Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với sóng gió trong nhiệm kỳ mới

Cập nhật 11/1/2019, 08:01:59

Dù đã xây dựng được nền tảng và uy tín nhưng Thủ tướng Abe vẫn phải lèo lái con thuyền Nhật Bản tránh va vào đá ngầm hay lạc hướng trong nhiệm kỳ mới.

Nhiệm kỳ thứ 3 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu được đúng 15 ngày. Với những thành quả đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ trước, ông Abe dường như đã có một nền tảng và một uy tín để có thể tiếp tục nhiệm kỳ 3 với những hy vọng cho một nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng và hợp tác quốc tế sẽ là môt yếu tố thúc đẩy vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế đi đôi với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, những khó khăn mới của nhiệm kỳ mới cũng hiện rõ. Vậy ông Abe sẽ phải làm thế nào để vừa duy trì vừa phát triển quốc gia thuộc hàng văn minh bậc nhất thế giới này?

thu tuong nhat ban shinzo abe voi song gio trong nhiem ky moi hinh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Nỗ lực hết sức cho những nhiệm vụ trọng tâm

Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Nội các của ông Abe có phần giảm và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cũng không mấy sáng sủa, ông Abe vẫn cam kết nỗ lực hết sức trong năm 2019, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ tập trung vào việc cải cách Hiến pháp. Về mặt ngoại giao nỗ lực tăng cường hợp tác với Nga và Triều Tiên.

Cụ thể hạ tuần tháng 1/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Nhật sẽ được diễn ra tại Moscow trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe. Tại đây, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và thống nhất về  vấn đề tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril (Nhật gọi là quần đảo phương Bắc), hướng tới ký Hiệp định hòa bình giữa hai nước. Tuy Nhật Bản có mong muốn thúc đẩy vấn đề này, nhưng Tổng thống Nga Putin gần đây có những phát ngôn thể hiện lập trường chưa thỏa mãn trong vấn đề lãnh thổ trên, do đó, Hiệp định Hòa bình Nhật – Nga có lẽ còn gặp nhiều khó khăn để có thể đi đến ký kết. Tuy nhiên, hy vọng chuyến thăm này sẽ thuyết phục được ông Putin có những mềm mỏng hơn đối với Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhận định rằng chủ đề của năm 2019 đối với ngành ngoại giao Nhật Bản ngoài vấn đề trên đã nêu, còn có Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Hội nghị phát triển Châu Phi và đặc biệt là Lễ thoái vị của Nhật Hoàng và Lễ đăng quang cho Nhật Hoàng mới sẽ là những hoạt động ngoại giao chính và quan trọng của ông Abe trong năm 2019.

Trong các vấn đề này, để chuẩn bị cho G20 thành công, ngày 9/1, Thủ tướng Abe đã chính thức thăm Hà Lan và Anh với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác với các nước này, đồng thời xác nhận lập trường về xử lý các vấn đề quốc tế cùng quan tâm trong đó có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị G20 dự kiến tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản là nước Chủ tịch G20, do đó, Nhật Bản mong muốn sẽ có một Hội nghị thành công nhưng cũng phải hài hòa với lợi ích của mình.

Năm 2018 đã là năm cuối cùng Nhật Bản lấy niên hiệu là Bình Thành và ngày 1/4 tới Thủ tướng Abe sẽ chính thức công bố Niên hiệu mới cho Nhật Bản cũng là để chuẩn bị cho việc Nhật Hoàng thoái vị và tổ chức đăng quang cho Nhật Hoàng mới. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với lịch sử đất nước Nhật Bản, bởi người dân Nhật Bản cũng đang lo ngại rằng liệu Nhà Vua và Hoàng Hậu mới có thể gánh vác trọng trách nặng nề như Vua Cha mình đã làm hay không?  Và đương nhiên, điều này cũng sẽ có phần trách nhiệm của ông Abe.

Nếu những việc trên thuận buồm xuôi gió,  thì cũng có nghĩa cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019, ông Abe có thể sẽ ghi nhiều điểm, giành được quá bán số ghế trong thượng viện để tiếp tục thực hiện những dự định phát triển đất nước.

Có lẽ năm nay, vấn đề mà ông Abe phải đau đầu nhất đó vẫn là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bởi lẽ tình huống khó lường rất dễ sẽ xảy ra. Và quan hệ với Hàn Quốc lại dấy lên sự căng thẳng trong những ngày đầu năm.

Mâu thuẫn trong quan hệ với Hàn Quốc ngày càng tăng

Năm 2018 là năm đánh dấu ba năm sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận về giải quyết vấn đề những người được gọi là phụ nữ mua vui trong thời chiến, việc thực thi thỏa thuận này dường như ngày càng khó khăn do quan hệ xấu đi giữa 2 nước.

Thỏa thuận được ký kết vào năm 2015 giữa Nhật Bản và chính quyền Hàn Quốc khi đó của Tổng thống Park Geun-hye. Vào thời điểm đó, hai nước đã nhất trí rằng thỏa thuận này là cuối cùng và không thể đảo ngược. Nhật Bản đã dành khoảng 9 triệu đôla Mỹ để thiết lập quỹ hỗ trợ những phụ nữ nói trên.

Vào tháng 11/2019, chính quyền Hàn Quốc hiện nay của Tổng thống Moon Jae-in đã đơn phương tuyên bố giải thể quỹ này. Động thái này diễn ra sau khi một ủy ban được Tổng thống ủy quyền đã đưa ra báo cáo nói rằng thỏa thuận chưa cân nhắc thỏa đáng quan điểm của các nạn nhân còn sống sót.

Nhật Bản nhấn mạnh rằng Hàn Quốc có trách nhiệm thực thi thỏa thuận.

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi nhanh chóng do những diễn biến gần đây và do phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về vấn đề lao động thời chiến. Phía Nhật Bản cho rằng việc Tòa án Hàn Quốc bác bỏ đơn kháng cáo của công ty Mitsubishi là bên cần phải bồi thường là không chấp nhận được, đồng thời liên tục yêu cầu Hàn Quốc phải có những động thái cụ thể về vấn đề trên.

Tuy nhiên, trong một phát ngôn gần đây nhất vào sáng 10/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Nhật Bản đã thổi phồng sự việc, Hàn Quốc mong muốn Nhật Bản cũng nhường nhịn trong vấn đề này.

Cùng với Tổng thống Moon, Thủ tướng Lee Nak Yon cũng nhấn mạnh rằng để có thể vừa giải quyết vấn đề lịch sử vừa tăng cường mối quan hệ tốt đẹp hướng tới tương lai giữa hai nước, hai bên cần nỗ lực giải quyết và Nhật Bản cần kiềm chế để có thể xử lý vấn đề một cách tốt nhất.

Một vụ việc nữa khiến quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng khi gần đây 1 tàu khu trục của Hàn Quốc chiếu radar vào 1 máy bay tuần tra của Nhật Bản. Ngày 28/12, phía Nhật Bản cũng đã công bố hình ảnh chứng minh việc này và cho rằng Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về những gì gây ra.Tuy nhiên, phía Hàn Quốc phản bác lại cho rằng, những hình ảnh mà phía Nhật Bản đưa ra không phải là bằng chứng để có thể cáo buộc Hàn Quốc. Hai bên đang giằng co không ai chịu nhận trách nhiệm về mình. Mâu thuẫn chồng mâu thuẫn, và nút mâu thuẫn sẽ có thể chặt hơn nếu hai bên không có những cái nhìn cởi mở và thiện chí hơn.

Với những động thái trên, có thể nói mặc dù năm 2018 đã kết thúc, nhưng những vấn đề mâu thuẫn giữa hai quốc gia lại vẫn tồn tại thậm chí căng thẳng hơn. Năm 2019, dự báo hai bên sẽ phải tập trung nhiều để giải quyết những khúc mắc trên.

Và đương nhiên Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải vững tay lái, tránh con thuyền Nhật Bản va vào đá ngầm hay lạc hướng./.

Theo VOV


Lượt xem: 52

Trả lời