Thế giới cần làm gì khi dân số đạt mốc 8 tỷ người?

Cập nhật 16/11/2022, 06:11:35

Dân số thế giới đạt 8 tỷ người. Vậy trước mắt loài người sẽ là những thách thức gì?

Dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người vào ngày hôm nay, 15/11. Công dân thứ 8 tỷ là bé gái Vinice Mabansag, chào đời tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial ở Tondo, thủ đô Manila, Phiilippines.

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 1.

Công dân thứ 8 tỷ chào đời rạng sáng nay tại Manila

Cột mốc này đạt được chỉ 11 năm sau khi dân số loài người đạt 7 tỷ người, có vẻ như số người trên thế giới đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Nhưng, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng đang giảm. Dân số đang già hóa ở một số quốc gia có mức sinh thấp, bao gồm Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Năm 2019, Liên hợp quốc dự báo, dân số sẽ tiếp tục tăng lên 11 tỷ người vào năm 2100, nhưng kịch bản mới nhất là dân số sẽ đạt đỉnh vào những năm 2080, thậm chí vào năm 2070.

Hầu hết sự gia tăng dân số chỉ tập trung ở một số ít quốc gia

Từ năm 2017 đến năm 2050, dự kiến ​​một nửa mức tăng dân số thế giới sẽ chỉ tập trung ở 9 quốc gia gồm Ấn Độ, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ethiopia, Tanzania, Mỹ, Uganda và Indonesia.

Châu Phi tiếp tục là lục địa có tốc độ tăng dân số cao. Từ năm 2017 đến năm 2050, dân số của 26 quốc gia châu Phi được dự đoán sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với hiện tại.

Dân số toàn cầu gia tăng tập trung ở các nước nghèo là một thách thức đáng kể đối với các chính phủ trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhằm tìm cách xóa đói giảm nghèo, mở rộng và cập nhật hệ thống giáo dục và y tế, đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giảm bất bình đẳng và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres lưu ý rằng 1% người giàu nhất bỏ túi 1/5 thu nhập của cả thế giới. Công dân của các nước giàu nhất có thể sống lâu hơn tới 30 năm so với những người nghèo nhất.

Việc người dân được tiếp cận với các biện pháp tránh thai là nguyên nhân cơ bản làm giảm mức sinh. Giáo dục và nâng cao quyền của phụ nữ, bao gồm cả việc cấm nạn tảo hôn, cũng là những nguyên nhân. Thậm chí, tại một số quốc gia có đời sống cao, một bộ phận trẻ không muốn có con và cũng không chịu áp lực từ dư luận xã hội.

Nhìn từ góc độ môi trường, dân số giảm là một tín hiệu tốt. Nhưng ở hầu hết các quốc gia, những người trong độ tuổi lao động sẽ phải có trách nhiệm trả lương hưu và chăm sóc cho những người đã nghỉ hưu, vì vậy tỷ lệ người già ngày càng tăng đã gây ra những áp lực tài chính nghiêm trọng, ít nhất trong phạm vi hộ gia đình.

Trung Quốc – điển hình của già hóa dân số

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 2.

Nhiều gia đình Trung Quốc không sinh thêm con vì gánh nặng kinh tế

Nhà phát triển phần mềm Trung Quốc Tang Huajun thích chơi với đứa con hai tuổi của mình trong căn hộ của họ ở ngoại ô Bắc Kinh nhưng anh cho biết mình không có kế hoạch sinh thêm con.

Anh Tang, 39 tuổi, cho biết, nhiều người bạn đã kết hôn của anh chỉ có một con và giống như anh, họ sẽ dừng sinh thêm con. Giới trẻ Trung Quốc hiện nay thậm chí không quan tâm đến việc kết hôn chứ đừng nói đến việc sinh con.

Chi phí chăm sóc trẻ cao là một trở ngại lớn đối với việc có con ở Trung Quốc, với nhiều gia đình trong một xã hội ngày càng năng động sẽ không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của ông bà sống ở xa.

Tốc độ giảm sinh ở Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục. Và năm sau, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc  trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bài toán lương thực và năng lượng cho 8 tỷ người

Việc thế giới đón công dân thứ 8 tỷ xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với hành tinh. Câu hỏi đặt ra là loài người sẽ phải chuẩn bị như thế nào cho một số lượng người đông chưa từng có trên Trái Đất, từ thực phẩm cho đến nhiên liệu sưởi ấm?

Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi ‘Em bé 8 tỷ’ đủ lớn để hỏi: bạn đã làm gì cho thế giới và hành tinh của chúng ta khi bạn có cơ hội?

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Tăng tốc năng lượng tái tạo

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 4.

Mỹ mở rộng những cánh đồng pin nặng lượng mặt trời ở các vùng quê. Ảnh Reuters

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% sản lượng năng lượng. Khi dân số tăng lên và các nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng tăng lên.

Các công nghệ năng lượng tái tạo là lời giải bền vững và kinh tế hơn nhiều.

Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho biết, năm 2021, 2/3 lượng điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất thấp hơn so với sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch ở các nước G20.

Làm cho các tòa nhà trở nên xanh hơn

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 5.

Trồng cây là một trong những cách giảm sử dụng năng lượng làm mát cho các tòa nhà. Ảnh CNN

Một thay đổi khác cần thiết để hướng tới một tương lai bền vững liên quan đến các tòa nhà nơi mọi người sinh sống và làm việc.

Theo UNEP, từ việc xây dựng các tòa nhà bằng xi măng, thép và các vật liệu khác đến năng lượng sử dụng bên trong chúng khiến cho các tòa nhà chiếm 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Các công nghệ mới đang được phát triển cho xi măng và thép có hàm lượng carbon thấp hoặc thay thế các vật liệu này bằng gỗ có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải xây dựng.

Trong khi đó, các tòa nhà hiện tại cần được trang bị thêm để trở nên tiết kiệm năng lượng hơn, chẳng hạn như cách nhiệt hiệu quả hơn và lắp đặt các máy bơm nhiệt.

Giảm thịt trong khẩu phần ăn

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 6.

Các trang trại chăn nuôi đang dần lấn chiếm diện tích của những khu rừng. Ảnh AFP

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 7.

Thu hoạch lúa mì ở trang trại Vulgamore, gần bang Kansas, Mỹ

Hầu hết thực phẩm mà người Mỹ ăn hiện nay được sản xuất tại các trang trại cơ giới hóa, quy mô lớn như vậy, trồng hết hàng này đến hàng khác trong một vụ mùa, cho phép nông dân canh tác nhiều đất hơn với sử dụng ít sức lao động hơn.

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 8.

Nhu cầu về thịt đã tăng gấp ba lần ở các nước đang phát triển trong bốn thập kỷ, trong khi lượng tiêu thụ trứng tăng gấp bảy lần, thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ của các hoạt động chăn nuôi quy mô lớn.

THẾ GIỚI CẦN LÀM GÌ KHI DÂN SỐ ĐẠT MỐC 8 TỶ NGƯỜI? - Ảnh 9.

Nhu cầu về nhiều cây trồng hơn để nuôi gia súc là một lý do khiến các chuyên gia cho rằng thế giới sẽ cần tăng gấp đôi sản lượng cây trồng vào năm 2050.

Với việc Liên hợp quốc ước tính rằng sẽ có thêm gần 2 tỷ nhân khẩu vào giữa thế kỷ này, việc thay đổi chế độ ăn uống trên toàn cầu cũng được coi là hành động quan trọng để bảo vệ hành tinh.

Từ sản xuất nông nghiệp đến vận chuyển và đóng gói, chuỗi sản xuất thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người gây ra. Các nhà khoa học cho biết một trong những cách tốt nhất để bảo vệ thiên nhiên và khí hậu toàn cầu là tiêu thụ ít thịt hơn.

Khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới được sử dụng để sản xuất thịt và các sản phẩm từ sữa, mặc dù các sản phẩm này chiếm chưa đến 20% tổng lượng calo thực phẩm hiện có trên toàn cầu. Đây là áp lực đè nén lên các cánh rừng và các khu vực tự nhiên khác.

Các chuyên gia cho biết các chính phủ có thể khuyến khích chuyển sang chế độ ăn uống ưu tiên thực vật và các sản phẩm thay thế thịt, hướng dẫn chế độ ăn uống quốc gia và cấm quảng cáo thịt.

Xử lý thời trang nhanh

Theo UNEP, ngành công nghiệp thời trang là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai sau nông nghiệp và chiếm tới 1/10 lượng khí thải nhà kính.Tại Anh, tổ chức từ thiện Oxfam cho biết có khoảng 13 triệu mặt hàng quần áo đã qua sử dụng được chuyển đến các bãi rác mỗi tuần.

Để làm cho ngành công nghiệp xanh hơn, các nhà phân tích cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế sản xuất và giữ cho quần áo được sử dụng lâu hơn – chẳng hạn như sửa chữa quần áo, cho thuê và sử dụng nhiều lần.

Chấm dứt các khoản trợ cấp gây thiệt hại

Một trong những rào cản lớn nhất đối với những thay đổi này là trợ cấp của chính phủ đối với nhiên liệu hóa thạch và các ngành khác như nông nghiệp và thủy sản đang gây hại cho khí hậu và môi trường.

Nghiên cứu của liên minh Kinh doanh vì Thiên nhiên cho thấy ít nhất 1,8 nghìn tỷ đô la đang được chi cho các khoản trợ cấp có hại cho môi trường mỗi năm.

Các nhà hoạt động khí hậu và các nhà bảo tồn đã thúc đẩy các chính phủ trong nhiều thập kỷ cải cách các khoản trợ cấp gây tổn hại và sử dụng chúng theo hướng bền vững hơn – chẳng hạn như nông nghiệp tái sinh thay vì thâm canh.

Tại cuộc họp COP15 của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học ở Montreal vào tháng 12 tới, một khuôn khổ toàn cầu mới đang được soạn thảo nhằm mục đích chuyển hướng 500 tỷ đô la Mỹ của các khoản trợ cấp này mỗi năm.

Tham khảo: CNN, UN, National Geographic, Reuters, AFP

Theo VTV


Lượt xem:

Trả lời