Tổng thống Trump lần đầu thăm Ấn Độ: Đưa quan hệ đồng minh vượt sóng

Cập nhật 24/2/2020, 14:02:02

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng và chiến lược song phương, bất chấp những căng thẳng thương mại gần đây giữa 2 nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/2 bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ. Ông Trump đã chọn thành phố Ahmedabat thuộc bang miền Tây Gujarat, làm điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày. Đây không chỉ là một bang phát triển bậc nhất Ấn Độ, mà còn là quê hương của Thủ tướng Narendra Modi, nơi ông ghi dấu sự nghiệp chính trị của mình trên cương vị Thống đốc bang (2001-2014).

tong thong trump lan dau tham an do: dua quan he dong minh vuot song hinh 1
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: BBC

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có cuộc hội đàm chính thức vào ngày 25/2. Phát biểu với báo chí trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Donald Trump dù “phàn nàn” nước Mỹ không được đối xử công bằng, song vẫn đánh giá cao Thủ tướng Narendra Modi và gọi nhà lãnh đạo này là “một người bạn”.

“Tôi rất mong đợi được đến với nhân dân Ấn Độ. Đó là một hành trình dài, song tôi có mối quan hệ rất thân thiết với Thủ tướng Narendra Modi. Ông ấy là một người bạn của tôi. Tôi đã có kế hoạch thăm Ấn Độ từ lâu và rất muốn thực hiện nó”, Tổng thống Trump nói.

Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Mỹ tại châu Á, một đối trọng tiềm năng trước một Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Tuy nhiên những va chạm gần đây khiến mối quan hệ song phương giữa hai nước trở nên khó khăn.

 Không chỉ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi cuối năm 2019 vừa qua đã quyết định chấm dứt những ưu đãi xuất khẩu dành cho Ấn Độ, cho rằng, các công ty Mỹ không được tiếp cận tương xứng với thị trường Ấn Độ. Những ưu đãi này giúp Ấn Độ hàng năm xuất khẩu khối lượng hàng hóa lên tới gần 6 tỷ USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Nhằm trả đũa, Ấn Độ đã gia tăng các hàng rào thuế quan đối với hàng chục mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Các quan chức Mỹ và Ấn Độ đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong vài tháng qua, song tới vẫn chưa đạt tiến triển. Đây cũng là lý do khiến giới quan sát không kỳ vọng nhiều vào những đột phá lớn trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump. Theo nhà phân tích Tanvi Madan thuộc Viện Brookings, do hai bên không thể đi tới một thỏa thuận thương mại, nên Thủ tướng Narendra Modi sẽ kiềm chế trong việc đưa ra những hứa hẹn. Bản thân chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố “không muốn vội vàng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết: “Chúng tôi không muốn vội vàng đạt được thỏa thuận, bởi các vấn đề liên quan là rất phức tạp và có nhiều quyết định thực sự có thể ảnh hưởng đế cuộc sống của hàng triệu người và một số hậu quả lâu dài về kinh tế. Vì thế, chúng tôi không muốn bị giới hạn bởi bất kỳ khung thời gian nào.”

Hai nhà lãnh đạo dự định sẽ ký hợp đồng mua bán máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất trị giá 2,4 tỷ USD. Song, liên quan tới vũ khí, Nga, đối tác truyền thống của Ấn Độ từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh, vẫn luôn là nhà cung cấp trang thiết bị quân sự lớn nhất cho quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này. Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga hồi năm 2018 đã khiến Mỹ không hài lòng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm cuối cùng vẫn quyết định không trừng phạt Ấn Độ vì vụ giao dịch này như cách họ làm với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Harsh V Pant tại Ấn Độ, New Delhi đã xử lý mối quan hệ với Washington tốt hơn nhiều so với các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Australia và các nước châu Âu khác. Chính vì thế, chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Donald Trump dù có thể sẽ không đạt đột phá, song cũng sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự hội tụ ngày càng lớn các lợi ích chung trong những diễn biến địa chính trị quan trọng ở khu vực và xa hơn, đặc biệt là giữa lúc Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự./.

Theo VOV


Lượt xem: 37

Trả lời