Rủi ro xảy ra thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia đang tăng từng ngày

Cập nhật 25/8/2022, 13:08:16

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã kéo dài 6 tháng, tâm điểm đang được quan tâm nhất hiện nay là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Zaporizhzhia là một trong 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và là tổ hợp năng lượng nguyên tử lớn nhất châu Âu. Nhà máy có 6 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, được xây dựng từ năm 1984 và đến năm 1995 bắt đầu hoạt động với toàn bộ công suất. Trước thời điểm chiến sự nổ ra thì Zaporizhzhia cung cấp 20% nhu cầu điện năng của toàn Ukraine.

Kể từ tháng 3, nhà máy được vận hành bởi các nhân viên Ukraine nhưng các đơn vị quân đội Nga bảo vệ cơ sở này. Những ngày gần đây, giao tranh có dấu hiệu leo thang tại khu vực này.

Hình ảnh camera an ninh ghi lại thời điểm xảy ra một cuộc giao tranh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đầu tiên là một quả pháo sáng rơi xuống khu vực bãi đỗ xe của nhà máy, sau đó là giao tranh ác liệt giữa các đơn vị vũ trang bên ngoài hàng rào, nhắm bắn vào một tòa nhà văn phòng bên trong khuôn viên nhà máy. Khu vực tòa nhà văn phòng bị hỏa hoạn và đến sáng hôm sau, lực lượng cứu hỏa đã dập tắt đám cháy… Hình ảnh hiện trường cho thấy những vỏ đạn pháo nằm rải rác ở nhiều điểm trong sân nhà máy điện hạt nhân.

Các vụ giao tranh ở rất gần các lò phản ứng, rủi ro xảy ra thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia đang tăng lên từng ngày.

Trên sơ đồ bố trí các tòa nhà của nhà máy điện hạt nhân, dãy nhà bị hỏa hoạn do giao tranh được cho là nằm trong khu vực văn phòng ở vị trí số 5. Nằm gần các lò phản ứng hạt nhân, ở vị trí số 3, được coi là nơi trọng yếu của nhà máy. Giới quan sát cảnh báo một quả đạn pháo chệch hướng rất có thể sẽ để lại thảm họa khôn lường.

Đây là hình ảnh đồ họa mô phỏng một vụ tập kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Dù bức tường bảo vệ bên ngoài các lò phản ứng dày đến 1m75 nhưng đạn pháo vẫn có thể làm hư hại trực tiếp các lò phản ứng này, dẫn đến tình huống rò rỉ phóng xạ. Ngoại trưởng Ukraine từng cảnh báo nếu vụ nổ xảy ra tại nhà máy điện này thì có thể gây ra hậu quả tàn khốc, tồi tệ gấp 10 lần thảm họa Chernobyl năm 1986.

Viện Khí tượng Thủy văn Ukraine đăng tải video dự báo hướng di chuyển của các đám mây phóng xạ trong trường hợp xảy ra thảm họa tại Zaporizhzhia. Khu vực xung quanh nhà máy và miền Nam Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sau đó 13 quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Các hạt phóng xạ có thể bay đến tận biên giới nước Áo, cách nhà máy hơn 1.400 km.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, kịch bản nhà máy Zaporizhzhia bị rò rỉ phóng xạ sẽ tương tự với thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản.

Giáo sư Boris Zhuikov – Chuyên gia nghiên cứu phóng xạ hạt nhân: “Tôi cho rằng hệ thống làm mát dễ bị hư hỏng hơn và về nguyên tắc có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng, không phải ở cấp độ Chernobyl, mà có thể là một Fukushima, khi hạt nhân phóng xạ dễ bay hơi được giải phóng”.

Rủi ro xảy ra thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia đang tăng từng ngày  - Ảnh 1.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, nhìn từ trên cao hôm 17/3. Ảnh: Reuters.

Truyền thông quốc tế dẫn ý kiến một số nhà khoa học lĩnh vực hạt nhân cho biết, rủi ro cũng có thể nằm ở khâu cung cấp điện cho nhà máy.

Ông Olexi Pasiuk – Phó giám đốc Ecoaction, Tổ chức nghiên cứu môi trường tại Ukraine: “Các lò phản ứng cần được cấp điện liên tục trong quá trình làm mát. Quá trình này kéo dài đến 30 giờ và sự gián đoạn nguồn cung điện ở giai đoạn này có thể dẫn đến rò rỉ bức xạ ra môi trường xung quanh”.

Nếu con người tiếp xúc với phóng xạ bị rò rỉ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ngay lập tức và lâu dài, tăng khả năng mắc các bệnh ung thư đe dọa tới tính mạng.

Người dân lo sợ “thùng thuốc súng” Zaporizhzhia

Không chỉ giới chuyên gia phải đặt ra những giả thiết cho tình huống xấu nhất, những người dân sống gần nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia cũng đứng ngồi không yên. Họ lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với gia đình mình.

Từng là thành phố với khoảng 50 nghìn dân trước xung đột, Enerhodar và Nikopol nằm gần nhà máy điện Zaporizhzhia, giờ còn rất ít cư dân. Chưa từng có mối đe doa an ninh nào nhằm vào nhà máy khiến người dân phải lo sợ như hiện tại.

Anh Alexander Lifirenko – Cư dân TP. Enerhodar, Ukraine nói: “Tất nhiên là chúng tôi lo lắng, không lo làm sao được khi sống ngay cạnh nhà máy hạt nhân này. Chúng tôi như ngồi trên thùng thuốc súng vậy”.

Anh Dmytro Shengyr – Cư dân TP. Nikopol, Ukraine: “Thật là đáng sợ. Đêm nào cũng xảy ra pháo kích. Ở Chernobyl có 1 lò phản ứng, nhưng ở đây có 6 lò, nếu xảy ra thảm họa thì sẽ rất khủng khiếp”.

Chính quyền hai thành phố Nikopol và Enerhodar đã triển khai những xe di động quan trắc bức xạ khẩn cấp để đo mức độ bức xạ. Nếu nghi ngờ có rò rỉ, các biện pháp khi có tình huống xấu nhất cũng được tính đến.

Ông Alexander Volga – Giám đốc Cơ quan quản lý Dân sự – Quân sự, TP. Enerhodar, Ukraine cho biết: “Nhiều quả đạn pháo rơi ở vị trí gần các kho chứa chất thải hạt nhân và các kho chứa đồng vị hạt nhân, những kho chứa này nằm gần các lò phản ứng”.

Rủi ro xảy ra thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia đang tăng từng ngày  - Ảnh 2.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký LHQ kêu gọi các bên ngừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự gần nhà máy

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia không được phép sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Các bên cần tìm kiếm một thỏa thuận để khôi phục nhà máy như một cơ sở hạ tầng dân sự thuần túy.

Thế giới từng chứng kiến các thảm họa liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, bài học gần đây nhất là tại Nhật Bản. Thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 đã gây ra thiệt hại nặng nề và Nhật Bản vẫn chưa thể khắc phục hậu quả này. Điện hạt nhân đã gần như bị loại bỏ hoàn toàn, nhiều vùng đã không còn người dân sinh sống lo ngại phóng xạ, xử lý nước nhiễm phóng xạ trong nhà máy này cũng đang là gánh nặng đối với Nhật Bản.

Sau sự cố nhà tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, điện hạt nhân gần như không được Nhật Bản sử dụng. Từ đóng góp đến gần 30%, năng lượng hạt nhân đã gần trở về mức 0 trong cơ cấu năng lượng, tuy nhiên vấn đề lo ngại nhất không phải là thiếu hụt nguồn cung năng lượng mà là việc xử lý nước nhiễm phóng xạ từ các nhà máy này.

Ông Matsumoto Junichi – Công ty điện lực TEPCO, Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi sẽ giải thích cho người dân và những người liên quan khác về kết quả sàng lọc, cùng với đó chúng tôi cũng tiếp tục áp dụng thiết bị công nghệ và đưa các biện pháp để việc xả nước thải ra biển đảm bảo an toàn”.

Tuy nhiên, kế hoạch xả thải của Nhật Bản vấp phải sự phản đối của của nhiều quốc gia láng giềng cũng như mang đến sự lo ngại của người dân địa phương, đặc biệt là những ngư dân, những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Takahisa Abe – Chủ cửa hàng thủy hải sản tại Fukushima, Nhật Bản: “Nếu nồng độ phóng xạ trong cá mà tăng lên chúng tôi không thể làm gì. Rõ ràng là nếu chúng tôi không bán được cá, việc kinh doanh sẽ gặp trở ngại lớn, chúng tôi có nguy cơ phải đóng cửa cửa hàng”.

Ông Hiroharu Haga – Chủ cửa hàng thủy hải sản tại Fukushima, Nhật Bản: “Tôi hơi lo lắng về nghề đánh bắt cá trong 10 năm tới, tôi nghe chính phủ sẽ xả nước từ nhà máy Fukushima ra biển, tôi thực sự lo lắng, vẫn không có gì chắc chắn cho tương lai”.

Đến nay, công ty TEPCO, công ty chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã phải tích trữ khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ với chi phí xử lý hàng năm lên tới 100 tỷ Yen, khoảng 880 triệu USD.

Theo thiết kế, công ty TEPCO chỉ tích trữ tối đa được 1,37 triệu tấn nước nhiễm xạ, với tốc độ hiện nay, bể chứa có thể đầy vào cuối năm nay, nếu không xả thải, sẽ không có nơi để chứa nước nhiễm xạ từ nhà máy nữa, và xử lý nước nhiễm xạ là vấn đề cấp bách và khó khăn nhất của Nhật Bản sau sự cố nhà máy điện hạt nhân.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với sức ép lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng, điện hạt nhân được lựa chọn trở lại ở một số quốc gia. Ngày hôm qua, truyền thông Nhật Bản đưa tin, chính phủ nước này dự kiến sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới để đảm bảo tự chủ năng lượng. Hiện chưa rõ kế hoạch này sẽ diễn tiến như thế nào nhưng chắc chắn, sau thảm họa Fukushima thì tiêu chí về an toàn khi vận hành các cơ sở điện hạt nhân sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Theo VTV


Lượt xem: 3

Trả lời