Tình hình Bolivia diễn biến căng thẳng – Phản ứng của dư luận quốc tế

Cập nhật 11/11/2019, 14:11:44

Đã có thông tin về 1 lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Bolivia và những phản ứng đầu tiên của dư luận thế giới sau khi ông Morales từ chức hôm 10/11.

Hôm qua (10/11) (theo giờ địa phương), Tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải từ chức sau gần 14 năm cầm quyền, trước sức ép của Phe đối lập và lời đề nghị của các lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, ông Morales khẳng định sẽ không chạy trốn và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia, để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập kỷ qua. Đã có những thông tin về 1 lệnh bắt giữ đối với ông và những phản ứng đầu tiên của dư luận thế giới.

tinh hinh bolivia dien bien cang thang - phan ung cua du luan quoc te hinh 1
Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ảnh: Reuters

Phát biểu họp báo sau khi từ chức, Tổng thống Bolivia Evo Morales theo đường lối cánh tả, cho rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước:

“Tôi xin thông báo tới người dân Bolivia và toàn thể thế giới rằng, tôi đang ở đây cùng với Phó Tổng thống và Bộ trưởng Y tế, tôi đã đưa ra quyết định từ chức sau khi lắng nghe ý kiến của những người bạn của tôi”.

Tuy nhiên, Tổng thống Morales tái khẳng định, chính phủ của ông thời gian qua đã xây dựng được một đất nước với nhiều tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế ổn định, một đất nước Bolivia tự do và có tương lai tươi sáng. Tổng thống Morales kêu gọi phe đối lập không nên phá hoại những thành quả mà đất nước đang có, đồng thời bày tỏ hy vọng mô hình tự do mới không quay lại thống trị tại Bolivia.

Nhiều quan chức chính phủ Bolivia cũng đã tuyên bố từ chức, trong đó có Phó Tổng thống – người đã cáo buộc phe đối lập đã “đánh cắp những lá phiếu ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống”, với cuộc đảo chính vừa diễn ra.

Quyết định từ chức của Tổng thống Morales được đưa ra ngay sau khi người đứng đầu Lực lượng Vũ trang và Tổng chỉ huy Cảnh sát Bolivia đều đề nghị ông từ chức.

 Người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia, tướng Williams Kaliman cho biết: “Sau khi phân tích tình hình nội bộ, chúng tôi yêu cầu Tổng thống từ bỏ chức vụ của mình, cho phép hòa bình được khôi phục và duy trì sự ổn định vì lợi ích của Bolivia”.

Một số nguồn tin dẫn lời quan chức phe đối lập Bolivia cho biết, hiện đã có lệnh bắt giữ của quân đội và cảnh sát đối với Tổng thống Morales, ngay sau tuyên bố từ chức của ông này. Theo nguồn tin, trước đó, cảnh sát đã phong tỏa và tịch thu chiếc máy bay cá nhân của Tổng thống Morales tại Sân bay El Alto ở thủ đô La Paz do nghi ngờ chiếc máy bay này có kế hoạch bay tới Argentina. Trên trang mạng Twitter cá nhân, Tổng thống Morales ngay lập tức lên án lệnh bắt giữ này, cho rằng, đây là một hành động “bất hợp pháp”. Ông cũng cho biết tư dinh của mình đã bị những kẻ quá khích tấn công bạo lực.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters và kênh truyền hình địa phương Bolivia sau đó dẫn lời Tổng chỉ huy cảnh sát Bolivia cho biết, không có bất kỳ 1 lệnh bắt giữ nào như vậy đối với ông Morales.

Tình hình Bolivia diễn biến hết sức căng thẳng trong suốt những tuần qua kể từ sau cuộc bầu cử hôm 20/10 với các cuộc biểu tình bạo động do phe đối lập phát động với cáo buộc có sự gian lận bầu cử. Phản ứng trước việc Tổng thống Bolivia từ chức, phe đối lập cũng người dân ủng hộ phe này ngay lập tức đã xuống đường ăn mừng, coi đây là 1 chiến thắng.

Trong khi đó, dư luận quốc tế cũng đã có phản ứng trước tiên. Nhiều nước Mỹ La tinh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Morales. Bộ Ngoại giao Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ hành vi ép buộc Tổng thống Bolivia từ chức, cho rằng đây là 1 cuộc đảo chính. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez khẳng định, ông Morales là một nhân vật có tính biểu tượng cho quyền của người dân bản địa châu Mỹ. Đây cũng là nhận định của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega.  Hai nhà lãnh đạo này cho rằng, việc ép buộc Tổng thống Bolivia từ chức, là hành động “phát-xít” phớt lờ hiến pháp, luật pháp và các cơ quan đang điều hành quốc gia này.

Trong khi, Ngoại trưởng Mexico cho biết, ông sẽ đề nghị chính phủ nước này cho phép Tổng thống Bolivia tị nạn nếu ông này yều cầu. Ngoại trưởng Mexico cho biết, hiện có khoảng 20 quan chức chính phủ Mexico đang tạm trú tại Đại sứ quan nước này tại thủ đô La Paz của Bolivia.

Còn chính phủ Peru hối thúc Bolivia nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) và các tổ chức quốc tế. Peru kêu gọi bảo đảm một tiến trình chuyển tiếp theo đúng Hiến pháp tại Bolivia. Trong khi đó, chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia./.

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời