Thế giới tuần qua: “Lò lửa” COVID-19 tại Đông Nam Á và biến thể SARS-CoV-2 hoành hành

Cập nhật 09/7/2021, 13:07:55

Dịch bệnh tại các điểm nóng COVID-19 ở Đông Nam Á và biến thể virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine là những câu chuyện quốc tế đáng chú ý trong tuần này.

Vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả với biến thể Lambda

Đầu tuần này, các nhà nghiên cứu tại Chile công bố thông tin gây xôn xao. Cụ thể, các dữ liệu ban đầu cho thấy, một biến thể SARS-CoV-2 có tên là Lambda đang lây lan mạnh ở Nam Mỹ, có những đột biến trong gai protein giúp virus thoát khỏi các kháng thể trung hòa, làm giảm hiệu quả vaccine COVID-19.

Nếu điều này thực sự xảy ra, Lamda là biến chủng cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, mối lo ngại được giảm thiểu với báo cáo khoa học mới được hãng tin Reuters trích dẫn, theo đó, khả năng kháng vaccine là rất hạn chế, vaccine đủ liều vẫn sẽ khống chế biến thể Lambda.

Biến thể Lambda đã được phát hiện ở 31 quốc gia, chủ yếu ở khu vực Nam Mỹ. WHO đã xếp biến thể Lambda, hay C.37, vào nhóm “biến thể đáng quan ngại”. Biến chủng được xác định bởi một số đột biến đối với protein gai của nó.

Đặc biệt, đột biến L452Q được cho là đã tăng cường khả năng gắn vào tế bào người. Trong khi đó, hai đột biến khác là L552Q và F490S lại cho thấy sự gia tăng khả năng chống lại các kháng thể được tạo ra bởi vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna. Tuy nhiên, nghiên cứu kết luận rằng, sự gia tăng khả năng kháng vaccine là không đáng kể.

Các nhà khoa học cho biết, vẫn cần thêm nhiều bằng chứng để kết luận về các đặc điểm của biến thể Lambda do biến chủng này có những đột biến bất thường so với các biến thể khác.

Thế giới tuần qua: Lò lửa COVID-19 tại Đông Nam Á và biến thể SARS-CoV-2 hoành hành - Ảnh 1.

Khả năng kháng vaccine của biến thể Lambda là rất hạn chế, vaccine đủ liều vẫn sẽ khống chế biến chủng này. (Ảnh: AP)

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các quốc gia Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á, sự hoành hành của biến thể Delta khiến tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Trung bình 3 ngày trở lại đây, mỗi ngày Indonesia ghi nhận hơn 31.000 ca mắc mới COVID-19, Malaysia hơn 7.000 người, Thái Lan và Philppines lần lượt có thêm 6.000 và 4.500 trường hợp.

Trong tuần này, Indonesia ghi nhận thêm một dấu mốc buồn khi lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong do dịch trong một ngày. Sức ép lớn từ COVID-19 đang khiến hệ thống y tế Indonesia bị quá tải.

Tình trạng thiếu oxy y tế đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Đã có hơn 60 người tử vong do cạn kiệt oxy tại một bệnh viện ở thành phố Yogyakarta trên đảo Java hồi cuối tuần qua. Người dân Indonesia phải xếp hàng để mua oxy ở bên ngoài. Trong khi đó, Chính phủ nước này yêu cầu các nhà sản xuất oxy chuyển toàn bộ nguồn cung tới các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh chóng.

Thế giới tuần qua: Lò lửa COVID-19 tại Đông Nam Á và biến thể SARS-CoV-2 hoành hành - Ảnh 2.

Indonesia đối mặt tình trạng thiếu oxy y tế cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AP)

Ấn Độ khống chế làn sóng COVID-19 thứ hai như thế nào?

Số ca mắc và tử vong lập đỉnh mới, bệnh viện bị quá tải và tình trạngthiếu oxy y tế, dường như tình hình dịch bệnh tại Indonesia có những nét tương đồng với những gì đã xảy ra tại Ấn Độ trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua.

Hình ảnh những bệnh viện la liệt bệnh nhân COVID-19, lò đốt xác quá tải, hay các chuyến hàng viện trợ oxy, vật tư y tế từ khắp nơi trên thế giới dồn dập tới với Ấn Độ sẽ còn ám ảnh trong nhiều năm tới. Tới lúc này, “cơn sóng siêu lây nhiễm” tại Ấn Độ đã lắng dịu. Những giải pháp mà Ấn Độ thực hiện để kiểm soát dịch bệnh có thể mô hình tham khảo có giá trị cho các nước Đông Nam Á thời điểm này.

Để tạo được tiến triển trong quá trình kiểm soát dịch làn sóng dịch lần 2, Ấn Độ đã có nhiều biện pháp:

Phong tỏa triệt để

Chiến dịch phong tỏa trên quy mô toàn quốc trong 3 tháng qua của Ấn Độ đã có hiệu quả. Gần như mọi hoạt động xã hội đã ngừng lại để cắt chuỗi lây nhiễm của virus.

Cách ly, xử lý ổ dịch quyết liệt

Mumbai, thành phố đông dân nhất của Ấn Độ, nơi có nhiều khu ổ chuột, đã quyết liệt thực hiện cách ly và xử lý ổ dịch, qua đó làm giảm tốc độ lây nhiễm.

Thế giới tuần qua: Lò lửa COVID-19 tại Đông Nam Á và biến thể SARS-CoV-2 hoành hành - Ảnh 3.

Hiện đợt bùng phát dịch thứ 2 ở Ấn Độ đã lắng dịu. (Ảnh: AP)

Huy động tổng lực ngành y tế chống dịch

Nhanh chóng giảm áp lực cho các bệnh viện, Ấn Độ đã huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ sản xuất oxy y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tích cực tham gia hỗ trợ Chính phủ.

Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế

Đặc biệt, Ấn Độ đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng quốc tế với nhiều chuyến hàng hỗ trợ như vaccine, hàng nghìn máy thở, bình dưỡng khí oxy, thiết bị y tế và cả lực lượng các y, bác sỹ.

Biến thể Delta với khả năng lây lan mạnh được cho là nguyên nhân gây ra cơn sóng thần COVID-19 tại Ấn Độ. WHO cảnh báo, Delta sẽ là chủng lây nhiễm chủ đạo trên thế giới. Tin vui là nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta sẽ giảm 69% trong trường hợp người dân tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 theo kết quả mới được công bố của Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia và Bộ Y tế Singapore.

Chậm tiêm vaccine là một trong các nguyên nhân chính khiến Indonesia và nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt làn sóng dịch COVID-19 mới. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiêm chủng cũng không phải dễ, đặc biệt là khi có một bộ phận người dân có tâm lý kén chọn vaccine.

Theo VTV


Lượt xem: 19

Trả lời