Rex Tillerson bị sa thải: Các CEO mất ‘thiêng’

Cập nhật 17/3/2018, 21:03:07

Sự sụp đổ của ông trùm dầu khí trong vai trò nhà ngoại giao khiến người ta phải xét lại việc đưa các doanh nhân thành công vào trong Nội các.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cuối cùng đã kết thúc nhiệm kỳ của mình tại bộ Ngoại giao sớm hơn dự kiến. Nhưng trên thực tế, ông gần như đã thành ‘xác sống’ từ cách đây nhiều tháng. ‘Chết’ cả về quyền lực lẫn uy tín. Một vài thiếu sót của Tillerson liên quan trực tiếp tới việc ông làm việc một thời gian quá dài tại ExxonMobil.

rex tillerson bi sa thai cac ceo mat thieng hinh 1
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kết thúc nhiệm kỳ của mình tại bộ Ngoại giao sớm hơn dự kiến. Ảnh: Slate

Thất bại của ông sẽ là trở ngại sau này với những nhân vật nổi tiếng trên thương trường nếu muốn xây dựng sự nghiệp chính trị, bởi sự hoài nghi vào năng lực điều hành bộ máy công quyền của họ.

Chưa từng làm việc trong một cơ quan chính phủ nào, bản CV đưa Rex Tillerson tới với vị trí Ngoại trưởng chỉ đơn giản là 4 thập kỷ làm việc tại ExxonMobil. Dĩ nhiên, ông có được những lời xác nhận hoàn hảo từ cựu Ngoại trưởng Condoleeza Rice, cựu bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (tất cả họ từng có quan hệ công việc với ExxonMobil) để được trao cho công việc này.

Lịch sử cũng ủng hộ ông khi nước Mỹ từng có nhiều doanh nhân, giám đốc điều hành chuyển sang làm ở các cơ quan nhà nước. Người ta thấy có CEO của Halliburton Dick Cheney sau này thăng tiến lên chức Phó Tổng thống, Robert McNamara của hãng ô tô Ford nắm quyền ở Lầu Năm Góc và chủ trì việc leo thanh chiến tranh tại Việt Nam.

Tỷ phú Micheal Bloomberg gắn bó 12 năm với chức thị trưởng New York, quãng thời gian được miêu tả là nhiệm kỳ thị trưởng doanh nghiệp. Không phải ai cũng thành công hoàn hảo, nhưng chưa ai ra đi trong ê chề như Rex Tillerson.

Trước hết, quãng thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ của Rex Tillerson bị ảnh hưởng vì ông không có sự hài hòa về mặt cá nhân với tổng thống Donald Trump, cũng như liên kết về chính sách với Nhà Trắng. Nhưng phải nói rằng, việc thất bại trong ‘cuộc chiến’ với sếp là do Tillerson đã không thể làm việc được với 24.000 nhân viên của bộ Ngoại giao Mỹ, những người đang công tác cả ở trong vào ngoài nước.

Hơn một năm làm việc tại đây, ông không thể dung hòa bàn thân vào cơ quan này, thậm chí còn bị bộ máy Ngoại giao Mỹ coi là ‘con virus’ cần bị loại bỏ. Những bài báo, bình luận, thư xin thôi việc và cả những dòng tweets trên mạng đã nói xấu ông đủ chuyện: từ việc bỏ ngoài tai các kiến nghị, tảng lờ các chuyên gia ngoại giao, tới phong cách quản lý không giống ai.

‘Chiếc gậy quyền lực’ trong tay Rex Tillerson khi làm việc tại bộ Ngoại giao là đại kế hoạch nhằm xây dựng lại cơ quan này với sự giúp đỡ của nhà tư vấn quản lý bên ngoài. Việc cải tổ là không phải tranh cãi khi ngành ngoại giao Mỹ đang đuối sức trước sự phát triển của công nghệ và các yêu cầu công việc nhanh hơn, nhiều hơn. Nhưng việc chính quyền triển khai việc tái cơ cấu bằng cách thông báo cắt giảm tới 30% ngân sách của bộ này đã truyền tải một tín hiệu sai.

