Thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có

Cập nhật 18/9/2022, 10:09:15

Cảnh báo được Giám đốc Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc David Beasley mới đưa ra.

Nạn đói liên tục tăng cao và tiếp tục hoành hành tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là Tây Phi.

Theo đó, hiện có 345 triệu người ở 82 quốc gia có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói. Con số này cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Nguyên nhân chính là những tác động kinh tế từ đại dịch, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu tăng và xung đột Ukraine.

Bất chấp thỏa thuận hồi tháng 7 cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine từ 3 cảng ở Biển Đen và nỗ lực đưa phân bón của Nga trở lại thị trường toàn cầu, khủng hoảng lương thực vẫn có thể kéo sang năm sau nếu thế giới không hành động nhanh chóng.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí tăng cường an ninh lương thực, cải thiện tính bền vững và thúc đẩy các ứng dụng hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có - Ảnh 1.

Người dân tại Somalia đang phải đối mặt với nạn đói thảm khốc. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu, năm 2021, thế giới có tới 828 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói, trong khi khoảng 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất cho con người đã bị lãng phí trên toàn cầu vào năm 2020. Điều này khiến các nước châu Âu đứng trước thách thức tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững, giảm lãng phí thực phẩm và đảm bảo mọi người trên toàn thế giới được tiếp cận thực phẩm chất lượng.

Một trong những giải pháp cốt lõi để các nước châu Âu có thể sản xuất đủ lương thực mà vẫn đảm bảo tính bền vững là ứng dụng các công nghệ nghiên cứu, đổi mới và hiện đại, bao gồm cả phương thức canh tác chính xác, nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng cần phản ứng nhanh trước sự phát triển của các xu hướng hiện đại và thay đổi khuôn khổ pháp lý mà khối này đang quy định trong việc sử dụng các phương pháp tạo giống cây trồng hiện đại, giúp các nước châu Âu có ngay các loại cây trồng chống chịu hạn hán, sương giá, dịch bệnh và sâu bệnh, giảm thiểu phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón nhân tạo.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời