Họ đã quyết tâm thúc đẩy việc triển khai trước cuộc bầu cử bằng bất cứ giá nào. Đó là một nỗ lực ngu ngốc. Họ chắc không nghĩ rằng những hậu quả theo sau sẽ rắc rối thế nào”. Chuyên gia Kim Chang-soo nói./.

Theo VOV


Lượt xem: 38

Trả lời