Người ta cho rằng mục đích của việc này là trừng phạt và tiết kiệm hơn là bồi đắp sức mạnh và tái sinh ngành ngoại giao Mỹ. Sự hỗn loạn bắt đầu từ đây với những chỉ trích cách tiếp cận của Tillerson và cả những rò rỉ thông tin từ bên trong.

Những nhà phân tích ở Washington đưa ra một giả thuyết rằng: cơn ác mộng của Rex Tillerson bắt nguồn từ tư duy của một doanh nhân xoay sang làm quan chức của ông. Đó là bởi trong suy nghĩ của những người đứng đầu trong lĩnh vực tư, luôn có một định kiến cho rằng những người theo đuổi sự nghiệp trong bộ máy nhà nước có dòng dõi thấp kém, thiếu tham vọng, học vấn và sự hiểu biết.

Một nhân viên giấu tên ở bộ Ngoại giao Mỹ còn diễn giải hộ suy nghĩ của Tillerson trên tờ Vanity Fair rằng: ‘Có thể có sự khinh thường những người làm cho nhà nước bởi trong suy nghĩ của những người làm ở khu vực tư: những người giỏi nhất không bao giờ làm cho chính phủ”. Đây là lý giải hợp lý nhất cho những hành động của cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Ông không trực tiếp nói ra nhưng việc ông hậu thuẫn kế hoạch cắt giảm nhân sự, từ chối gặp các lãnh đao cấp cao của bộ này, phớt lờ hay trì hoãn việc tái bổ nhiệm các quan chức hành đầu đã phần nào nói lên quan điểm khinh thường của Tillerson với cấp dưới của mình, rằng họ không xứng đáng với đồng lương được trả. Truyền thống của đảng Cộng hòa chế giễu vai trò và quy mô của chính phủ càng củng cố cho nhận định này.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy viết hồi tháng Một. “Những cơ quan, cục, vụ ở Washington ban hành luật lệ dồn gánh nặng lên doanh nghiệp, làm mất việc làm, giới hạn sự tự do của nước Mỹ. Những nhân viên quan liêu không bao giờ phải đối mặt với cử tri, chỉ nhăm nhe trừng phạt mà không hề có tý chút trách nhiệm nào. Đầm lầy ở Washington là đây chứ là đâu”.

Tillerson thì không nói thẳng như thế, nhưng phiên điều trần của ông trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện đã chỉ trích việc tăng ngân sách cho viện trợ quốc tế và đối ngoại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Ông chủ trương quay trở lại với ‘việc quản lý có trách nhiệm với những đồng thuế của nước Mỹ’ và thúc đẩy tầm nhìn hẹp hơn về vai trò của ngoại giao, tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ an toàn cho người Mỹ. Đây chính là khởi nguồn từ mâu thuẫn giữa người đứng đầu bộ Ngoại giao Mỹ và phần còn lại của cơ quan này.

Việc chậm và trì hoãn bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong bộ máy ngoại giao cũng được cho là vì ông Tillerson không hề sốt ruột trong công việc này bên cạnh chuyện khác biệt quan điểm với Nhà Trắng trong vấn đề nhân sự. Thế nên, hơn 1 năm qua, bộ Ngoại giao Mỹ đã quen với cảnh các quan chức tạm quyền, hay lâm thời thiếu thẩm quyền và chuyên môn cần thiết.

Người ta nói vui rằng: bất kể nhân viên nào ở ExxonMobil có bị sếp ghét, anh ta vẫn có thể chiến đấu trên giàn khoan, khoan và hút dầu đem bán. Nhưng trên mặt trận ngoại giao, đứng ngoài ‘vòng chiến đấu’ cũng có nghĩa công việc bị đình trệ: các nhân viên không biết mục tiêu hướng tới là gì, các chính sách cũ liệu có còn giá trị hay làm thế nào để mọi thứ được thông qua.

Với những gì đã thể hiện trong những tháng cầm quyền ở bộ Ngoại giao Mỹ, Rex Tillerson xứng đáng bị thay thế./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời